Doanh nghiệp vận tải loay hoay trong bão giá

ĐOÀN XÁ 15/03/2022 06:35

Chi phí nhiêu liệu, nhân công, tài xế... đều tăng liên tục nhưng lượng hành khách chưa trở lại bình thường (như trước dịch 2019) khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao.

Ngoài vận tải hành khách, các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa thậm chí còn chật vật hơn trước cơn bão tăng giá. Nhiều DN chọn giải pháp cấp bách là tăng giá vé nhưng đó lại là nguyên nhân khiến lượng hành khách giảm đi đáng kể.

Doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn khi giá xăng tăng.

Bà Nguyễn Thị Tâm, chủ DN vận tải chạy tuyến TPHCM - Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, trước đây mỗi ngày công ty có 4 chuyến xe chạy đi về nhưng hiện nay giảm xuống còn 2 chuyến. Nguyên nhân là do nhiều hành khách ngại đi xe đò vì đông đúc, họ chọn các phương tiện khác để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cũng theo bà Tâm, từ ngày 15/3, công ty vận chuyển hành khách của bà sẽ tăng giá vé thêm 10% do không chịu nổi áp lực tăng giá xăng dầu. “Giá xăng tăng cao kéo theo nhiều chi phí khác, gây khó khăn cho DN, nhất là DN vận tải” – bà Tâm nói.

Cũng bắt buộc phải tăng giá vé để duy trì hoạt động, chủ hãng xe Thành Công chạy tuyến TPHCM - Bình Phước cho rằng hiện DN vẫn phải áp dụng các quy định chống dịch. Nghĩa là số khách được chở ít hơn bình thường nhưng chi phí xăng dầu lại tăng cao - khoảng 40% so với 1 năm trước. Vì vậy công ty buộc phải tăng giá vé thêm 8% để có kinh phí duy trì hoạt động.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Phú Đạt - Phó Giám đốc bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, đến nay đã có 20 nhà xe đề xuất tăng giá vé. Mức tăng trung bình gần 30%. Theo ông Đạt, trong hoạt động vận tải hành khách thì giá xăng dầu chiếm khoảng 20-30% cơ cấu giá vé. Từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu liên tục tăng khoảng 6%, trong khi đó, lượng hành khách giảm khoảng 40%-50% so với cùng thời điểm các năm trước dẫn đến nhiều khó khăn nên DN buộc phải điều chỉnh giá vé.

Cũng chịu tình cảnh tương tự, nhiều DN chạy tuyến TPHCM đi Đồng bằng sông Cửu Long cũng buộc phải tăng giá vé để duy trì hoạt động. Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cho biết, hiện công ty đang thống kê các DN điều chỉnh giá vé. Sau khi các DN kê khai điều chỉnh giá vé, công ty sẽ gửi đến Sở Giao thông Vận tải các tỉnh thành và khi được chấp nhận thì nhà xe mới được tăng giá và niêm yết ở các quầy bán vé.

Tuy nhiên, tăng giá vé không phải là giải pháp bền vững với DN vận tải, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. Chủ một hãng xe chạy tuyến TPHCM - Đà Nẵng cho biết với mức tăng giá xăng dầu như hiện nay, giá vé xe khách phải tăng 40% mới đủ chi phí vận hành. Vị này cho biết, chi phí hoạt động DN vận tải ngoài giá xăng dầu thì còn nhân công lao động, thuế phí, ăn uống, bến bãi... Hiện nay ngoài giá xăng thì nhiều dịch vụ khác của tư nhân cũng “tự động” tăng giá khiến cho dịch vụ vận tải cũng chịu áp lực đáng kể.

Khi tăng quá cao, hành khách sẽ tìm tới phương tiện khác, trong đó ưu tiên là hàng không giá rẻ, bởi thời gian di chuyển của hàng không ưu thế hơn xe khách rất nhiều. Đó là lý do các tuyến xe khách đường dài hiện nay đang đứng trước nhiều nỗi lo, khi mà tăng giá vé cũng chính là làm giảm cơ hội cạnh tranh, mất đi lượng hành khách quan trọng là học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động nghèo.

Dù biết trước tác động tiêu cực từ việc tăng giá xăng dầu nhưng các DN vận tải hành khách là đơn vị chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Bài toán duy trì kinh doanh bền vững là vấn đề đầy áp lực.

ĐOÀN XÁ