Nông sản không lẽ vẫn may rủi?
Với một đất nước mà 70% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì câu chuyện trồng cây gì, bán quả gì để được mùa, được giá luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Lần đầu tiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thẳng thắn chỉ ra: Gần như ta đi buôn chuyến nhiều hơn, chưa có bài toán kết nối cung cầu, thả nổi trên nền kinh tế thị trường. Sản xuất tạo ra sản lượng mà không tìm kiếm thị trường, gắn nhu cầu thị trường nên buôn bán phụ thuộc sự may rủi của thị trường.
Giá dưa hấu, thanh long “chạm đáy”
Khảo sát trên thị trường Hà Nội cho thấy, nhiều điểm bán hàng trên phố Tố Hữu (Hà Đông), phố Long Biên 1 (quận Long Biên), chợ đầu mối (quận Hoàng Mai) tái diễn cảnh các xe hàng ghi “giải cứu nông sản”: thanh long, dưa hấu, mít Thái. Trong đó giá mít Thái phổ biến từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, Thanh Long: 10.000 đồng/ kg, dưa hấu: 8.000 đồng/kg…
Tình trạng kêu gọi giải cứu nông sản ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc phải quay về đã xuất hiện từ đầu tháng 10/2021 đến nay. Trước đó, việc giải cứu hàng nông sản vẫn là câu chuyện “quen như cơm bữa”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Không thể phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường
Hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu Trung Quốc là hệ lụy của cả sản xuất Việt Nam và công nghiệp chế biến không thay đổi được để giảm tình trạng xuất thô, tươi sang các nước khác, điều này càng khó cho xuất khẩu. Làm kinh tế nông nghiệp phải khác với tư duy làm nông nghiệp lâu nay, đặc biệt là việc chạy theo sản lượng, bất chấp có hiệu quả hay chất lượng, lợi ích người trồng, lợi ích xuất khẩu bao nhiêu.
Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vẫn nghĩ là thị trường dễ tính, có nhu cầu lớn, hàng tỷ người, có nhu cầu gạo, trái cây… mà không thấy càng ngày họ càng nâng chất lượng lên, càng ngày họ càng khó tính hơn, kiểm soát gắt gao tồn dư hóa chất, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân nước họ. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ thành vấn nạn, nên đã chủ động tìm mọi cách để chuyển động. Tuy nhiên, chỉ bản thân doanh nghiệp không thôi rất khó để làm, hiệp hội có thể vào cuộc hỗ trợ.
Trong khi đó, ghi nhận tại thủ phủ trồng thanh long, dưa hấu, mít… giá rớt thảm hại còn 500 - 1.000 - 2.000 đồng/kg tuỳ từng loại. Điều đáng buồn là với mức giá này, người nông dân vẫn khó bán.
Chẳng hạn tại Tây Nguyên, giá dưa hấu chỉ 1.000-2.000 đồng/kg, còn tại Bình Thuận, giá thanh long hiện nay trung bình chỉ 500-1.000 đồng/kg. Hàng đẹp để xuất khẩu cũng rớt giá, còn 1.500 đồng/kg.
Nguyên nhân thanh long giảm sâu, theo lý giải của Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, đó là do việc xuất khẩu thanh long bằng đường bộ ở cửa khẩu phía Bắc đang ách tắc, phía đường biển có tình trạng khan hiếm vỏ container cũng như chi phí vận chuyển quá cao nên mặt hàng này không được xuất nhiều.
Hiện số lượng thanh long của các doanh nghiệp trong tỉnh đang tồn ở cửa khẩu và các kho lạnh lên đến 30.000 tấn, cần phải tiêu thụ trong vòng 15 ngày.
Ở vùng trồng chuyên canh cây thanh long của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có nhiều nhà vườn thuê cơ giới đào gốc thanh long, cải tạo lại khu vườn khi trái thanh long đầu ra khó khăn, rớt giá kéo dài dẫn đến thua lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây dừa, bưởi da xanh, mít thậm chí trồng hoa màu xen canh...
Tại xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo hiện có khoảng 40 cơ sở, doanh nghiệp chuyên thu mua trái thanh long nhưng đa phần đều đóng cửa. Nhiều nông dân còn phá vườn thanh long già cỗi để trồng lại cây lúa, cây dừa...
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Phương Bình - Chủ tịch UBND xã Đăng Hưng Phước cho biết, tình hình này rất khó cho cây thanh long. Gần như cả mùa thuận, mùa nghịch năm nay người dân đều bị lỗ do chi phí đầu vào như: phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công đều tăng. Xã định hướng cho người dân trồng các loại cây ăn trái phải đạt theo các tiêu chuẩn.
