Nỗi lo về một 'thế hệ mất mát' khi đại dịch kéo theo sự bất bình đẳng
Phần lớn trọng số 1,6 tỷ trẻ em trên toàn cầu đã trở thành nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp khi trường học đóng cửa do đại dịch, làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng giàu nghèo, đẩy nhiều quốc gia vào một 'tương lai không chắc chắn'.
Đứng trước ngôi đền Taj Mahal của Ấn Độ, hướng dẫn viên du lịch Raju Usmani lo lắng cho tương lai của con gái mình. Đại dịch Covid-19 đã đẩy thu nhập của anh rơi xuống đáy, vô tình khiến con gái anh có thể phải bỏ học, ngay cả khi cô bé chỉ mới bắt đầu học lại sau gần hai năm mắc kẹt ở nhà.
Cô bé Areeba, 10 tuổi, nằm trong số 1,6 tỷ trẻ em trên toàn cầu - những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi trường học phải đóng cửa do đại dịch, kéo theo sự bất bình đẳng gia tăng ngay từ chính bên trong hoặc giữa các quốc gia về khoảng cách giàu nghèo.
Chuyên gia giáo dục của Liên Hợp Quốc Robert Jenkins lo ngại: “Chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất mát cả một thế hệ. Thay đổi từ bây giờ hoặc không bao giờ có thể xoay chuyển tình thế”.
Ông Jenkins, người đứng đầu bộ phận giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhấn mạnh, nếu các quốc gia không có những hành động khẩn cấp, nhiều trong số họ có thể sẽ thiếu những công nhân lành nghề cần cho sự phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, mối nguy cơ về bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia vẫn ngày một tăng, nơi có số lượng lớn thanh niên bị bỏ lại phía sau sự phát triển: không có kỹ năng, việc làm hoặc thậm chí hy vọng.
UNICEF cho biết trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi trường học của chúng có xu hướng đóng cửa lâu hơn, và chúng ít có khả năng tiếp cận với các phương pháp học tập từ xa.
Không có số liệu toàn cầu về số lượng học sinh đã bỏ học. Nhưng bằng chứng từ Uganda – một quốc gia Đông Phi nơi các trường học đã mở cửa trở lại vào tháng 1/2022 sau khoảng thời gian đóng cửa kỷ lục 22 tháng – cho thấy rằng có tới 30% trẻ em có thể sẽ không trở lại lớp học.
Các nhà hoạt động vì quyền trẻ em cho biết, việc đóng cửa trường học đã làm gia tăng số lượng lao động trẻ em, mang thai ở tuổi vị thành niên và kết hôn sớm. Nhiều gia đình đã lâm vào cảnh túng quẫn, không còn khả năng cho con đi học.
Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, việc đóng cửa trường học có thể khiến thế hệ trẻ mất đi 17 nghìn tỷ USD thu nhập suốt đời – tương đương 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ngày nay – vì chính sự thiếu giáo dục sẽ hạn chế cơ hội trong tương lai của các em.
Thời điểm then chốt
Thế giới đang đứng ở ngã ba đường. Mở cửa lại trường học vẫn chưa đủ, thay vào đó, trường học phải đánh giá học sinh từ đầu và điều chỉnh chương trình giảng dạy giúp chúng có thể theo kịp.
Bằng chứng từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ như trận động đất ở Pakistan năm 2005 đã cho thấy, những mất mát trong giáo dục thậm chí có thể tăng lên mạnh mẽ sau khi trẻ em trở lại trường học, nếu như việc giảng dạy không được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của chúng.
Ở Ấn Độ, những vấn đề của Usmani vẫn chưa kết thúc. Thu nhập của anh đã giảm xuống còn khoảng 5 USD một ngày, từ mức 13 USD trước đại dịch. Những đứa con của anh đều bị tụt lại phía sau do không có internet để học trực tuyến.
Cô bé Areeba, ước mơ trở thành một giáo viên, cuối cùng đã được trở lại trường học vào tháng 1, và đã quên gần hết những gì đã học. Em trai của cô, bé Ayazuddin, 5 tuổi, đang đi học lại lớp mẫu giáo, cũng đang vật lộn để nhớ bảng chữ cái tiếng Anh và tiếng Hindi của mình.
