Bình yên từ những mô hình tự quản
Với việc duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản, MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương đã cùng các cấp chính quyền làm thay đổi cơ bản nhận thức của người dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trong xây dựng Nông thôn mới. Từ đó đã khẳng định được vai trò, vị thế của Mặt trận, cán bộ Mặt trận ngày càng được người dân tin tưởng.
Một ngày đầu tháng, nhóm tự quản về an ninh trật tự thôn Lộng Khê (xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) lại tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân. Các thành viên trong nhóm đã đến nhiều gia đình trên địa bàn để phổ biến những quy định của pháp luật về công tác bảo đảm an ninh trật tự; đồng thời thông báo phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm mới như: Lừa đảo, trộm cắp bằng cách giả dạng người bán hàng hay doanh nghiệp thực hiện khuyến mãi; những loại “bẫy” tín dụng đen, cho vay nặng lãi… Một số người cao tuổi thường bị thiếu thông tin rất dễ trở thành nạn nhân của các loại hình tội phạm mới.
Ông Hoàng Trung Thông, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Lộng Khê cho biết: Trưởng thôn, Ban Công tác Mặt trận thôn đã cùng với Ban hành giáo của thôn Lộng Khê tuyên truyền vận động bà con giáo dân thực hiện tốt công tác an ninh trật tự của thôn. Hoạt động này vừa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, vừa nâng cao ý thức tự giác, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, những năm qua, đời sống của bà con nhân dân rất ổn định; bà con tích cực tham gia vào mô hình “Giữ gìn an ninh trật tự của thôn, xóm”.
Trước đây, ở thôn An Liệt 3 (xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà), khi gia đình có việc tang tình trạng ăn uống linh đình diễn ra phổ biến. Trước tình trạng đó, MTTQ và các đoàn thể trong thôn đã tích cực khắc phục. Đến nay, các đám tang không còn cảnh khách ở lại ăn cơm. Nhà có đám không mở âm lượng quá lớn. Không riêng thôn An Lạc 3 mà các thôn khác ở xã Thanh Hải đều thực hiện mô hình này và hầu hết người dân đều hưởng ứng.
Đây chỉ là 2 trong số 5 mô hình tự quản ở khu dân cư được MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương triển khai xây dựng. Thực tế đã chứng minh hoạt động của các mô hình tự quản đã góp phần tích cực giữ vững an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mặc dù mỗi địa phương lại có đặc thù khác nhau, nhưng “bí quyết” để tạo nên hiệu quả là sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền với các ban, ngành; lựa chọn mô hình phù hợp với yêu cầu cuộc sống, điều kiện thực tế của từng địa phương.
Ông Vũ Thạch Bồn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Giàng cho biết: “Việc triển khai các mô hình tự quản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận. Trong đó, chúng tôi tập trung triển khai ở các khu dân cư. Việc triển khai đồng bộ các mô hình có tác dụng quan trọng để đảm bảo sự đoàn kết, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần thúc đẩy và hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện”.
Để duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản trên địa bàn, khu dân cư, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã xây dựng kế hoạch và triển khai sâu rộng đến tất cả địa bàn dân cư. Trên cơ sở hướng dẫn của MTTQ tỉnh thì Ủy ban MTTQ các huyện đã chỉ đạo MTTQ xã, thị trấn tham mưu chặt chẽ với cấp ủy Đảng để có sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ huyện đến cơ sở; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. MTTQ các cấp đều xác định đây là mô hình tự quản gắn với cộng đồng, trách nhiệm ở khu dân cư nên công tác tuyên truyền luôn được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Đức Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương cho biết, với sự vào cuộc tích cực của MTTQ các cấp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 857 mô hình tự quản về môi trường, 918 khu dân cư xây dựng mô hình thực hiện nếp sống trong việc tang văn minh, 1.097 thôn, khu dân cư thực hiện mô hình tự quản phòng ngừa, đảm bảo trật tự và khu dân cư tự quản đảm bảo an ninh trật tự. Qua triển khai thực hiện cho thấy, các mô hình đã phát huy hiệu quả. Tại các thôn, khu dân cư có mô hình tự quản tình hình an ninh chính trị được giữ vững, đời sống của bà con được nâng lên. Các địa phương, đơn vị đều được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa, khu dân cư văn hóa; làng an toàn, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự.