Mang trở lại Trung Đông 'thành phố của văn hóa và nghệ thuật' Tripoli
Đối với quốc gia Lebanon, lịch sử nghệ thuật của thành phố Tripoli chính là những di tích từ quá khứ, đã từng bị lu mờ bởi sự nghèo đói, nạn tham nhũng và làn sóng di cư nơi đây.
Hồi sinh những di sản nghệ thuật
Tiếng rít của vòi nước phun xuống đất vang vọng xung quanh các bức tường của Rạp chiếu phim Empire tối tăm ở thành phố Tripoli, phía bắc Lebanon.
Từ sàn của một căn phòng sứt mẻ từng là nơi bán vé, một người đàn ông sắp xếp lại các bu lông và ốc vít gỉ sét, trong khi ở tiền sảnh bên cạnh, một người phụ nữ quét bụi trên gương.
Người dẫn đầu các nỗ lực trùng tu tại nơi đây chính là nam diễn viên kiêm vị đạo diễn 35 tuổi Kassem Istanbouli, nổi tiếng với các công trình sân khấu trên khắp quốc gia Trung Đông Lebanon.
Vài ngày trong tuần, nhóm của anh - bao gồm một người Syria, một người Palestine, một người Lebanon và một người Bangladesh - thường lái xe ba tiếng đồng hồ từ nhà của họ ở phía nam đất nước đến Empire, một rạp chiếu phim được xây dựng vào đầu những năm 1940, nhưng đã bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ.
Dự án khôi phục này được khởi động vào tháng trước, là dự án đầu tiên trong chuỗi trùng tu những dấu mốc văn hóa nghệ thuật ở Tripoli, thành phố lớn thứ hai của Lebanon, nơi thường được biết đến nhiều hơn trong những năm gần đây vì bạo lực bè phái và nhiều hành vi khác.
Istanbouli nói rằng: “Chúng tôi muốn thế giới biết đến rằng Tripoli là một thành phố của văn hóa và nghệ thuật”.
“Khi bạn mở một rạp chiếu phim, mọi người sẽ đến và vui vẻ tận hưởng. Nhưng nếu bạn đưa cho họ một khẩu súng, tất nhiên họ sẽ làm tổn thương nhau”, anh nhấn mạnh.
Đối với những phần còn lại của Lebanon, lịch sử nghệ thuật của thành phố Tripoli được coi là những di tích còn sót lại của quá khứ, đã bị lu mờ đi bởi sự nghèo đói, nạn tham nhũng và làn sóng di cư, hay nói cách khác - một nơi khó có thể phục hưng văn hóa.
Nhưng, Tripoli vẫn luôn có một truyền thống điện ảnh đặc biệt lâu đời, từng có tới 35 rạp chiếu phim khắp thành phố, bao gồm cả rạp chiếu phim đầu tiên của Lebanon.
Rạp chiếu phim Empire là rạp chiếu phim cuối cùng trong số 5 rạp chiếu phim lịch sử vẫn còn tồn tại ở Quảng trường Tell của Tripoli, bao quanh tháp đồng hồ do vị hoàng đế thứ 34 của Đế quốc Ottoman Abdul Hamid II ban tặng vào đầu thế kỷ 20.
Empire đã đóng cửa vào năm 1988 khi các khu phức hợp rạp chiếu phim lớn mở cửa bên trong các trung tâm mua sắm và các đầu phát video tại gia ngày càng trở nên phổ biến.
Anh Istanbouli, người sáng lập Hiệp hội Nghệ thuật Tyro ở thành phố Tyre, miền nam Lebanon, đã hồi sinh ba rạp chiếu phim bỏ hoang tại thành phố này trở thành rạp hát và địa điểm chiếu phim thu hút.
Giống như nhà hát Rivoli tại Tyre mà anh đã khôi phục vào đầu năm 2018, Istanbouli đặt mục tiêu biến Empire thành một không gian đa nhiệm, nơi không chỉ có các lễ hội và vở kịch nghệ thuật mà còn có thư viện, studio nghệ thuật thị giác và khu vực tổ chức các hội thảo.
Đối với thời điểm hiện tại, đây có lẽ là một thử thách không hề nhỏ, trong bối cảnh nền kinh tế Lebanon tê liệt và hơn 80% dân số đang sống trong cảnh nghèo đói.
Mang trở lại 'thành phố của văn hóa và nghệ thuật'
Ngay cả trước khi một cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến tình trạng suy thoái hiện nay, Tripoli đã từng là thành phố nghèo nhất của Lebanon - bị bỏ rơi bởi sự thờ ơ của chính phủ và thiếu nguồn đầu tư. Đây là điểm xuất phát chính của làn sóng di cư bất hợp pháp, khi phần lớn người dân Lebanon hiện đang đi theo con đường bấp bênh, giống như người dân Syria chạy trốn cuộc nội chiến, cố gắng đến châu Âu qua Địa Trung Hải.
Dự án hồi sinh của vị đạo diễn trẻ được lấy cảm hứng từ cha anh, một người thợ điện, người đã từng sửa chữa những ngôi nhà ở miền nam Lebanon, và ông nội anh, một thủy thủ và ‘hakawati’ - người kể lại những câu chuyện dân gian trong quán cà phê cũ ở thành phố Tyre.
“Dự án này sẽ vực dậy nền kinh tế của thành phố, tôi tin là vậy. Nơi đây sẽ đem đến lượng khách du lịch đáng kể và mang trở lại danh tiếng vốn có của thành phố Tripoli”, Istanbouli vui vẻ.
Charles Hayek, một nhà sử học và bảo tồn 39 tuổi tin rằng, dự án của Istanbouli sẽ làm được nhiều điều hơn là chỉ chống lại những nhận thức tiêu cực. Ông nói: “Kassem đang hồi sinh một trong những di sản nghệ thuật của thành phố này”.
Tripoli đã từng mất đi rất nhiều di sản kiến trúc - đặc biệt là khu vực xung quanh Quảng trường Tell - trong thập kỷ qua do bị lãng quên. Trước cuộc nội chiến năm 1975-1990, rạp chiếu phim lâu đời nhất của quảng trường, Inja, từng thu hút 2 trong số những nghệ sĩ âm nhạc Ả Rập nổi tiếng nhất thế giới ghé thăm: đó là Umm Kalthoum và Mohamed Abdel Wahab.
Tòa nhà đó hiện đã bị phá bỏ, thay vào đó là một hầm để xe.
Đối với khoản tiền để phục hồi những di sản nghệ thật, anh Istanbouli đã hợp tác với Quỹ DOEN và Quỹ hỗ trợ người bảo vệ nhân quyền Euro-Địa Trung Hải. Anh hy vọng rạp chiếu phim Empire sẽ chính thức mở cửa trong vòng sáu tháng.