Nhiều diện tích cây thanh long già cỗi người ta chuyển sang trồng dừa lấy nước, trồng bưởi... Các doanh nghiệp, HTX định hướng với đối tác để có đơn hàng, vận động người dân sản xuất đạt tiêu chuẩn để đầu ra ổn định hơn.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhận định, những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thanh long giảm sâu còn 2.000-3.000 đồng/kg. Trong quý I/2022, sản lượng thanh long tại các tỉnh trồng nhiều ở phía Nam đạt khoảng 247.000 tấn, trong đó riêng tháng 3 khoảng 63.000 tấn.
Trong khi đó tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, hàng ngàn container mít, thanh long, dưa hấu và nhiều loại rau, củ… đang ùn ứ. Trước đây, mỗi ngày có khoảng 300-400 xe container được thông quan nhưng nay chỉ còn khoảng 90-100 chiếc/ngày. Có nhiều xe hàng chờ lâu để được thông quan, hàng đã hư hỏng.
Được biết, tính đến sáng 7/3, tổng lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 1.710 xe, trong đó, tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là 921 xe (271 xe trong bãi tại cửa khẩu; 452 xe tại khu trung chuyển; 198 xe tại bãi xe Cốc Nam). Trong tổng số 1.710 xe có 1.097 xe hoa quả.
Lực lượng chức năng tại cửa khẩu đánh giá, hoạt động thông quan hàng hóa tương đối “nhỏ giọt”. Dự báo các xe chở hàng lên Lạng Sơn vẫn tiếp tục tăng. Điều này đồng nghĩa, nông sản vẫn sẽ kéo dài chuỗi ngày ùn ứ, giá rớt, chờ giải cứu.
Không chỉ có 3 “điểm nghẽn”
Từ trước khi xuất hiện dịch Covid-19, câu chuyện buồn nông sản được mùa mất giá, ùn ứ, hay thực trạng buồn “giải cứu” nông sản xuất hiện ngày một nhiều. Thậm chí xuất hiện thành chu kỳ, từ cây này đến con khác, nên nhiều người còn cho rằng, nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp giải cứu. Và cứ mỗi lần phía Trung Quốc có động thái “siết” hàng xuất khẩu Việt Nam, là nông sản Việt Nam lại rớt giá thảm hại.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 1,83 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,4%.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Bán hàng theo hợp đồng sẽ hạn chế rủi ro
Không phủ nhận trao đổi mậu dịch tiểu ngạch góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời gian qua.
Đến giờ lợi ích đó còn nên doanh nghiệp sẽ vẫn theo đuổi trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, thời gian qua doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp nhiều rủi ro khi mang hàng sang bên kia bên giới.
Nếu bán hàng theo hợp đồng sẽ hạn chế rủi ro, nhưng đôi khi bán tiểu ngạch thì dễ hơn.
Về lâu dài, doanh nghiệp cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn.
Hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở các địa phương giáp biên, muốn duy trì kim ngạch lớn hơn, cần đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch, để hàng nông sản vào sâu hơn nội địa Trung Quốc. Tiềm năng nông sản Việt Nam còn nhiều, các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp cần có thêm các giải pháp để hỗ trợ các thành viên của mình.
H.Hương (ghi)
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nay xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đang đối diện không ít thách thức. Việc nhập khẩu các mặt hàng ngoài danh mục được xuất khẩu chính ngạch bị coi là buôn lậu và áp dụng các chế tài tịch thu hàng, bắt giữ người, phạt tiền và có thể truy cứu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại biên mậu ưu đãi 8.000 tệ/người/ngày cho cư dân biên giới được quản lý chặt chẽ hơn về chủng loại hàng, số lượng mỗi lượt giao hàng.
Trung Quốc kiểm soát chặt cửa khẩu, lối mở, đã triển khai rào dây thép gai cao 2,5m và gắn camera theo dõi tại nhiều nơi. Do đó, thời gian qua một số mặt hàng (như sầu riêng, chanh leo) vẫn xuất qua các đường mòn, lối mở theo phương thức trao đổi cư dân biên giới, nay cũng không thể vào Trung Quốc.
Đặc biệt, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Trung Quốc tiếp tục tăng cường và siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam.
Một số loại nông sản của Việt Nam như: bưởi, dừa, chanh leo, roi, sầu riêng, sắn lát, thạch đen… khó xuất khẩu được theo hình thức biên mậu tại các cửa khẩu phụ mà trước đây Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu.
Vào chiều ngày 9/3, Bộ NNPTNT đã họp bàn với một số bộ, ngành, doanh nghiệp về tình hình xuất nhập khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc. Điều này cho thấy giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản, giá rớt không thể chậm trễ nữa.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để xảy ra tình trạng ùn ứ nguyên nhân căn bản nằm ở 3 điểm: Nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ.
