Tay em trổ vàng, tay anh chạm bạc

TRẦN DUY HƯNG 24/03/2022 05:56

Trên đường về Đồng Xâm tôi cứ lẩm nhẩm câu hát trên trong bài hát nổi tiếng “Nắng ấm quê hương”: “Anh đến quê em một chiều nắng ấm/ Khúc hát quê hương ru dài theo sóng/ Thái Bình ơi Thái Bình…”.

Đền thờ tổ nghề mỹ nghệ kim hoàn Nguyễn Kim Lâu ở Đồng Xâm.

Tự hỏi, mấy chục năm trước, hẳn phải yêu mến miền quê này lắm nhạc sĩ Vĩnh An mới có thể vẽ ra một bức tranh bằng âm nhạc tuyệt hay, tuyệt đẹp về quê lúa, dù ông sinh ra ở mãi Bình Định…

Chúng ta vừa trải qua những ngày đón Tết, vui Xuân. Trong dịp đặc biệt này hẳn ai cũng có những phút dây thành kính trước ban thờ tổ tiên hay nơi đền chùa. Trong không gian của tâm linh, của sự tĩnh lặng, chúng ta lặng ngắm vẻ đẹp tinh xảo của những bộ cuốn thư câu đối, đồ thờ tự. Đến thăm, chúc Tết gia đình người thân, bạn bè dịp này chúng ta cũng thường được nhìn ngắm những gì đẹp đẽ, nhiều ý nghĩa, thông điệp chủ nhà trưng ra: nét tao nhã, thanh thoát trong bức tranh “tùng cúc trúc mai”, “long ly quy phụng”, sự bay bướm trong bộ tranh chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”…; tự hỏi những sản phẩm đẹp đẽ, đầy tính nghệ thuật, tâm linh ấy do ai làm ra, từ đâu mà có?

Đó là lý do đầu Xuân này tôi tìm về làng nghề mỹ nghệ kim hoàn Đồng Xâm (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), nơi suốt 6 thế kỷ qua dân làng, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước miệt mài, kiên trì, nhẫn lại, mang hết sự khéo léo, tài hoa, sáng tạo chạm trổ, chế tác ra những sản phẩm nghệ thuật trên, cả những vật dụng thiết thực phục vụ đời sống bằng các chất liệu vàng, bạc, đồng…

Nói “làng nghề Đồng Xâm” là nói theo thói quen. Đến rồi mới biết “làng” ở đây không phải là một ngôi làng chuyên nghề mỹ nghệ kim hoàn mà là tập hợp của nhiều thôn, làng của 3 xã liền kề Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang cùng làm nghề này. Đồng Xâm là tên chung chỉ một tổng dưới thời phong kiến, ngày nay là địa bàn ba xã trên. Thăm “làng” vào ngày Tết chúng tôi không có dịp được hòa mình vào những tiếng gõ lách cách thường thấy, không được xem các nghệ nhân trình diễn các kỹ năng cơ bản của nghề mỹ nghệ kim hoàn như “trơn”, “đấu”, “đậu”, “chạm” vì các phường thợ đang trong những ngày nghỉ. Bù lại, có những người như nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn (thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi) đã dành cả buổi để trò chuyện, đưa chúng tôi đi thăm thú làng nghề.

Hỏi về lịch sử nghề mỹ nghệ kim hoàn ở Đồng Xâm, thay bằng trả lời, anh Hoàn đưa chúng tôi tới thăm một ngôi đền nhỏ nằm trong một quần thể các công trình đền, chùa rất đẹp nằm liền kề bến sông Vông, thuộc địa bàn thôn Thượng Gia, xã Hồng Thái - nơi thờ tổ nghề Nguyễn Kim Lâu của làng. Ở đó, trong các tư liệu còn lưu giữ, chúng tôi đọc được những dòng này: “Đức tổ nghề kim hoàn Nguyễn Kim Lâu sinh năm 1392, mất năm 1475, thọ 83 tuổi”.

