Không phân biệt giữa khách du lịch trong nước và quốc tế
Nhằm tạo “hành lang” thông thoáng cho việc mở cửa ngành du lịch, tối ngày 15/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị "Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban và đặc biệt là 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hãng hàng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ bày tỏ, sau hơn hai năm thế giới phải gồng mình, kiên cường ứng phó với đại dịch Covid-19, có thể nói, đến thời điểm hiện nay, thế giới đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với dịch bệnh. Điều này thể hiện rất rõ trong tư duy và chính sách ứng phó với dịch bệnh của các nước, trong đó rất nhiều nước đã và đang triển khai mạnh mẽ chính sách nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa đi lại và thúc đẩy du lịch quốc tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới..
Cũng theo Thứ trưởng, đối với Việt Nam, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mở cửa mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những bài học quan trọng rút ra trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua. Mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước còn phức tạp, chúng ta hoàn toàn không chủ quan nhưng có thể tự tin về khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước và đón khách quốc tế.
Sau đúng 5 tháng triển khai Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ về chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đến nay, với thành công của chiến lược tiêm chủng, với công thức phòng chống dịch hiệu quả, bài bản, sự kịp thời trong tiếp cận thuốc và các phương pháp điểu trị, sự đồng lòng và ý thức của người dân, Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với dịch bệnh để tự tin mở cửa, đón du khách quốc tế.
Thứ trưởng cũng cho rằng, chúng ta bám sát chủ trương bảo đảm an toàn, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, song cũng đã bắt nhịp kịp thời với xu thế chung của thế giới. Đến nay, đã có khoảng trên 50 nước, trong đó có các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore…, đã triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh, miễn xét nghiệm PCR và miễn cách ly cho khách quốc tế để kích cầu du lịch.
Việc các nước đồng loạt mở cửa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế và công dân của chính họ là yếu tố khách quan và cơ sở thuận lợi để chúng ta triển khai chính sách mở cửa du lịch. Mặt khác, chúng ta đã có sự chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch, thể hiện qua sự vào cuộc tích cực, sự sẵn sàng của các địa phương, doanh nghiệp, của hệ thống khách sạn, các hãng hàng không và của người dân… trong việc đón khách quốc tế trở lại Việt Nam. Hiện nay, chủ trương, chính sách mở cửa du lịch chúng ta đã có. Nhiệm vụ quan trọng là việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, an toàn, khoa học và đem lại những kết quả cao nhất.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cũng bày tỏ, còn rất nhiều vấn đề và thách thức đặt ra khi Việt Nam mở cửa lại du lịch. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là tăng cường sự liên kết phối hợp của liên bộ, liên ngành với các địa phương để triển khai nhiệm vụ này. Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong điều kiện khó khăn. Thứ ba là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch. Thứ tư là phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch để khắc phục những hạn chế, khó khăn do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến dòng lao động dịch chuyển sang các lĩnh vực khác. Thứ năm là phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch. Thứ sáu là đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đều nhìn nhận, việc mở cửa du lịch để phục hồi, “vực dậy” ngành du lịch, tạo đà bứt phá trong thời gian tới có ý nghĩa cấp thiết. Hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch là góp phần thiết thực thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Để mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự chung tay, phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trên cơ sở thế mạnh trong nước và các kinh nghiệm của quốc tế, chúng ta cũng cùng lúc cần phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp liên quan, từ chính sách xuất nhập cảnh, các biện pháp cách ly, phòng dịch, công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch, đến xây dựng các sản phẩm du lịch, công tác chuẩn bị về nhân lực, đẩy mạnh chuyển đối số…
Đặc biệt, tại Hội nghị, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về chính sách, kinh nghiệm mở cửa du lịch của các nước. Đặc biệt, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã có những đề xuất để triển khai hiệu quả, thông suốt các chính sách, quy định của Việt Nam trong việc mở cửa du lịch.
Trước những ý kiến đóng góp và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, thông điệp lớn nhất của Hội nghị là Việt Nam chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3, như trước khi có dịch Covid-19, nhưng kèm theo một số giải pháp quản lý kiểm soát rủi ro, có biện pháp tối thiểu để giữ an toàn cho tất cả mọi người, không phân biệt người Việt Nam và người nước ngoài trong chống dịch. Mở lại du lịch quốc tế phải đặt trong bối cảnh chúng ta mở lại toàn bộ hoạt động kinh tế, giao thương.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cũng như các nước khác, mở cửa du lịch không có nghĩa là khách đến ngay mà đây là một quá trình phục hồi tính bằng nhiều tháng. Bên cạnh đó, chúng ta đã có kinh nghiệm 2 năm chống dịch. Sau khi dịch bệnh được khống chế, Chính phủ đã có Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không vượt ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế, giảm thiểu số ca nhập viện, số tử vong. Đây là cơ sở để Việt Nam thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Xung quanh những thắc mắc của các đại biểu nêu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định, chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài được áp dụng như khi chưa có dịch. Việc kiểm soát y tế đối với du khách nhập cảnh không có sự phân biệt với người Việt Nam. Thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực đấu nối, xúc tiến mở lại các hoạt động du lịch như trước khi có dịch.
Qua 2 năm chống dịch, người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã khơi dậy mạnh mẽ hơn những giá trị tốt đẹp. Bà con kiều bào có những nghĩa cử tốt đẹp không chỉ với quê hương mà cả cộng đồng sở tại. Ngoài truyền thống quý báu của bà con còn có công sức thầm lặng của các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Các đại sứ quán không chỉ hoạt động tích cực trong ngoại giao vaccine, trang thiết bị phòng, chống dịch cũng như sự chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam.
Chia sẻ với những khó khăn chưa từng có của các doanh nghiệp du lịch, nhất là những hộ dân tham gia làm du lịch trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, Phó Thủ tướng mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, nhất là những doanh nghiệp lớn, cùng với người dân cùng nhau khơi lại tinh thần sáng tạo để làm tốt hơn nữa các khâu xúc tiến, quảng bá, sản phẩm, tạo môi trường du lịch… "Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, cần khơi lại tinh thần sáng tạo, có những bước tiến mạnh mẽ, bù lại khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.