Suy thận do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Theo thống kê từ Hiệp hội Thận học quốc tế, ước tính có khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới hiện mắc các bệnh lý về thận do các nguyên nhân khác nhau. Con số này gấp đôi số lượng bệnh nhân đái tháo đường và gấp 20 lần so với bệnh ung thư. Ở trẻ em, suy thận cấp và suy thận mạn là những căn bệnh nguy hiểm nhưng không hề hiếm gặp.
Nguyên nhân dẫn đến suy thận
Suy thận cấp là tình trạng suy giảm chức năng thận đột ngột và nhanh chóng. Nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp bao gồm: ngạt nặng sau đẻ, nhiễm trùng huyết, một số bệnh lý cầu thận như viêm cầu thận cấp, viêm thận lupus, hoặc một số bất thường đường tiết niệu.
Suy thận cấp diễn ra trong thời gian ngắn, có thể hồi phục và trở lại bình thường nếu điều trị đúng và kịp thời. Tuy nhiên, nếu trẻ không được điều trị triệt để, hoặc bỏ dở việc điều trị, dùng thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc… khiến chức năng của thận suy giảm dần, dẫn đến suy thận mãn tính.
Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương - Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi trung ương, tỷ lệ suy thận cấp và mãn ở trẻ cũng như người lớn trong cộng đồng hiện chưa có con số cụ thể, nhưng tại đây đang theo dõi và điều trị cho hơn 60 trẻ bị suy thận mãn giai đoạn cuối, trong đó có 15 trẻ phải chạy thận nhân tạo còn lại là lọc màng bụng. Tất cả đều đang chờ để được ghép thận. Tuy nhiên nguồn cho thận còn rất khan hiếm đặc biệt từ người cho chết não.
“Suy thận cấp nếu kéo dài trong 3 tháng không hồi phục thì sẽ dẫn đến suy thận mãn. Nguyên nhân suy thận mãn thường gặp là những bất thường về đường tiết niệu ở trẻ như trẻ sinh ra đã có thiểu sản thận 2 bên, thận đa nang, van niệu đạo sau… Ngoài ra, chúng tôi còn gặp những trường hợp suy thận mãn là những bệnh nhi có bệnh lý cầu thận như hội chứng thận hư, viêm thận lupus – bỏ điều trị, chuyển sang dùng thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc… đến khi quay trở lại thì bệnh tiến triển nặng lên, kèm suy thận” - bác sĩ Hương nêu ví dụ.
Điển hình, cháu P.N.D. (6 tuổi, ở Sơn La) phải thẩm phân phúc mạc điều trị suy thận giai đoạn cuối tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi trung ương 2 năm nay. Chị L. (mẹ cháu D.) cho biết, D. sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Khi cháu 3 tuổi, thấy con phù mặt gia đình cứ nghĩ con mình bụ bẫm. Đến khi thấy mắt con sưng nề, bụng to cảm giác như tăng vài cân, gia đình cho con đi bệnh viện khám, các bác sĩ kết luận con bị hội chứng thận hư tiên phát, và viết giấy chuyển thẳng lên tuyến Trung ương.
Sau khi xuất viện, gia đình nghe lời mách bảo của hàng xóm, đi cắt thuốc không rõ nguồn gốc về cho con uống để mát gan, mát thận. Sau 1 năm, thấy con đau bụng nhiều, gia đình đưa D. lên Bệnh viện Nhi trung ương khám thì bệnh đã chuyển sang mãn tính. Do bệnh của cháu D. kháng các loại thuốc, nên mỗi đợt điều trị phải kéo dài từ 1-2 tháng. Nhìn con ngày một héo hon, chị L. không khỏi xót xa, day dứt.
Thành tựu trong điều trị suy thận mạn ở trẻ
Theo PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, các trường hợp bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối nếu không được điều trị thay thế thận sẽ tử vong do các biến chứng của bệnh. Có ba phương pháp điều trị thay thế thận là ghép thận, thận nhân tạo và lọc màng bụng (hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc). Phương pháp thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc chỉ giúp trẻ duy trì sự sống, nguy cơ tử vong vì các biến chứng tim mạch rất cao, chất lượng cuộc sống rất thấp. Ghép thận là phương pháp tối ưu nhất mang lại cho trẻ chất lượng cuộc sống gần như trẻ bình thường.
Được biết, từ ca ghép thận đầu tiên năm 2004, đến nay Bệnh viện Nhi trung ương đã ghép thận thành công cho hơn 40 trường hợp trẻ bị suy thận giai đoạn cuối, trong đó có ba trẻ cân nặng thấp dưới 15kg. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Bệnh viện Nhi trung ương vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa nỗ lực cứu sống các bệnh nhi không may mắc các bệnh hiểm nghèo. Mới đây, hai bệnh nhi bị suy thận giai đoạn cuối đã được các bác sĩ thực hiện ghép thận thành công.
Bệnh nhi được ghép thận thành công mới đây là bé trai L.Đ. (11 tuổi, ở Hải Dương), cân nặng 21,5kg. Tháng 6/2019, do thấy con không tăng cân, còi cọc, gia đình cho trẻ đến kiểm tra sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Nhi trung ương. Trẻ được chẩn đoán suy thận mạn do thiểu sản thận hai bên. Đầu năm 2021 đến nay, trẻ xuất hiện mệt mỏi, được các bác sĩ chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối và phải chạy thận nhân tạo chu kỳ ba lần/tuần…
“Dưới chỉ đạo sát sao của PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện cùng sự quan tâm của ban lãnh đạo và sự chuẩn bị kỹ càng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa như: Thận và Lọc máu, Ngoại tiết niệu, Gây mê, Hồi sức ngoại, các khối xét nghiệm cận lâm sàng, Ngân hàng máu…, các ca ghép thận kéo dài trong hơn 3 giờ đã diễn ra thành công” - ThS.BS Lê Anh Dũng - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, người trực tiếp phụ trách nhóm phẫu thuật thực hiện ca ghép thận cho biết.