Hậu Covid-19 ở trẻ em

ĐỖ HƯƠNG 16/03/2022 05:55

Thời gian gần đây, số trẻ em mắc Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam tăng mạnh.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi mắc hội chứng hậu Covid-19 tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Mặc dù đến nay chưa có thống kê chính thức, song điều này cũng đã được nhiều gia đình con đang còn nhỏ, chưa đủ tuổi tiêm vaccine quan tâm. Trên nhiều diễn đàn, mối bận tâm khá lớn tập trung ở chủ đề “hậu Covid-19” ở trẻ.

Khi nào xuất hiện?

Theo các nghiên cứu của thế giới, cho tới nay, bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi điều trị khỏi sẽ có thể xuất hiện những di chứng “hậu Covid-19”. Những di chứng này xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã chú ý vấn đề này và thấy các triệu chứng hậu Covid-19 thường xảy ra sau 2 tháng mắc Covid-19.

Theo BS Đào Trường Giang - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho tới thời điểm này, trẻ em mắc Covid-19 bị nhẹ hơn nhiều so với người lớn. Nhiều trẻ không có triệu chứng hoặc nếu có thì cũng chỉ cần dùng một số loại thuốc thông thường như hạ sốt, thuốc ho, thậm chí không cần dùng thuốc cũng có thể an toàn vượt qua đợt bệnh.

Mặc dù tình trạng hậu Covid-19 vẫn còn là vấn đề mới và cần nghiên cứu thêm, song một số nghiên cứu ban đầu đã được BS Giang tổng hợp cũng đã cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn bao quát:

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì hậu Covid-19 là tình trạng bao gồm một loạt các triệu chứng (cả về thể chất và tinh thần) xảy ra trong hoặc sau khi mắc Covid-19 (thường trong vòng 3 tháng), tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không giải thích được bằng các chẩn đoán thay thế.

Hiện cũng có nhiều thuật ngữ khác nhau chỉ tình trạng này như “Covid-19 kéo dài”, “Di chứng sau giai đoạn Covid-19 cấp tính”, “Covid-19 mạn tính”… Nhưng thuật ngữ “hậu Covid-19” là phổ biến nhất.

Theo WHO thì hậu Covid-19 có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, kể cả những trẻ trước đó mắc Covid-19 mà không có triệu chứng.

Các triệu chứng của tình trạng hậu Covid-19 có thể bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên khi mắc Covid-19 rồi tồn tại kéo dài hoặc xuất hiện ở giai đoạn sau này.

Các biểu hiện

Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) thì tình trạng hậu Covid-19 ở trẻ em có thể bao gồm các vấn đề sau:

- Vấn đề về hô hấp: Covid-19 thường ảnh hưởng đến phổi nhất, nên các triệu chứng hô hấp kéo dài khá phổ biến, bao gồm: Ho, đau ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn.

- Vấn đề về tim mạch: Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể xảy ra, bao gồm: Đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi.

- Mùi và vị: Khoảng 1/4 trẻ em từ 10-9 tuổi bị thay đổi mùi, vị giác khiến ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và đặc biệt khiến trẻ có thể không nhận ra một số mùi nguy hiểm (khói, khét khi cháy, chập điện...)

- Các vấn đề về thần kinh: Giai đoạn Covid-19 cấp tính có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Trong một số trường hợp hiếm có thể dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não. Trẻ em đã từng bị Covid-19 có thể có những thay đổi nhỏ về chú ý, ngôn ngữ, vận động và tâm trạng.

- Mệt mỏi về tinh thần: Đãng trí hơn, giảm khả năng chú ý, học tập khó khăn hơn, đọc chậm hơn, đọc ngắt quãng, đọc lặp lại nhiều lần, khả năng viết chậm hơn… có thể xảy ra. Nếu trẻ căng thẳng, ngủ không đủ giấc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này.

- Mệt mỏi về thể chất: Trẻ có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng khi hoạt động kém hơn, ngay cả khi không có các tổn thương về tim mạch hoặc hô hấp do virus gây ra.

- Đau đầu: Đau đầu là một triệu chứng phổ biến trong và sau khi mắc Covid-19. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn uống lành mạnh và hạn chế căng thẳng có thể giúp trẻ giảm bớt.

- Sức khỏe tâm thần và hành vi: Covid-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Đặc biệt, đối với trẻ đang mắc các rối loạn, bệnh tâm thần/hành vi, việc phải nhập viện, cách ly, nghỉ học… có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn.

- Hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em (MIS-C): Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi mắc Covid-19. Nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan tiêu hóa... có thể bị tổn thương.

Tình trạng hậu Covid-19 kéo dài bao lâu?

Rất khó để dự đoán tình trạng hậu Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu. Những dữ liệu hiện tại chưa có đầy đủ để đánh giá nên phải theo dõi thêm.

Theo WHO, thời gian theo dõi trước khi chẩn đoán mắc tình trạng hậu Covid-19 thường là 3 tháng sau khi trẻ mắc các triệu chứng đầu tiên.

Tuy vậy, nếu các triệu chứng ảnh hưởng nhiều tới trẻ hoặc những trẻ có bệnh lý nền hoặc trước đó mắc Covid-19 mức độ trung bình trở lên thì có thể đi khám sớm hơn. Lúc này trẻ sẽ được đánh giá mức độ nặng, tìm nguyên nhân của các triệu chứng hiện tại, mức độ hồi phục của Covid-19, phát hiện các biến chứng, điều chỉnh việc điều trị bệnh lý nền nếu cần… để có hướng khắc phục sớm.

TS,BS Đậu Việt Hùng - Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương, hội chứng MIS-C (hội chứng hậu Covid-19) ở trẻ dễ lẫn với nhiều bệnh khác như: Kawasaki, sốc nhiễm trùng, thực bào máu… Trong khuyến cáo ở phác đồ điều trị cũng yêu cầu phải loại trừ các bệnh khác trước khi nghĩ tới là MISC.

Để nhận diện hội chứng MIS-C, bác sĩ Hùng nhấn mạnh, nếu cha mẹ thấy con có triệu chứng như: sốt, ban trên da, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa, khó thở, môi tái, mệt mỏi... cần nghĩ tới hậu Covid-19.

Đặc biệt với bé chưa tiêm vaccine hoặc mắc mà cha mẹ không biết (do trẻ triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng), nếu có triệu chứng mệt mỏi kéo dài, ban, sốt, ho đi khám không ra bệnh thì cũng nên đến cơ sở y tế để có chẩn đoán kịp thời.

Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ mắc Covid-19 cần theo phải dõi các dấu hiệu sau khi khỏi bệnh. Nếu trẻ bị gặp nhiều yếu tố như giảm chú ý, mất tập trung, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bé thì nên cho con đi thăm khám sau khỏi Covid-19.

ĐỖ HƯƠNG