Lê Thiếu Ngân, một phụ nữ Hà Nội tinh tế
Hồi tôi còn làm phóng viên, vốn mê âm nhạc nên hầu như không lần nào Nhà hát lớn Hà Nội sáng đèn mà tôi không có mặt. Và nhiều lần tôi đã gặp cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng, thường khoác tay nhau vào nhà hát. Sau đó, tôi biết người đàn ông đó là Nguyễn Phú Bình, Thứ trưởng Ngoại giao, ông có những nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Trang phục sang trọng, tác phong chuẩn mực nhưng ông lại là người dễ gần, trong một lần họp báo về cuộc hòa nhạc của Toyota tại Việt Nam ông có đến dự và đã trò chuyện với tôi rất thân thiện. Kể từ đó tôi biết đến vợ ông, bà Lê Thiếu Ngân, con gái của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lê Vượng - người từng đạt giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh.
Lịch lãm, nhỏ nhẹ, nho nhã và xinh đẹp, đó là những từ dành để nói về bà, một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình nền nếp gia phong.
Học khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư pham Ngoại ngữ Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, Lê Thiếu Ngân được giữ lại giảng dạy tại Khoa, rồi đi nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Leningrad và nhận bằng Tiến sĩ Ngữ văn tại đây.
Về nước, bà giảng dạy tại khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, rồi làm Chủ nhiệm bộ môn, dạy hệ Đại học và Cao học cho đến khi nghỉ hưu.
Trong thời gian đó, có những năm bà theo chồng đi sứ. Nhiệm kỳ Đại sứ của chồng tại Hàn Quốc, bà tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam, một số hoạt động ngoại giao tại nước sở tại. Ngoài ra, bà còn dạy tiếng Việt cho Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Nhiệm kỳ của chồng tại Tokyo (Nhật Bản), bà tham gia các hoạt động ngoại giao, quảng bá văn hóa, du lịch cho Việt Nam... Cùng anh chị em Đại sứ quán tham gia lần đầu tiên làm Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản (nay đã thành sự kiện thường niên). Bà cũng là người tổ chức cuộc Gặp gỡ Mùa thu (Vietnam Autumn Cutural Meeting) cho Hội Phụ nữ châu Á - Thái Bình Dương tại Đại sứ quán.
Vóc dáng mảnh mai, nhỏ nhẹ, hiền hậu nhưng bà lại là người rất năng động, tháo vát. Bà Lê Thiếu Ngân là một trong những phu nhân Đại sứ lan tỏa văn hóa phụ nữ Việt vừa truyền thống vừa hiện đại.
Truyền thống ở phong cách nề nếp gia phong dịu dàng bên cạnh chồng, hiện đại ở chỗ chủ động tham gia và hoàn thành vai trò của một nhà truyền cảm văn hóa Việt.
Bà từng có các buổi nói chuyện về Việt Nam và quảng bá du lịch cho các Hội Phụ nữ, dạy nấu ăn cho các phu nhân tại Đại sứ quán và trên Đài Truyền hình NHK của Nhật. Có năm bà làm Chủ tịch Hội Phụ nữ châu Á - Thái Bình Dương tại Tokyo, từng đưa đoàn 50 người của Hội này về du lịch xuyên Việt (năm 2009).
Vốn có óc quan sát và thẩm mỹ tinh tế (được rèn rũa từ nhỏ) khi điều kiện đến bà đã tham gia lớp học vẽ tranh thuỷ mạc tại Tokyo rồi có tranh trưng bày phòng tranh tại Đại sứ quán, và triển lãm tranh thường niên tại Tokyo.
Là người yêu thích nghệ thuật và hoạt động tích cực cho việc quảng bá nghệ thuật. Với sự bảo trợ của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Hội Hữu nghị Việt - Nhật, bà đã lập ra Không gian nghệ thuật, hoạt động từ năm 2014 đến nay.
