Đề xuất F1 đến trường: Tranh luận trái chiều

Hương Thu 12/03/2022 08:19

"Chúng ta nên mạnh dạn để trẻ em là F1 đã tiêm chủng đầy đủ tham gia học trực tiếp", đây là ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP HCM.

Nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về đề xuất học sinh là F1 đi học trực tiếp.

Trước đây học sinh F1 chưa được tiêm vaccine nghỉ học trực tiếp, ở nhà với thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13. Với quy định mới nhất của Bộ Y tế tại “Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học”, học sinh là F1 nghỉ học cách ly theo dõi tại nhà 5 hoặc 7 ngày. Tuy nhiên, trong bối cảnh học sinh liên tục trở thành F1 và lặp đi lặp lại, nhiều ý kiến đề xuất học sinh F1 được đến trường bình thường, tăng cường phòng dịch và thực hiện 5K.

"Chúng ta nên mạnh dạn để trẻ em là F1 đã tiêm chủng đầy đủ tham gia học trực tiếp", đây là ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP HCM. Theo ông Dũng, nhiều quốc gia cũng đã thực hiện công tác cho F1 trở lại trường thay vì nghỉ ở nhà để hạn chế ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em và việc giảng dạy của thầy, cô giáo.

Ý kiến này đang nhận được những ủng hộ và cả những lo lắng từ phía phụ huynh và học sinh, nhà trường.

Em Nguyễn Khánh Huyền (lớp 12D, trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn nước rút hiện nay, nếu phải ở nhà vì là F1 trong khi sức khỏe vẫn bình thường, không có biểu hiện sốt, ho, khó thở… thì quá lãng phí.

“3 năm học online nhiều hơn học trực tiếp, nay gần đến giai đoạn về đích rồi nên chúng em đang dồn toàn sức vào việc học tập, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng trước mắt. Nghỉ học vì ốm, mệt chúng em cũng tiếc chứ đừng nói là khi vẫn khỏe mạnh bình thường. “Tự nhiên” lại phải học online trong khi các bạn khác vẫn đang miệt mài trên lớp chỉ vì vô tình trở thành F1 thì tiếc lắm. Vừa rồi gia đình em có F0, phải nghỉ học ở nhà 5 ngày em rất lo lắng, dù rất tích cực học online nhưng hiệu quả chắc chắn không thể như trên lớp" – Khánh Huyền bày tỏ và cho biết.

Trong khi đó, là phụ huynh của hai bé học lớp 3 và lớp 8, anh Phạm Văn Thắng (xã Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội) cho biết, với bé lớp 8 vẫn đang đi học trực tiếp, anh hoàn toàn yên tâm vì con đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ, còn bé lớp 3 ở nhà học online là hợp lý. Về quy định học sinh F1 nghỉ học trực tiếp từ 5-7 ngày, anh Thắng cho rằng đó là sự cẩn trọng cần thiết bởi mặc dù thống kê tỷ lệ trẻ nhiễm Covid-19 ở nhiều trường thấp hơn so với người lớn, mức độ bị bệnh cũng nhẹ nhưng khi trong nhà có nhiều thế hệ cùng sinh sống, việc có con lây lan sang ông bà là khó tránh khỏi.

“Học tập là chuyện suốt đời, chỉ một vài ngày nghỉ học chưa thể khiến con học kém đi. Quan trọng là rèn cho con việc tự giác học tập thì dù ở nhà cũng không đáng lo vì giờ đây, thầy cô có thể hỗ trợ các con mọi lúc, mọi nơi khi có thắc mắc thông qua các kênh online, điện thoại” – anh Thắng bày tỏ.

Bộ Y tế đã đề xuất F0, F1 đi làm với các điều kiện cụ thể để đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế. Trong khi đó, học sinh là F1 theo quy định ở nhà 5-7 ngày đang làm khó các trường khi nhiều lớp học dạy học trực tiếp nhưng học sinh học online còn nhiều hơn học sinh tại lớp. Thầy cô giáo vừa xoay xở dạy học, quản lý cả 2 đối tượng học sinh 1 lúc khó có thể đảm bảo chất lượng như mong muốn. Và phần thiệt thòi đương nhiên sẽ là những học sinh học online khi âm thanh, hình ảnh dù có sắc nét đến đâu cũng không thể bằng thầy trò nhìn thấy nhau, tương tác trực tiếp.

Tạo điều kiện tối đa để học sinh được tới trường là những gì ngành giáo dục, y tế và toàn xã hội đang nỗ lực để giúp đảm bảo chất lượng việc học sau thời gian học sinh phải học online suốt 3 năm qua. Năm học chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc, công tác kiểm tra giữa kỳ 2 được nhiều trường, nhiều lớp đang tiến hành song với việc F0, F1 trong lớp học có khi nhiều hơn học sinh không F khiến nhà trường, thầy cô lúng túng trong việc thực hiện kiểm tra.

Trong đó, khó thực hiện kiểm tra đồng loạt cùng một thời điểm với cả học sinh học trực tiếp và trực tuyến do lo ngại về chất lượng minh bạch, bên cạnh đó nếu sức khỏe của F0 chưa đảm bảo thì cũng là một thiệt thòi cho các em.

Ghi nhận tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn F1 được đi học và đi làm bình thường nên TP vẫn đang tiếp tục thực hiện cách ly, quản lý F1 theo quy định. Theo bà Mai, đây là một trong những biện pháp giảm tải cho ngành y tế để giảm số ca mắc bệnh tăng và hạn chế các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Theo định nghĩa F1 do Bộ Y tế ban hành, người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:

+ Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0.

+ Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

+ Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

+ Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Hương Thu