Bức tranh đồng “Cửu long tranh châu”, một sản phẩm của người thợ Đồng Xâm.

Về sự tích truyền nghề, bản dịch bia đá, đề “Mùa xuân năm Thuận Thiên thứ 2 (1428)”, viết: “Nay tại thôn Thượng Gia, xã Đường Thâm, nguyên tổ nghề là cụ Nguyễn Kim Lâu đã đem nghề mỹ nghệ về truyền dạy tại phường Phú Lộc, gồm có bảy tổ.

Từ bấy đến nay đã truyền dạy cho con em các phủ huyện, hàng xã đến học nghề. Hàng năm, vào tháng Giêng, mỗi người đóng góp 300 đồng bạc để làm lễ cầu phúc. Những người dạy phải giữ nguyên lệ xưa để lại. Nếu bản phường nào có con em nộp thiếu thì không cho học nữa. Từ thủa nhà vua mở nước đã chú trọng nghề bổ khuyết đồng oa nên cần phải chú ý gìn giữ.

Được sự đồng ý của quan dịch, các phường cùng góp sức đúc một quả chuông lớn bằng đồng để cúng vào chùa Kim Tiên. Từ nay các tổ ở bản phường nếu không phải con em trong nghề thì không dạy và không được vào bản phường ngồi học vậy. Các tổ ở bản phường có con em đi làm ăn xa mà đem nghề tổ truyền cho các nơi dù chỉ nghe mà không trông thấy cũng bắt phạt để giữ nguyên phép nghề. Nay khắc vào bia để dặn lại, sau này không được ai vi phạm.Tiên sư và bản chùa có long thần chiếu giám. Chỉ duy nhất có một cụ tổ truyền nghề”.

Như lời lẽ trong văn bia thì thấy, tính từ năm bia được khắc đến nay, nghề mỹ nghệ kim hoàn hình thành, tồn tại, phát triển ở Đồng Xâm đã 594 năm. Để duy trì, bảo vệ, phát triển nghề, thủa khởi nghề làng có những quy định xem ra có phần “cực đoan” (chuyện đóng góp, việc cấm truyền nghề cho người ngoài…).

Về việc này, nghệ nhân Hoàn chia sẻ thêm, vì sợ “mất nghề”, xa xưa làng quy định chỉ dạy nghề cho con trai, con dâu của làng, không dạy cho con gái vì sợ khi đi lấy chồng họ sẽ mang nghề đi theo. Tuy nhiên theo thời gian quy định này dần không còn “ăn nhập” với cuộc sống, bị làng bãi bỏ. Sau này bất cứ ai yêu thích, muốn học nghề, phát triển nghề đều có thể theo học, hành nghề ở Đồng Xâm.

Không chỉ duy trì, phát triển nghề ở làng, con em Đồng Xâm còn mang nghề đi gieo cấy, phát triển ở nhiều vùng miền dọc dài đất nước. Nhiều chủ cơ sở mỹ nghệ kim hoàn ở phố Hàng Bạc (Hà Nội) ngày nay có gốc gác ở Đồng Xâm. Không rõ ở những thế kỷ trước, làng nghề phát triển ở quy mô nào nhưng ở thời điểm hiện tại, theo nghệ nhân Hoàn, cả ba xã Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang đang có khoảng 10.000 lao động sinh sống tốt được bằng nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn với công việc chạm, trổ thường nhật.

Dẫn chúng tôi đến đền làng Văn Hanh (xã Lê Lợi) - một trong những thôn phát triển nghề mạnh nhất ở Đồng Xâm, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn cho biết, đã thành mỹ tục, một năm làng có hai sinh hoạt cộng đồng rất ý nghĩa, đó là sau kỳ nghỉ Tết, nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng dân làng sửa lễ, dâng lên thành hoàng làng, Đức tổ nghề và anh linh các Anh hùng Liệt sĩ của quê hương, kính cáo về công việc làm ăn của dân làng năm qua, cầu xin tiền nhân phù hộ công việc làm ăn của làng trong năm mới.