Ở Không gian nghệ thuật đó, Lê Thiếu Ngân đã mời thạc sĩ Nguyễn Mai Anh - giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tới giảng dạy về âm nhạc; giảng viên, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến tới giảng dạy về hội họa. Mời các nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Sun Group, Nhà hát Ca Múa Nhạc Âu Cơ, các nghệ sĩ: Bùi Công Duy, Đỗ Bảo, Tấn Minh, Đồng Quang Vinh, Lê Khanh, Phạm Trường Sơn, Trần Thu Thuỷ, Đào Tuyết Trinh, Phạm Quỳnh Trang, Đào Trọng Tuyên, Trần Thanh Ly, Diệu Hồng, Diệu Quỳnh, Đào Mai Anh, Lê Hoàng Lan... và một số dàn nhạc trẻ, các em nghệ sĩ nhỏ tuổi tài năng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đến biểu diễn, nói chuyện, giới thiệu về tác giả, tác phẩm, các nhạc sĩ tài danh của Việt Nam và thế giới...
Không gian nghệ thuật ấy cũng là nơi quảng bá các lĩnh của văn hóa - nghệ thuật. Bà hy vọng, hoạt động nghệ thuật có khả năng quảng bá hình ảnh Việt Nam và đẩy mạnh hoạt động ngoại giao tốt nhất.
Những năm gần đây bà vẽ nhiều hơn với chất liệu sơn dầu và acrylic trên toan. Ban đầu học với họa sĩ Văn Dương Thành, sau bà theo học họa sĩ Nguyễn Hải Kiên - Thạc sĩ, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Trung ương. Từ bài học đầu tiên đến những tác phẩm đầu tiên khoảng cách không quá xa. Những bức tĩnh vật, phong cảnh của Lê Thiếu Ngân có bút pháp tinh tế, màu sắc hài hòa, giàu cảm xúc.
Trước đây (từ năm 2008 - 2011) bà đã tham gia triển lãm nhóm hàng năm tại Tokyo (Nhật Bản). Bày tranh tại phòng tranh cá nhân tại Đại sứ quán Việt Nam, Tokyo (Nhật Bản); triển lãm tranh cá nhân tại gallery Thu Hương, năm 2014; triển lãm nhóm với các họa sĩ tại Nhà Văn hóa quận Hoàn Kiếm, 2020, có tên "Phụ nữ vẽ phụ nữ. Phụ nữ vì hòa bình" và triển lãm nhóm tại đại sảnh Bộ Ngoại Giao 3/2021 có tên “Sắc xuân”.
Bà cũng từng có tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Pusan, Hàn Quốc (bức “Mèo con”). Và bức “Sen hồng” bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Okinawa, Nhật Bản. Bên cạnh đó, bà còn có tranh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên…
“Tích cóp” trong quá trình làm việc không mệt mỏi những năm vừa qua, cùng với sự “lôi kéo” của bạn bè Lê Thiếu Ngân nảy sinh cảm hứng trình làng những cảm xúc của mình bằng hội họa. Cảm hứng đó được thăng hoa với sự động viên mạnh mẽ của Nhà triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội) nên bà đã chuẩn bị trên 40 bức tranh bao gồm: tĩnh vật, phong cảnh, chân dung… để trưng bày từ ngày 19/3 đến 28/3/2022.
Có người nói, ở tuổi của bà chỉ nên nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nhưng với Lê Thiếu Ngân bà hưởng thụ và nghỉ ngơi trong lịch trình làm việc và sáng tạo rất khoa học của mình. Bà không chỉ miệt mài bên giá vẽ, bà đến với âm nhạc, đến với các cuộc sinh hoạt phụ nữ với ngoại giao, phụ nữ với giáo dục và có một góc “vườn” nhỏ trong ngôi nhà của mình.
Ở đó bà vui với những bông quỳnh nở vào những đêm trăng, với những nhành hoa, mầm non của những cây xanh do bà tự tay chăm bón. Bà tham gia các hoạt động thiện nguyện: tặng tranh cho Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Đại học Y, Đoàn Quốc hội TPHCM… Và bà cũng dành nhiều thời gian chăm các cháu nội, du lịch cùng các con cháu... Thời gian của bà là thời gian ươm các hạt văn hóa không chỉ cho gia đình mình mà còn cho cả xã hội.
Có thể nói, Lê Thiếu Ngân là một chân dung điển hình của phụ nữ tinh hoa Hà Nội.