Rượu bia không diệt được SARS-CoV-2

T.M 13/03/2022 07:59

Nhiều người cho rằng, uống rượu bia có thể phòng ngừa Covid-19 bởi đồ uống có cồn sẽ giúp tiêu diệt virus, giúp bệnh nhanh khỏi… Vậy rượu bia có diệt được SARS-CoV-2? ThS.BS Lê Thị Hải - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa cho biết: Một số người lầm tưởng với việc dùng cồn để sát khuẩn nên nghĩ uống đồ uống chứa cồn (rượu, bia) có thể phòng ngừa được Covid-19 hoặc diệt được SARS-CoV-2 khi virus xâm nhập vào cơ thể.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có 3 loại cồn có thể dùng sát khuẩn trong y tế gồm: Cồn ethanol, n-propanol, isopropanol. Cồn muốn diệt được virus phải từ 60 đến 70 độ trở lên, và virus phải bám ở da tay.

BS Hải nhấn mạnh: Thành phần rượu có cồn, song nồng độ cồn phải từ 60 đến 70 độ trở lên mới sát khuẩn bề mặt, trên da; do đó uống rượu không diệt được virus. Chúng ta cũng không thể ngậm rượu nồng độ cồn cao trong miệng suốt để diệt virus được, chưa kể khi đó virus đi vào trong cơ thể đã ngấm vào trong tế bào.

Dùng cồn chủ yếu để diệt virus ở bàn tay, ở đồ dùng, vật dụng để khử khuẩn... chứ uống cồn vào trong họng không có hiệu quả.

Thực tế, rượu bia có rất nhiều tác hại đối với sức khỏe, làm suy yếu hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch suy yếu thì nguy cơ mắc Covid-19 tăng lên. Nếu mắc bệnh Covid-19 dễ có nguy cơ chuyển biến nặng. Bộ Y tế cũng cho biết, đồ uống có cồn không bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh. Tổ chức Y tế thế giới đã phát thông báo nhắc lại trong mọi trường hợp, uống rượu sẽ không diệt được virus hít trong không khí. Rượu không khử trùng miệng và cổ họng cũng như hoàn toàn không bảo vệ chống lại Covid-19 khi chúng đã xâm nhập vào cơ thể.

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng cho hay: Không thể uống rượu, ngậm rượu để sát khuẩn hay loại trừ virus vì sau khi nhiễm, nCoV đã ngấm vào trong tế bào cơ thể. Nồng độ cồn trong rượu cao sẽ gây tổn thương niêm mạc, các loại vi khuẩn và virus dễ tấn công tế bào.

Hiện thế giới chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rượu ngăn ngừa lây nhiễm, tiêu diệt nCoV. Tổ chức Y tế thế giới cũng bác bỏ “tin sai lệch” cho rằng đồ uống có cồn, cụ thể là rượu ethyl và ethanol, giết chết được nCoV hoặc khiến cơ thể người miễn nhiễm với virus. Chưa kể, lạm dụng rượu còn gây hại sức khỏe, nhất là dạ dày, các bệnh tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh nặng khác.

Thay vì uống rượu, BS Đào khuyên súc miệng bằng nước muối nhạt, ấm và dung dịch sát khuẩn họng mỗi ngày để phòng chống lây nhiễm Covid-19. Có thể dùng nước muối pha, nước muối sinh lý 0,9% bán tại các nhà thuốc, để súc họng.

Trong các loại nước súc họng thường có thành phần chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng như benzocaine, menthol, muối salicylate, hexetidine... Súc miệng khi cảm thấy đau, rát, cộm, vướng, khó chịu ở vùng họng. Cách một giờ súc họng một lần hoặc khi vừa đi ngoài đường về, sau khi tiếp xúc với nguồn nguy cơ lây nhiễm cao.

T.M