Sau nghi lễ này, các phường thợ trong làng mới trở về, bắt đầu công việc chạm trổ, chế tác thường nhật. Đến ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch - ngày giỗ tổ nghề Nguyễn Kim Lâu - dân nghề cả ba xã mở hội lớn, với nhiều nghi lễ trang trọng để tri ân cùng nhiều sinh hoạt cộng đồng vui tươi khác.

Nhẩn nha trong đền làng Văn Hanh, ngoài cảm nhận được lòng thành kính của người dân địa phương với thành hoàng, tổ nghề, với những người con quê hương đã hy sinh để bảo vệ sự bình yên của đất nước, chúng tôi thực sự khâm phục, “ngả mũ” trước sự tài hoa của người thợ Đồng Xâm. Theo đó, tại đây, trên 3 ban thờ dân làng trưng bày 3 bộ hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ tự khác bằng chất liệu đồng.

Đặc biệt, ngay trước cửa đền dân làng đặt một án thư là một bức tranh đồng lớn, có tên “Cửu long tranh châu” (9 con rồng tranh 1 viên ngọc quý, mang ý nghĩa thể hiện niềm khao khát, sự nỗ lực, sự dũng mãnh, phấn đấu không ngừng để thăng tiến, trở thành người tài giỏi, người dẫn đầu). Theo nghệ nhân Hoàn, các hiện vật trên đều do dân làng góp của và được các nghệ nhân giỏi nhất làng trổ tài, chế tác ra cách đây chưa lâu, hoàn toàn bằng các thao tác chạm, trổ thủ công.

Nói như vị nghệ nhân, họ đã chế tác các tác phẩm trên bằng tất cả sự dồn nén, tích tụ tài năng, sự khéo léo và bằng niềm kiêu hãnh của người dân làng nghề có truyền thống đã 6 thế kỷ, với mục đích lưu truyền cho hậu thế. Còn với chúng tôi, chiêm ngưỡng những tác phẩm này chỉ biết thốt lên, ngạc nhiên vì sự công phu, tỉ mỉ, tinh tế đến tận cùng, toát lên trong từng đường nét, họa tiết cùng những ý nghĩa, thông điệp sâu sắc thế hệ người Đồng Xâm hôm nay gửi gắm trong đó.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn, nghề mỹ nghệ kim hoàn truyền thống không chỉ giúp người dân Đồng Xâm hôm nay có được một sinh kế tốt mà còn nhận được nhiều sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội. Nhiều người làng, trong đó có anh đã được tặng bằng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Rồi nữa, mới đây tỉnh Thái Bình còn cấp kinh phí cho địa phương xây dựng riêng một khu nhà truyền thống của làng nghề, như một hình thức trân trọng, kỳ vọng vào sự trường tồn, phát triển. Đường sá từ TP Thái Bình dẫn về làng (cách khoảng 20 km) cũng đã được tỉnh đầu tư, nâng cấp tạo sự thuận tiện cho việc giao thương…

Nhìn vào cơ ngơi khang trang của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn ở tuổi 47, nhìn vào cuộc sống sung túc của hầu hết các hộ dân ở Đồng Xâm, chứng kiến nếp sống cần cù, nhẫn nại, không xô bồ của những người dân có vẻ ngoài bình dị nhưng mang phong cách của những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhìn vào những sản phẩm họ đã tận hiến, tận sáng tạo cho cuộc sống này thêm phần đẹp đẽ, ý nghĩa tôi chợt nhận ra ở đâu có sự chăm chỉ lao động, sáng tạo, yêu cái đẹp, trân trọng những giá trị truyền thống, nhân văn ở đó có sự đủ đầy về vật chất, có sự phong phú và có chiều sâu trong tâm hồn, tâm linh.

TRẦN DUY HƯNG