Doanh nghiệp vận tải hàng hóa logistic chật vật duy trì hoạt động
Tăng giá để duy trì dịch vụ nhưng lại khiến đơn hàng, lượng đối tác giảm đi là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa phía Nam hiện nay. Từ doanh nghiệp có hàng trăm phương tiện xe container cho tới doanh nghiệp nhỏ quy mô vài phương tiện xe chở hàng.
Cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, thời gian gần đây các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa logictics ở khu vực phía Nam đang chịu áp lực rất lớn. Với chi phí xăng dầu chiếm 30-40% dịch vụ, việc tăng giá cước là điều đương nhiên. Tuy nhiên, thời gian này việc vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng xuất khẩu chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực “kép”.
Anh Nguyễn Văn Hồng, 43 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn (TPHCM), chủ của công ty vận tải tư nhân với 3 phương tiện xe tải từ 2,5 tới 4 tấn cho biết thời gian qua đơn hàng vận tải nhận được rất ít. “Hồi tết tới giờ cũng có đơn hàng nhưng nhìn chung chỉ bằng 60-70% so với trước dịch. Các xe của tôi chủ yếu nhận chở hàng là đồ nhựa, bao bì, trái cây... chạy tuyến TPHCM đi các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp và ngược lại. Tuy nhiên với giá xăng tăng cao như hiện nay thì càng chạy sẽ càng lỗ. Bởi chi phí giờ cao lắm, từ tiền thuê tài xế, xăng xe, phí cầu đường... Tất nhiên khách hàng của mình cũng chấp nhận tăng giá nhưng nhìn chung chạy xe tải giờ “khó ăn” lắm”, anh Hồng chia sẻ.
Cũng theo người đàn ông này, anh đã làm nghề vận tải hàng hóa khoảng hơn 10 năm nhưng thời gian này áp lực nghề nghiệp rất lớn. Anh cũng chia sẻ nếu thời gian tới tình hình không khả quan sẽ bán bớt phương tiện để tìm hướng khác kinh doanh.
Việc giá xăng tăng khoảng 40% so với thời gian một năm trước đã khiến áp lực tăng giá lên gần như tất cả các mặt hàng hóa, dịch vụ khác. Vì vậy, không chỉ có các đơn vị kinh doanh vận tải tư nhân nhỏ lẻ mà cả các doanh nghiệp lớn với hàng trăm phương tiện cũng “chịu chung số phận”. Thậm chí các doanh nghiệp càng lớn, áp lực sẽ càng lớn hơn.
Ông Lê Thành Thảo, đại diện Công ty CP vận tải Quang Châu (TPHCM), một doanh nghiệp sở hữu hơn 200 phương tiện vận tải và container cùng hơn 180 tài xế cho biết hoạt động của doanh nghiệp hiện chỉ cầm chừng vì càng chạy nhiều càng lỗ.
Ông Thảo cho biết do nhiều đối tác ký vận chuyển hàng hóa theo năm nên công ty vẫn tiếp tục hoạt động phục vụ. Tuy nhiên, việc tăng giá thành vận chuyển là điều chắc chắn bởi mức giá cũ sẽ khiến công ty lỗ nặng. Ngoài ra ông Thảo cũng cho hay doanh nghiệp phải cân nhắc, thậm chí bàn bạc với đối tác nhằm mang đến sự hài lòng khi điều chỉnh tăng giá dịch vụ bởi nếu tăng quá cao thì sẽ không có hợp đồng mới được ký kết, duy trì.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cho biết hiện giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7-8 năm qua và có thể tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới khiến các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo ông Chánh, trong hoạt động của doanh nghiệp vận tải, các loại xe container, xe tải nặng thì chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35%-40%, trong khi các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25% của tổng doanh thu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT… Do đó, giá xăng dầu tăng cao và không ổn định sẽ khiến các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn.