Giá xăng tăng, đe dọa lạm phát
Giá xăng ngày 11/3 tiếp tục tăng và được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, một số dịch vụ liên quan đến giao thông, cước vận tải... không chịu được nhiệt của các đợt tăng giá xăng dầu đã điều chỉnh giá lên cao. Mục tiêu kiềm chế lạm phát đang bị lung lay.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng cũng gặp khó
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết sáng 11/3, giám đốc một doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu phía Bắc nói, kinh doanh mặt hàng xăng dầu cũng đang khó khăn vô cùng. Thứ nhất là rất khó khăn khi lấy hàng, vì nguồn cung hàng hạn hẹp. Chiết khấu hàng tại kho đang là 0 đồng nên nếu lấy được hàng rồi, như DN của ông phải vận chuyển từ cảng Hải Phòng về Hà Nội, tính ra chi phí vận chuyển giao động thêm 250 – 300 đồng/lít xăng, dầu. “Có lấy được hàng, hay không lấy được hàng các cửa hàng bán lẻ lỗ nặng”- vị giám đốc nói.
Khó khăn thứ hai, theo lời vị lãnh đạo này kể trước ngày giá xăng tăng, người dân đến mua xăng như “vỡ trận”. Điều này làm cho các cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội quá tải. Thường hàng xăng vẫn bán hàng 24/24 nhưng một số cửa hàng đã không còn nguồn hàng dự trữ phải đóng sớm từ 20h. Việc nhập hàng cũng nan giải, vì các đầu mối cung cấp xăng tại Hải Phòng thường mở cửa từ 7h sáng, nhập được hàng rồi chạy từ Hải Phòng về Hà Nội cũng phải mất 2-3 tiếng đồng hồ nên tận trưa hôm sau, các cửa hàng bán lẻ mới có xăng để tiếp tục bán. Nhiều hoạt động của cửa hàng vì thế cũng bị gián đoạn.
Giá xăng dầu tăng tác động tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của DN. Tuy nhiên điều đáng lo ngại, do áp lực tăng giá xăng là hiện hữu, nguồn cung xăng dầu lại bị ảnh hưởng nên trên thị trường vẫn tái diễn cảnh, các cây xăng bán cầm chừng. Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên trong tối ngày 10/3, sáng 11/3 trước thời điểm Bộ Công thương - Bộ Tài chính đưa ra quyết định điều hành giá xăng dầu lên gần 30 ngàn đồng/lít, người dân lo sợ xăng tăng mạnh xếp hàng chờ đổ xăng.
Trong khi đó, ông Trịnh Quang Khanh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện nay, các DN xăng dầu cũng đang rất khó khăn, nhiều cửa hàng, đại lý khó cầm cự nếu mức chiết khấu chỉ 100 - 200 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng/lít. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét cho DN xăng dầu được hưởng chính sách giảm thế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% như các DN trong lĩnh vực khác. Điều này sẽ giúp các DN giảm bớt gánh nặng, cân đối tài chính từ áp lực thị trường.
Theo Bộ Công thương, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá xăng dầu tại thị trường trong nước. Để bảo đảm duy trì việc cung ứng, bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước thời gian tới, Bộ Công thương ra văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn
Trên cơ sở đó, thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu. Trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định. Chủ động có phương án bảo đảm và công khai nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trên địa bàn trong thời gian tới.
Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Doanh nghiệp sản xuất, vận tải tìm cách vượt khó
Hiện tại, mặt bằng giá cả hàng hóa đã hùa theo giá xăng tăng từ 5% - 30%, từ đó, đánh vào túi tiền của người dân, nhất các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau quả, thuốc chữa bệnh…
Giá xăng, dầu tăng cao đã tác động lớn đến chi phí hoạt động của các DN, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải logistics, nhất là trong thời điểm các DN mới bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại sau dịch Covid-19. Ông Trần Đức Nghĩa- Giám đốc Công ty quốc tế Delta, cho biết, trong vận tải đường bộ, có 35 - 40% cước phí là chi phí nhiên liệu, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng trong thời gian ngắn đã làm tăng 13% cơ cấu chi phí của DN. Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng rất mạnh đến DN.
Theo ông Nghĩa, trước mắt, DN không có biện pháp nào để có thể đối phó với chi phí xăng dầu tăng cao liên tiếp như hiện nay. DN cũng sẽ cố gắng cắt giảm chi phí nhưng vẫn xác định rất khó khăn. DN sẽ phải tìm mọi cách thương lượng với khách hàng để điều chỉnh phí, giá vận tải cho phù hợp với giá xăng dầu. Muốn điều chỉnh giá cước vận tải cũng không phải là dễ dàng bởi vì giá đã được quy định trong hợp đồng rồi.