Đó là một vấn đề phổ biến trên toàn thế giới. Một số giáo viên cho rằng, trẻ em không chỉ quên những gì chúng đã học mà thậm chí còn quên cả cách học.
“Tương lai của các con tôi phụ thuộc vào nền giáo dục mà chúng nhận được hiện tại”, anh Usmani, 38 tuổi, lo lắng. “Tôi không muốn chúng nhận được một nền giáo dục nửa vời như tôi đã từng”.
Cô bé Areeba rất vui khi được trở lại trường và thường vội vã trở về nhà sau giờ học để cho cha xem các ngôi sao trong sách bài tập. “Con bé thực sự nhớ trường học”, anh kể. “Đã qua rồi cái thời mà trẻ em sợ đến trường. Đại dịch chắc chắn đã thay đổi điều đó”.
Sự bất bình đẳng
WB tin rằng nền giáo dục đã rơi vào khủng hoảng ngay trước khi đại dịch bùng nổ, với 53% trẻ 10 tuổi ở các nước thu nhập thấp và trung bình không thể đọc một câu chuyện đơn giản, đồng thời cảnh báo con số này hiện có thể tăng lên 70%, với những hậu quả tiềm ẩn sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Nhưng đại dịch không chỉ khiến trẻ em bỏ lỡ việc học. Chúng cũng mất đi cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội khác. Ít nhất 5,2 triệu trẻ em trên khắp thế giới đã mất cha mẹ hoặc người chăm sóc vì Covid-19 trong 19 tháng đầu tiên của đại dịch.
Chính vì vậy, trường học phải có một cách tiếp cận toàn diện khi họ chào đón những đứa trẻ quay trở lại, giải quyết tình trạng tinh thần, tâm lý xã hội và thể chất.
Ở nhiều quốc gia, trẻ em gái bị đối xử bất bình đẳng. Chúng thường ít được tiếp cận với công nghệ hơn những bé trai và có nhiều khả năng phải lao động khi các trường học đóng cửa. Cha mẹ cũng có thể sẽ ưu tiên cho con trai đi học hơn con gái nếu kinh tế eo hẹp.
Nhưng đối với hàng trăm nghìn cô gái tại nhiều khu vực trên thế giới, rào cản lớn nhất đối với việc trở lại học tập chính là mang thai. Vào năm 2020, cơ quan viện trợ Tầm nhìn Thế giới ước tính, 1 triệu trẻ em gái ở vùng châu Phi cận Sahara có thể phải bỏ học để làm mẹ.
Tác động trong tương lai
Nhiều đứa trẻ đã phải nghỉ học để kiếm tiền. Trên toàn thế giới, có tới 9 triệu trẻ em có nguy cơ bị buộc lao động vào cuối năm 2022 vì đại dịch, theo UNICEF.
Tại thủ đô Kampala của Uganda, Kareem Kato, một học sinh khoa học xuất sắc với tham vọng trở thành kỹ sư, khi chuẩn bị bắt đầu bước vào trường cấp 2 thì đại dịch xảy ra.
Đại dịch đã ảnh hưởng đến tài chính của gia đình, tác động trực tiếp đến ước mơ của Kato. Ở tuổi 14, cậu đã từ bỏ việc học và bắt đầu làm thợ mộc để giúp đỡ các anh chị em.
Em gái sinh đôi của Kato, cô bé Sumaya, hy vọng trở thành một luật sư để có thể chống lại sự bất công xã hội, cũng đã buộc phải bỏ học và hiện đang giúp mẹ bán hàng ở chợ.
“Các bạn cùng trường đã đặt biệt danh cho em là 'omuyiribi' – có nghĩa là người nghị lực”, Kato nói, cố kìm nước mắt. “Đôi khi em khóc khi nhìn thấy các bạn khác vui vẻ đi học, còn em thì đổ mồ hôi trong xưởng mộc”.
Muhire Francis, một nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh Đại học Makerere khẳng định: “Chúng ta có thể không nhìn thấy được những tác động nghiêm trọng ngay lúc này, nhưng chắc chắn chúng sẽ đến trong một tương lai gần”.
“Hai năm đóng cửa trường học thực sự là khoảng thời gian rất lớn. Như một hệ quả tất yếu, những tác động sẽ rất nặng nề và kéo dài”, ông nhấn mạnh.