Do đó, tư duy bị hạn chế ở ngắn hạn, dẫn tới tâm lý thấp thỏm, lo âu từng mùa vụ, đánh bài may rủi, đến khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do bị động, hoặc hay quên. Vì khi giải phóng ùn tắc được tại cửa khẩu thì những câu chuyện lại trôi đi mà không kiên trì tìm nguyên nhân căn bản, chỉ ra giải pháp lâu dài để giải quyết tận gốc việc đứt gãy.
Để tháo gỡ tình trạng ùn ứ hiện nay, quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa của từng thị trường như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… thậm chí là cả thị trường trong nước. Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như từ đầu.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ở các địa phương, chỉ biết trồng bao nhiêu héc-ta, hoạt động nuôi trồng hầu hết là thả nổi để người nông dân tự làm, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ, sản lượng, chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn…
Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, có một thực tế, trong số các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tương tối nhiều, tuy nhiên, nhiều đơn vị rất thờ ơ với câu chuyện thị trường. Trong khi, chính doanh nghiệp là người nắm bắt thị trường, dẫn dắt nông dân sản xuất. Do đó, nếu doanh nghiệp “dễ dãi” với chính mình thì hệ lụy sẽ rất lớn.
“Gần như ta đi buôn chuyến nhiều hơn, chưa có bài toán kết nối cung cầu, thả nổi trên nền kinh tế thị trường. Sản xuất tạo ra sản lượng mà không tìm kiếm thị trường, gắn nhu cầu thị trường nên buôn bán phụ thuộc sự may rủi của thị trường”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhận định.
Nỗ lực chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch
Giải bài toán ùn tắc nông sản tại cửa khẩu, làm sao để xuất khẩu nông sản thuận buồm xuôi gió không hề đơn giản và cũng không phải ngày một ngày hai là xong. Bài toán này cũng cần sự chung tay góp của của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, thương nhân và cả bà con nông dân.
Trong đó giải pháp quan trọng được giới chuyên gia cũng như nhiều đơn vị quản lý khẳng định là phải đa dạng hoá thị trường, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, nâng cao chất lượng hàng hoá nông sản, ngay cả trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, khi đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.
Bà Ngô Tường Vy- Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu có kinh nghiệm xuất khẩu 20 năm sang thị trường Trung Quốc cho biết, công ty không chịu nhiều tác động trực tiếp từ đợt ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc tuy nhiên công ty cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp khi sức tiêu thụ giảm, đứt gãy chuỗi liên kết.
Theo bà Ngô Tường Vy, thực tế phải thay đổi tư duy Trung Quốc là thị trường “dễ tính”. Và bà mong điều này được lan tỏa mạnh mẽ để chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nông dân thay đổi, tạo tính chủ động về nguồn hàng. Đây là thời điểm tốt nhất để nông sản Việt Nam thay đổi chiến lược nhằm xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) khi nói về sự khó tính của thị trường Trung Quốc cũng đồng quan điểm cho rằng: Phía Trung Quốc đã thay đổi tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm từ năm 2015 ngang bằng với châu Âu. Vì vậy, Việt Nam cần thay đổi từ khâu sản xuất tới đàm phán, thương mại.
Trong quan hệ xuất khẩu sang Trung Quốc cần chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch; cần những doanh nghiệp tiên phong, “đầu tàu” đảm bảo các yêu cầu. Thậm chí phải xác định, có những sản phẩm mất tới 9-10 năm mới đàm phán được khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ông Tiến, trước mắt, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu; qua đó, tăng đơn hàng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch theo mùa vụ.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu theo tiểu ngạch, nhưng phía sau phần hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch đều có bóng dáng thương nhân Trung Quốc sang đặt hàng. Do vậy doanh nghiệp Việt cần tăng tính chủ động, đảm bảo có thể tìm kiếm được khách hàng chính thống chứ không thể phụ thuộc thương nhân Trung Quốc.
Quan trọng hơn về dài lâu, Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia về xuất khẩu nông sản. Trong đó, chiến lược quy định rõ việc tổ chức thực hiện, các cơ quan tham gia dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn từ đó có những giải pháp bài bản hơn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc- Giám đốc Công ty CP Chuỗi nông sản thực phẩm Việt phân tích, muốn chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng trả ngay 100% tiền nhưng họ đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải tốt. Doanh nghiệp Việt Nam phải có chuỗi liên kết, nguồn cung ổn định. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp phải có ký kết hợp đồng liên kết với nông dân trong bao tiêu sản phẩm.