TP Hồ Chí Minh nỗ lực phòng dịch Covid-19 trong ký túc xá
Phân loại sinh viên có bệnh nền, lập phương án sau khi phát hiện F0, nâng cao khả năng kết nối với y tế địa phương... là những phương án được nhiều ký túc xá ở TP HCM chuẩn bị để phòng dịch Covid-19.
Với hầu hết các trường ĐH, CĐ trên địa bàn đã tổ chức đón sinh viên vào ký túc xá để dạy và học bình thường, việc phòng chống dịch Covid-19 trong điều kiện ăn ở chật chội được nhiều trường đề cao, thực hiện nghiêm. Theo đó, dù không còn lo lắng khi phát hiện các ca F0 nhưng việc phòng ngừa, tránh để lây lan trong diện rộng là mục tiêu nhiều trường ĐH, CĐ quan tâm.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết hiện nay việc phòng dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM bước vài giai đoạn mới, với đặc trưng riêng của từng đơn vị. Với các trường ĐH, môi trường ký túc xá tiềm ẩn nhiều nguy cơ và bùng phát dịch. Vì vậy lãnh đạo Sở Y tế đã làm việc với ngành giáo dục, phổ biến các biện pháp ngăn ngừa dịch trong môi trường ký túc xá.
Theo ông Hưng, điều đầu tiên là yêu cầu các Ban quản lý ký túc xá chủ động rà soát lại kế hoạch và xây dựng các phương án phòng chống dịch phù hợp với các tình huống có thể xảy ra tại ký túc xá. Ngoài ra, các Ban quản lý cần rà soát và cập nhật danh sách sinh viên được tiêm chủng phòng Covid-19, thúc đẩy tiêm chủng nhằm giúp tăng tỷ lệ 100% sinh viên, giảng viên và nhân viên được tiêm chủng đầy đủ liều bổ sung, liều nhắc lại.
Đối với những sinh viên có bệnh nền như: hen, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, tăng huyết áp, suy thận mạn tính... cần được lập danh sách để phối hợp với chính quyền, y tế địa phương quản lý chăm sóc trong đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Đặc biệt, khi phát hiện sinh viên là F0 cần có quy trình chủ động ứng phó nhanh, không hoang mang và không gây ảnh hưởng tới các sinh viên khác.
Trong khi đó, hầu hết các Ban quản lý ký túc xá đều có những phương án tuyên truyền, nâng cao cảnh giác, phòng chống dịch đối với sinh viên. Khi phát hiện các trường hợp bất thường về sức khỏe, sinh viên cần chủ động báo cáo với Ban quản lý để kịp thời có biện pháp xử lý, cách ly kịp thời. Đặc biệt, một số Ban quản lý còn cho biết cần thêm các phương án kết nối với lực lượng y tế địa phương để kịp thời xử lý, phát hiện F0. Bởi hiện nay y tế địa phương quá tải, việc liên hệ và trao đổi khá mất thời gian.
Hiệu trưởng một trường cao đẳng ở quận 12 chia sẻ, sau hơn 1 năm học trực tuyến, hiện trường đã đón sinh viên tới học trực tiếp một số môn, bên cạnh học trực tuyến lý thuyết. “So với mấy năm trước, hiện sinh viên ở ký túc xá giảm còn 60% vì nhiều lý do. Tuy nhiên nhà trường vẫn lập phương án phòng chống dịch Covid-19 cho sinh viên, tuyên truyền để các bạn không xem nhẹ việc phòng dịch. Hiện sinh viên của trường đã tiêm đầy đủ vắc xin. Tuần qua có phát hiện 2 trường hợp F0 nhưng kịp thời cách ly tại phòng riêng, test nhanh những F1 cùng phòng và không phát hiện sự lây lan. Việc dạy và học của trường vẫn tiếp tục bình thường”, hiệu trưởng nhà trường cho biết.