Hiện mức giá xăng dầu cũng làm “đau đầu” các DN trong lĩnh vực công nghiệp nặng - lĩnh vực phải vận chuyển nhiều, phương tiện chịu tải trọng lớn nên cũng tốn chi phí xăng dầu hơn.
Đại diện một DN chuyên sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết, chi phí xăng dầu đang chiếm 40% chi phí của mỗi chuyến xe vận chuyển, giá xăng dầu càng tăng thì DN càng phải bù lỗ thêm do giá cả đơn hàng đã ký kết với khách hàng từ trước đó.
Còn đại diện Công ty TNHH Việt Thắng cho hay, DN đã ký hợp đồng với đối tác có thời gian tới tháng 9/2022 nên không thể tăng thêm giá để bù lỗ cho giá xăng dầu. Vị này còn chia sẻ, biến động giá xăng dầu cũng đã được tính đến trong biên độ biến động giá trong hợp đồng, cùng với giá nhân công, giá nguyên vật liệu. Tuy nhiên, đến nay, biên độ tăng của giá xăng nằm ngoài tính toán của DN nên có nguy cơ lỗ hoặc hòa vốn khi thực hiện các đơn hàng đã ký.
Chủ động điều hành giá và giám sát
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cùng với nhóm nghiên cứu chỉ ra giá dầu duy trì ở mức cao sẽ làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung và hiệu quả của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 của Chính phủ nói riêng. Khi đó, các mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát sẽ gặp nhiều thách thức hơn.
Do vậy theo khuyến nghị của giới chuyên gia, cần nâng cao và đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu dài hạn. Bộ Công thương chủ trì, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu lâu dài hơn cho nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ sớm cho phép mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc vào tác động của giá xăng dầu thế giới đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước. Đồng thời, đa dạng hóa hóa nguồn cung cả trong và ngoài nước; nghiên cứu nguồn cung thay thế, đảm bảo ổn định hơn nguồn cung trong nước, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.
Ông Lực cùng nhóm nghiên cứu cho rằng các cơ quan chức năng cần phân tích những yếu tố về cơ sở giá, thuế và phí xăng dầu để đề xuất điều chỉnh phù hợp; đồng thời, rà soát, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sát thị trường, hiệu quả hơn nữa, nhất là về tần suất, thời điểm và mức độ bình ổn một cách linh hoạt, phù hợp.
Về lâu dài, Chính phủ chỉ đạo cân nhắc phương án tối ưu (giữa việc có duy trì hay không duy trì Quỹ bình ổn) trên cơ sở rà soát, đánh giá khoa học, thực tiễn, phù hợp bối cảnh Việt Nam.
Trong quản lý giá xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá và có phương án quản lý giá xăng dầu phù hợp, căn cơ hơn nữa. Cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong cung ứng, điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, tăng cường công khai minh bạch, hiệu quả của hệ thống kiểm tra, giám sát, hạn chế trục lợi, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm, lạm phát tăng 1,68% trong đó xăng dầu đóng góp tới 1,63%. Do đó, trước hết phải kiểm soát nguồn cung nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu, đây là yếu tố quan trọng.
Do vậy, để hạn chế lạm phát, giải pháp quan trọng là không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Đối với thị trường trong nước phải có giải pháp để cung ứng vật tư giữa các vùng miền, địa phương. Đặc biệt không để đứt gãy chuỗi cung ứng giữa thế giới với Việt Nam, đây là thách thức rất lớn. Bên cạnh đó, phải điều hành chính sách tài chính, tiền tệ một cách linh hoạt, nhịp nhàng.
Giá xăng tăng cao tác động tới nhiều lĩnh vực hoạt động Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Chủ động dự trữ năng lượng, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu
Phải bám sát diễn biến thực tế và tăng cường tuyên truyền, yêu cầu cơ quan quản lý vào cuộc ngay từ đầu năm vì đây là mục tiêu khá cao; đòi hỏi hành động quyết liệt bằng nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp. Đồng thời từng bước chủ động dự trữ năng lượng, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu kết hợp nguồn nhiên liệu trong nước để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, khẩn trương kết nối lại chuỗi cung ứng và tiêu thụ nội địa, giảm chi phí vận chuyển xăng, dầu nhằm hạ giá thành sản phẩm, từ đó giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng xăng, dầu hợp lý, tránh tâm lý đẩy giá hàng hóa bất hợp lý theo giá xăng, dầu; triệt để chống hiện tượng găm hàng trục lợi dẫn đến khan hiếm nguồn cung cục bộ.
Ông Nguyễn Bá Khang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia, thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:
Giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng
Việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Do vậy, giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng. Nguyên nhân là do nhu cầu thế giới hồi phục rất nhanh, trong khi đó sản lượng dầu không tăng thêm nhiều để đủ bù đắp. Giá xăng ở Việt Nam được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, và các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp... Nhưng trong mỗi lít xăng, thuế, phí các loại đã chiếm 40-42% giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng.
H.Hương(ghi)