Cư sĩ Tống Hồ Cầm, người cống hiến cả đời cho 'Đạo pháp, Dân tộc'
Cư sĩ Tống Hồ Cầm, pháp danh Tâm Bửu, sinh ngày 23/2/1918 tại làng Hương Cần, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là một trong những cư sĩ tiêu biểu của thời chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại miền Trung và miền Nam. Cư sĩ cũng là một nhà thơ, nhà báo, với nhiều bài viết lan tỏa tư tưởng đoàn kết dân tộc, ca ngợi lòng yêu nước, động viên tăng ni, Phật tử cùng các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh cho nền độc lập, thống nhất nước nhà.
Cư sĩ có cơ duyên với Phật pháp rất sớm, quy y với Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nguyên tại Tổ đình Sắc tứ Tây Thiên, được Hòa thượng Bổn sư ban pháp danh Tâm Bửu.
Từ thuở đồng ấu, ông đã được gia đình chú trọng giáo dục theo truyền thống gia phong, chuộng sự học, kính đạo đức, yêu nòi giống và dân tộc Tiên Rồng.
Năm 1937, cư sĩ được gia đình cho ra Hà Nội theo học tại Trường Thăng Long, vào thời đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là giáo sư dạy Sử của trường, nơi đã đào tạo nhiều học sinh xuất sắc cho nước nhà.
Cũng chính trong môi trường này, những cảm xúc về đất nước và dân tộc đã được nuôi dưỡng lớn mạnh, trở thành nhận thức và hướng hành động cho cuộc đời của chính cư sĩ qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhất quán cho đến cả cuộc đời trải dài cả thế kỷ.
Năm 1946, cư sĩ Tống Hồ Cầm được Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học Thừa Thiên - Huế cử đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư ký của Hội trong Đại hội tổ chức trọng thể tại chùa Từ Đàm.
Vào các ngày từ mùng 6 đến 9/5/1951, một sự kiện lịch sử của 6 tập đoàn Phật giáo ba miền Nam, Trung và Bắc tổ chức tại chùa Từ Đàm (Huế) thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cư sĩ Tống Hồ Cầm là đại biểu chính thức, được cử tham gia Thư ký đoàn của đại hội, cử đảm Phó Tổng Thư ký sau khi Tổng hội được thành lập.
Năm 1953, từ Huế vào Sài Gòn, cư sĩ đã tham gia hoạt động Phật sự trong Hội Phật học Nam Việt từ ngày văn phòng của Hội còn đặt tại chùa Phước Hòa, khu Bàn Cờ, cho mãi đến sau khi Hội Phật học Nam Việt xây cất chùa Phật Học Xá Lợi và liên tục đến năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Hội Phật học Nam Việt là một trong 9 tổ chức thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1955, cư sĩ là Hội viên Hội Trung Việt Ái Hữu, kiến lập chùa Hải Quang (quận Tân Bình, TP HCM) và cung thỉnh Hòa thượng Thích Nhật Lệ về trụ trì. Qua các kỳ Đại hội thường niên, cư sĩ liên tục được các hội viên bầu giữ chức vị Tổng Thư ký.
Công lớn của cư sĩ Tống Hồ Cầm không thể không kể đến việc xây dựng và phát triển tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam. Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ, việc này không chỉ có ý nghĩa đối với Phật giáo Việt Nam, mà còn với cộng đồng xã hội.
Bởi sự ra đời và phát triển của Gia đình Phật tử đã xóa bỏ quan niệm “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Những người trẻ được mở cánh cửa trải nghiệm từ sớm với Phật pháp, trau dồi kỹ năng sống, trau dồi đạo đức để lập nghiệp thành công và hạnh phúc lâu dài.
Với tinh thần phụng sự, dấn thân, cư sĩ Tống Hồ Cầm đã sớm tham gia các phong trào yêu nước từ thời kỳ toàn quốc kháng chiến. Dưới chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam, ông tích cực tham gia xuống đường, tuyệt thực phản đối chế độ độc tài. Là một nhà thơ, nhà báo, ông có nhiều bài viết lan tỏa tư tưởng Phật giáo về đoàn kết dân tộc, ca ngợi lòng yêu nước, động viên tăng ni, Phật tử cùng các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh cho nền độc lập, thống nhất nước nhà.
Ở tuổi 94, ông vẫn miệt mài với công việc ở Báo Giác Ngộ, tờ báo mà ông và những người đồng đạo cùng gây dựng từ những ngày đầu nước nhà thống nhất. Năm 2012, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nhà báo cao tuổi nhất Việt Nam.
Tháng 8/2016, ở tuổi 99, ông có buổi nói chuyện trước đông đảo Phật tử chùa Giác Ngộ. Ông nói, điều mình tâm đắc nhất ở đạo Phật, đó là khẩu hiệu Bi, Trí, Dũng: Bi là lòng thương người; Trí là trí tuệ; Dũng là dũng lực. Đạo Phật là đạo từ bi, là phải có tình thương, phải có trí để thương cho đúng chỗ, có ích cho xã hội, cho gia đình bạn bè và cũng cần có dũng lực nữa.
Trong buổi giao lưu, trò chuyện ngày hôm ấy, Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, đã nói rằng, cư sĩ Tống Hồ Cầm là tấm gương về tinh tấn, phụng sự. Ông làm việc không biết mệt mỏi suốt hơn 70 năm. Hơn 80 tuổi vẫn miệt mài ở Học viện Phật giáo Việt Nam. Hơn 90 tuổi vẫn miệt mài làm báo.
“Trong các vị cư sĩ lão thành, chúng ta sẽ khó tìm thấy được các vị cư sĩ lỗi lạc tương tự như bác Tống Hồ Cầm. Khi làm Phật sự, tôi luôn tâm niệm cái gì làm được là không từ nan, không than vãn, không bỏ cuộc giữa chừng, đeo đuổi đến khi đạt được thành quả. Lòng quyết tâm đó, tôi học được từ bác Tống Hồ Cầm”, Thượng tọa Thích Nhật Từ bày tỏ.
Cuối buổi giao lưu với Phật tử ngày hôm ấy, cư sĩ Tống Hồ Cầm đọc một bài thơ dài được sáng tác nhân mùa Vu Lan, ký bút danh Tống Anh Nghị. Ông giải thích, chữ “Nghị” ở đây được ông đặt để nhắc nhở mình: Nghị là nghị lực của tâm, của trí, để đối nhân xử thế sao cho mình có ích ít nhiều cho xã hội, cho giáo hội.
Ở tuổi 105, ông mãn duyên trần với nụ cười thanh thản trên môi. Ông ra đi giữa tình thương của con cháu, của chư tôn đức tăng ni, các huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam các thế hệ.
Cư sĩ Tống Hồ Cầm từ trần vào lúc 8h20 ngày 11/3/2022, hưởng thọ 105 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 7h ngày 12/3, tại chùa Hải Quang (Phường 3, quận Tân Bình).
Lễ nhập liệm được cử hành vào lúc 18h ngày 11/3/2022 (Tức 9/2 năm Nhâm Dần) tại chùa Hải Quang (71/13 Nguyễn Bặc, Phường 3, quận Tân Bình, TP HCM).
Linh cữu cư sĩ Tống Hồ Cầm được an trí tại chùa Hải Quang.
Lễ di quan được cử hành vào lúc 6h 14/3/2022 (12/2 năm Nhâm Dần).
Ban Tổ chức tang lễ cư sĩ Tống Hồ Cầm do Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đồng Trưởng ban.