Thị trấn sầm uất 'khát' nước sạch
Dù không phải ở nơi đảo xa xôi, thế nhưng hơn 10 nghìn hộ dân ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu lại đang sống trong tình cảnh “khát” nước sạch. Chuyện thật như đùa đã tồn tại hơn 40 năm ở thị trấn sầm uất này.
Hơn 15.000 hộ dân thị trấn “khát” nước sạch
Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải nằm ở ven biển khá sầm uất có thế mạnh về kinh tế biển với hơn 15.000 hộ dân. Tuy nhiên đã hơn 40 năm qua mặc dù là thị trấn trung tâm hành chính của huyện Đông Hải nhưng Gành Hào vẫn chưa có hệ thống nước máy. Hàng chục năm qua, các hộ dân ở đây rất bức xúc vì tình trạng “khát” nước sạch. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ giếng khoan và tích trữ từ nước mưa. Tới mùa khô, người dân luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Bà Nguyễn Thị Kiều - 60 tuổi ở ấp 4, thị trấn Gành Hào cho biết: Nhiều năm qua, nhà bà phải đi mua bình nước lọc về để uống và nấu ăn, nhà có giếng, nhưng bị nhiễm phèn, nên không thể dùng được.
Còn ông Nguyễn Văn Lến - ở ấp 4, thị trấn Gành Hào cũng không giấu được bức xúc khi có phóng viên đến hỏi thăm: “Tôi đã ở thị trấn này hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ có nước sạch để sử dụng. Sống tại trung tâm thị trấn mà điều kiện nước sạch sinh hoạt khó khăn như thế này thì các hộ dân ở đây thiệt thòi quá. “Nguồn nước không đảm bảo sử dụng lâu dài sẽ phát sinh nhiều bệnh tật. Không chỉ có gia đình tôi và toàn bộ người dân ở thị trấn đều mong một ngày có nước máy sạch để mà sử dụng” - ông Lến nói.
Thiếu nước sạch, người dân ở đây mạnh ai nấy khoan giếng nước. Nhà nào có điều kiện thì mua máy lọc về dùng, những hộ khác thì cứ bơm lên dùng cho tắm giặt, nấu ăn…, sau khi lắng cặn dùng để uống. Hộ nào quá khó khăn thì xin kéo ống từ “nhà cung cấp” với giá lên tới 6.000 - 7.000 đồng/m3 nước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực Gành Hào có 4 “nhà cung cấp nước” dưới dạng hộ gia đình có điều kiện đứng ra khoan giếng nước sâu, sau đó truyền ống, lắp đồng hồ cho các hộ sử dụng.
Người dân “dài cổ” chờ đợi
Ông Huỳnh Tấn Khanh - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hải cho biết: Năm 2009, Nhà máy nước sạch Gành Hào được khởi công xây dựng tại ấp 4 dưới dạng thu hút đầu tư của tỉnh. Huyện Đông Hải khi đó giao hơn 5.000m2 diện tích dự án cung cấp nước sạch cho toàn bộ dân cư thị trấn Gành Hào và các cơ quan của huyện nằm trên địa bàn thị trấn. Nhà máy có tổng công suất 12.000m3/ngày đêm, có dự trù đủ cho mục đích phát triển thị trấn tăng gấp đôi sau này. Thế nhưng do không còn khả năng về vốn nên nhà đầu tư nhiều lần lỗi hẹn với tỉnh thời gian hoàn thành dự án khiến nhà máy nước này xây dựng sắp hoàn thành lại “đắp chiếu”.
Những tưởng mong đợi của người dân sau nhiều năm chờ nước sạch sẽ được đáp ứng, ai ngờ sau khi xây dựng nhiều năm trôi qua nhà máy nước vẫn nằm trơ ra không phát huy được công năng để người dân “khát” nước ngay cạnh nhà máy.
Xung quanh vấn đầu tư Nhà máy nước sạch mới thay thế cho nhà máy nước sạch Gành Hào của Công ty cổ phần nước sạch Đông Hải, ông Lê Tấn Cận - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hiện nay tỉnh đang gửi lấy ý kiến các ngành, thành viên ủy ban đóng góp dự thảo cho giấy phép khai thác, đầu tư nhà máy nước sạch mới tại huyện Đông Hải, khi thông qua dự án này sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất để cung cấp nước sạch cho người dân thị trấn Gành Hào.
Được biết, hiện nay thị trấn Gành Hào đang trong quá trình tập trung xây dựng thị trấn đạt đô thị loại IV vào năm 2025 điều này đồng nghĩa với các chỉ tiêu người dân sử sụng nước sạch phải đạt 85 - 90%. Tuy nhiên để thực hiện được tiêu chí này có vẻ xa vời vì đến nay thị trấn này còn chưa có nổi một nhà máy nước sạch cung cấp cho người dân.
Trong khi đó, tình trạng người dân ở đây mạnh ai nấy khoan giếng nước để dùng đã làm suy giảm đáng kể nguồn nước ngầm. Theo cảnh báo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, nếu như trước đây người dân khoan giếng chỉ cần độ sâu từ 90 đến 100m là có nước, nhưng nay phải khoan hơn 200m mới có nước, trong khi nguồn nước mặn, cặn lắng và độ phèn rất cao.
Người dân Gành Hào đang khát khao có được 1 dự án khác đầu tư nước sạch phục vụ đời sống dân sinh, thay vì phải lệ thuộc dự án dở dang còn dính quá nhiều thủ tục pháp lý.