Kiểm soát tăng giá hàng thiết yếu trước 'bão xăng' và dịch bệnh Covid-19
Trước biến động tăng giá xăng dầu, TP HCM lo ngại giá lương thực, thực phẩm thiết yếu có thể biến động mạnh từ cuối tháng 3, trong khi giá cả hàng hóa tại các chợ truyền thống có dấu hiệu tăng cục bộ.
Tại cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM vào chiều 14/3, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, các tác động của nhiều yếu tố khiến chi phí sản xuất gia tăng dẫn tới áp lực giá hàng hóa trong hệ thống phân phối, chợ truyền thống tăng theo.
Qua theo dõi giá cả các hệ thống phân phối hiện đại, Sở Công Thương TP HCM đang đánh giá để có giải pháp duy trì bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Trước đó, Sở này cũng yêu cầu các doanh nghiệp cam kết giữ giá hàng hóa ổn định một tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, thành phố khuyến cáo người dân có thể hoàn toàn yên tâm từ nay đến cuối tháng 3/2022, giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được giữ và duy trì ở mức ổn định.
Giải pháp cụ thể được đại diện Sở Công Thương cho biết, hiện nguồn cung từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt công suất khôi phục là 80-85%. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4 có thể đạt công suất 100% nên giá cả xăng dầu cũng sẽ được bình ổn trở lại.
Về phía Sở Y tế TP HCM cũng cho biết, đã có giải pháp trước tình hình diễn biến mới của dịch Covid-19. Cụ thể, trước tình hình bệnh nhi khám Covid-19 gia tăng nhanh đã khiến Sở Y tế TP HCM phải ra văn bản khẩn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập, trung tâm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về việc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc Covid-19 tại các bệnh viện.
Ngoài ra, một số cơ sở y tế tại TP HCM được yêu cầu ưu tiên thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19, trong đó có 3 bệnh viện nhi để kịp thời đánh giá, nhận định đặc điểm lâm sàng nhằm rút kinh nghiệm cho các đơn vị trong việc điều trị Covid-19 ở trẻ em.
Cùng ngày, thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, nhiều cán bộ nhận tiền từ quỹ ủng hộ phòng chống Covid-19 của Sở này đã trả lại số tiền được hỗ trợ trong đợt dịch vừa qua.
Trong số những cán bộ nhận tiền hỗ trợ, nhiều người được chi hỗ trợ 4,6 triệu đồng/người từ nguồn quỹ Covid-19 tại Sở. Cụ thể, có 21 thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, với số tiền được chi là 97,6 triệu đồng. Đáng chú ý, trong danh sách này có cả Giám đốc Sở là ông Lê Minh Tấn.
Liên quan đến sự việc trên, UBND TP HCM cũng đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM tổ chức rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan trong việc chưa công khai, minh bạch về đối tượng nhận hỗ trợ.