Trầm cảm - Căn bệnh thời hiện đại: Bài 1: Có nhận diện được trầm cảm?
Tại Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện chưa được nhìn nhận một cách đúng và đầy đủ, dẫn đến sự thiệt thòi cho người bệnh. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Đại Đoàn Kết sẽ cùng các chuyên gia, bác sĩ tâm lý trao đổi về vấn đề này với mong muốn góp một giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, để không ai còn phải nói “giá như”.
Trên thực tế mọi lứa tuổi đều có thể mắc trầm cảm. Từ người lớn, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ, nam giới… Thừa nhận những dấu hiệu của trầm cảm hay lưu tâm tới những dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh này là điều không nên bỏ qua.
Nhói lòng người ở lại
Là người đã đào tạo và gần gũi với nhiều thế hệ học sinh Thủ đô, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) kể cho chúng tôi câu chuyện về một học trò của ông. Nữ sinh lớp 11 này đến trường với những triệu chứng như uể oải, trầm buồn rất rõ ràng. Khi được đưa lên phòng Tham vấn tâm lý của nhà trường, thầy cô phát hiện em đã cắt tay đến mức cả cánh tay chỗ nào cũng có vết cắt. Em thường xuyên đeo kính áp tròng màu đỏ chót. Đặc biệt, có vài lần sau khi cắt tay xong em đã đi lang thang trên sân thượng và nhà trường phải có giám thị giám sát… Hiểu rằng phía sau đó là một câu chuyện dài, nhà trường đã kiên trì phối hợp cùng gia đình để giúp nữ sinh này vượt qua căn bệnh trầm cảm, trở về với cuộc sống bình thường như những bạn bè đồng trang lứa khác.
Cuối năm 2021, vụ việc nam học sinh lớp 6 ở chung cư Goldmark City (Hà Nội) nhảy lầu tự tử đang khiến dư luận bàng hoàng. Xung quanh sự ra đi của em, có thông tin cho rằng, em bị áp lực về học tập. Câu trả lời chính xác là gì chỉ có em mới hiểu. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng em đã rơi vào bế tắc…
Gần đây nhất, một nữ sinh lớp 10 ở TPHCM nhảy lầu tự tử trong giờ ra chơi buổi sáng ở trường học cũng khiến những người xung quanh không kịp can ngăn. May mắn là em rơi trúng mái che rồi ngã xuống sân trường, bị chấn thương nặng…
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bác sĩ Nguyễn Trần Kiên (ĐH Y Hà Nội) cho biết, ông và đồng nghiệp từng tiếp nhận không ít người bệnh đến thăm khám tâm lý trong tình trạng đã rất tệ. Đủ mọi lứa tuổi, giới tính, câu chuyện cũng khác nhau nhưng một đặc điểm chung đó là tâm trạng chán chường, u buồn, không thiết tha gì tới xung quanh… Một số ít người bệnh khác được người thân đưa đến thì tỏ ra “bất cần đời” hoặc hoảng sợ, thu mình không muốn nói chuyện, khóc lóc…
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân N.V.M. (24 tuổi, huyện Mê Linh, Hà Nội) được gia đình đưa đến phòng khám tâm lý trong tình trạng không tỉnh táo, liên tục gào khóc, đòi cắt cổ tay tự tử. Nguyên nhân là vì trong thời gian qua, đám cưới M. dự định tổ chức với người yêu học cùng cấp 3 bị hoãn lại nhiều lần vì dịch bệnh. Cùng đó, liên tiếp nhiều khó khăn ập đến khiến cô gái này không làm chủ được cảm xúc, gia đình khuyên bảo, phân tích rất nhiều, bạn trai cũng từng đến phòng khám và khẳng định vẫn quan tâm đến người yêu nhưng không thể hiểu nổi sự thay đổi thất thường, đang vui cười lại khóc, chỉ một chút phật ý cũng túm tóc, gào khóc ầm ĩ như trẻ con của M…
“Căng thẳng do tác động từ việc thay đổi công việc, môi trường sống, lo ngại về mặt tình cảm và cả thời gian ở nhà lâu do đại dịch gây ra khiến nhiều người, đặc biệt là người trẻ căng thẳng, khó làm chủ cảm xúc của mình” - bác sĩ Kiên nhận định.
Chú ý tới những dấu hiệu cảnh báo
Theo Báo cáo tóm tắt Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam của UNIECEF, tỷ lệ các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8-29% đối với trẻ em và vị thành niên. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Chuyên gia tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, hiện nay tỷ lệ cộng đồng mắc trầm cảm một lần trong đời chiếm khoảng 20%. Đặc biệt, nhóm những người trẻ trong nhóm tuổi từ 18-29 là nhóm mắc trầm cảm cao nhất. Tuy nhiên, do vẫn còn tâm lý kỳ thị của xã hội về căn bệnh này và chính những người bệnh cũng tự kỳ thị nên bản thân bệnh nhân không dám chia sẻ, trở nên bức bách và tự tìm cái chết như một cách giải thoát.
“Chúng ta cần hiểu về trầm cảm để giúp phá bỏ những định kiến, hiểu nhầm về trầm cảm nói riêng cũng như về các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần nói chung. Điều này sẽ giúp những người mắc trầm cảm không còn cảm thấy bị cô lập, bị phán xét. Giúp họ cởi mở hơn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên” - TS Nam phân tích.
Cụ thể, theo các chuyên gia, có rất nhiều dấu hiệu để nhận diện sớm, cảnh báo về căn bệnh này nhưng nhiều người bệnh và những người xung quanh chưa thực sự chú ý. Đó là buồn chán, cảm thấy ám lực, căng thẳng, mất tập trung, không thích trò chuyện. Nhiều dấu hiệu đi kèm như ăn uống quá mức, vô độ, không kiểm soát được cân nặng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều nhưng vẫn luôn mệt mỏi, cơ thể thiếu sức sống...
Trên thực tế, nhiều chuyên gia tham vấn tâm lý học đường đã chỉ ra khi trẻ gặp bất ổn về tâm lý, có bố mẹ cho rằng con đang cố tình lấy lý do để lười học, bạn bè cũng cho rằng em đó giả bộ. Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia là đừng bỏ qua những biểu hiện bất thường của người thân, bạn bè xung quanh dù là nhỏ nhất. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, TS Nam cho biết, nhiều bằng chứng nghiên cứu đã chỉ ra dịch bệnh đã làm tăng lo âu trầm cảm, hành vi sử dụng chất gây nghiện, cảm giác tuyệt vọng, những hành vi tự gây hại. Cách giải quyết cho vấn đề này là phải truyền thông xã hội để nâng cao sức khỏe tâm thần và giảm bớt sự đau khổ, những niềm tin sai lầm.
(còn nữa)
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Kiên (ĐH Y Hà Nội): Biểu hiện của trầm cảm ban đầu có thể rất nhẹ, không dễ phát hiện hoặc người thân/chính bệnh nhân đã nghi ngờ nhưng không muốn thừa nhận, thậm chí chối bỏ mình/người thân của mình đang bị trầm cảm. Đây là điều rất nguy hiểm bởi những vết thương về tinh thần, tổn thương về mặt tâm lý dù vô hình, không ai nhìn thấy nhưng hậu quả lại vô cùng lớn. Cần dũng cảm đối mặt với căn bệnh này và tìm nguyên nhân, hướng giải quyết thay vì trốn tránh hoặc hy vọng bệnh này tự khỏi.