Du lịch Việt trước giờ G

T.XUÂN 13/03/2022 16:48

Sau một thời gian thí điểm, từ ngày 15/3 tới, các địa phương chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế đã mở ra những tín hiệu lạc quan về khả năng phục hồi của ngành du lịch sau khoảng 2 năm gần như “đóng băng” vì đại dịch Covid-19. Trước giờ G, các địa phương đã chuẩn bị gì?

Hà Nội cũng đã chuẩn bị nhiều sản phẩm du lịch để đón khách quốc tế.

Tăng tốc chuẩn bị

Thực hiện thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, trong những ngày qua, các địa phương đã bắt tay vào nhiều hoạt động, trong đó có đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động du lịch. Từ Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau vừa triển khai chương trình “Cà Mau - Điểm đến 2022” với nhiều sự kiện, hoạt động hấp dẫn, đặc sắc.

Theo đó, từ ngày 16 - 18/3, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời sẽ diễn ra lễ Nghinh Ông Sông Đốc; từ 6 - 10/4 sẽ diễn lễ hội Tri ân Quốc tổ và Ngày hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ II. Trong tháng 4 có chuỗi sự kiện họp mặt doanh nghiệp và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP năm 2022 với các hoạt động như: Hội nghị công bố sản phẩm OCOP năm 2021 và triển khai Kế hoạch Chương trình OCOP năm 2022; họp mặt Doanh nghiệp; kết nối giao thương; trưng bày và quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau…

Tiếp đó, các hoạt động sẽ liên tiếp được tổ chức đến cuối năm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các tỉnh thành trong cả nước, thông qua chương trình sự kiện, tỉnh Cà Mau mong muốn xây dựng hình ảnh địa phương phong phú, đa dạng về tiềm năng, giúp tỉnh khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội.

Còn tại Lâm Đồng, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đã bắt đầu được tổ chức góp phần phục hồi ngành du lịch của tỉnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.Trong đó, đáng chú ý nhất là Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng 2022 sẽ diễn ra trong thời gian từ 23/4 - 30/4 với chủ đề “Đà Lạt - Thiên đường nghỉ dưỡng”.

Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2022 sẽ có 4 không gian và 8 chương trình hưởng ứng mở đầu bằng lễ khai mạc.

Đây sẽ là sự kiện văn hoá - du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá, thu hút khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần thực thiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch”; đồng thời, phục hồi du lịch của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong khi đó, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, cũng như đội ngũ hướng dẫn viên để đón du khách quốc tế khi Việt Nam thực hiện mở cửa hoàn toàn trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới vào giữa tháng 3.

Hiện, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét giảm giá vé tham quan di tích tại Quần thể di tích Cố đô Huế như một biện pháp để kích cầu du lịch.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2022, Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức theo hướng bốn mùa lễ hội, với gần 50 sự kiện văn hóa được tổ chức liên tục, kéo dài trong năm, sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến với Cố đô Huế trong thời gian tới. Bên cạnh thế mạnh về du lịch di sản, những năm gần đây, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực xây dựng thương hiệu là một điểm đến an toàn, “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, đặc sắc.

Còn tỉnh Quảng Ninh - nơi có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cùng nhiều điểm đến hấp dẫn cũng đã lên kế hoạch tổ chức 65 sự kiện, hoạt động, chương trình kích cầu du lịch trong năm 2022, trong đó nhiều sự kiện lớn như lễ phát động chương trình du lịch Ngày hội Văn hóa - Du lịch Quảng Ninh 2022 tại Hà Nội, Carnaval Hạ Long, festival áo dài, đăng cai tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ IX, tổ chức các môn SEA Games, lễ hội ẩm thực, phố đêm du thuyền…

Với thông điệp “Du lịch trọn vẹn - trải nghiệm an toàn”, Quảng Ninh tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “Mỗi huyện, thị xã, thành phố có một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn” với mong muốn có thể đón khoảng 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu khoảng 21.000 tỷ đồng.

Đảm bảo an toàn, hiệu quả

Sau 2 năm du lịch gần như “đóng băng”, khi Chính phủ cho phép ngày 15/3 các địa phương được đón khách quốc tế thật sự là tín hiệu vui. Không chỉ các địa phương, các cơ sở du lịch, lữ hành trong nước chờ đón mà du khách quốc tế cũng cảm thấy hào hứng. Chính vì thế, việc các địa phương bắt tay vào xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, hay nâng cấp các sản phẩm du lịch đã quen thuộc để tăng tính hấp dẫn du khách là điều đáng quan tâm. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng phải đặc biệt lưu ý trong bối cảnh xu hướng du lịch đã có sự thay đổi mạnh mẽ vì đại dịch.

Tại diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh tổ chức hôm 11/3, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ VHTTDL hoàn thiện Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán”.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.

Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa các hãng hàng không với các doanh nghiệp du lịch khai thác đường bay quốc tế kết nối nhiều thị trường trọng điểm với những điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với khách nhập cảnh.

“Về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch Covid-19”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Tín hiệu vui đối với ngành du lịch Việt Nam: Trong thời gian thí điểm đón khách vừa qua, du khách quốc tế đến nước ta ngày một đông. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2 vừa qua, khách quốc tế đến nước ta đạt 29.500 lượt người, tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021.

T.XUÂN