Tạo sức bật để doanh nghiệp phục hồi

H.Hương 16/03/2022 07:00

Quý I-2022 không còn dài, nhiều quyết sách quan trọng đã được cơ quan quản lý ban hành để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Vì thế, sức bật và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2022 đã dần rõ hơn.

Nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Ngành hàng nào dẫn dắt tăng trưởng?

Hầu hết dự báo của các quỹ đầu tư nước ngoài, chuyên gia kinh tế đều cho thấy, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm 2022, nhưng không quá ngạc nhiên nếu nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng nội địa, hoạt động xây dựng, du lịch quốc tế…

Chưa bao giờ, cộng đồng DN cũng như chính người dân chờ đợi sự bùng nổ của việc tái mở cửa nền kinh tế nội địa như hiện nay. Bởi khi cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt, hoạt động kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, hướng về khu vực nội địa, hay kinh tế nội địa sẽ là động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế Việt Nam, tiêu dùng nội địa đã bị suy giảm nghiêm trọng vào năm ngoái. Song khi Chính phủ tung ra gói hỗ trợ quy mô lớn nhất chưa từng có 350.000 tỷ đồng với các chương trình kích cầu bao gồm cắt giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, hỗ trợ lãi suất… hứa hẹn thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Một cách lạc quan, với người tiêu dùng vốn là nhóm đang bị ảnh hưởng lớn khi thu nhập, việc làm giảm do dịch bệnh, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp nhóm này trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân. Theo đó, việc giảm được chi phí này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, phục vụ đời sống, qua đó tăng giao dịch trên thị trường.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, công ty đã có kế hoạch tăng cường về nhân lực, nguyên vật liệu để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gia tăng trong thời gian tới.

“Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động giảm giá hàng hóa dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng. Và chính sách này sẽ kích cầu, người dân mua sắm nhiều hơn, từ đó giúp DN sản xuất nhiều hơn. DN sẽ bán được nhiều sản phẩm, từ đó doanh thu tăng, lợi nhuận tăng và nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” - ông Hiến nhận định.

Trong khi đó ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho rằng, việc Chính phủ và Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng sẽ là tiền đề kích thích các hoạt động sản xuất trở lại, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vị này mong muốn, công tác triển khai sẽ được cơ quan quản lý chỉ đạo quyết liệt và sâu sát hơn nữa đối với từng ngành nghề và địa phương để thực hiện gói hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.

Một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit cũng cho biết, các nhà sản xuất Việt Nam đã có bước khởi đầu tích cực cho năm 2022 khi không còn những hạn chế trên phạm vi rộng. Đây là yếu tố để từ đó, lĩnh vực sản xuất có thể tăng trưởng.

Niềm tin thị trường là có thật khi Việt Nam vừa khá thành công trong cuộc chiến với đại dịch Covid -19. Nhiều DN vừa phục hồi, đang bắt đầu quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng cầu của nền kinh tế được dự báo gia tăng.

Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, năm 2022 không phải là thời điểm bắt đầu mà là một tiến trình mới. Một số ngành sẽ nhận được tác động tích cực từ sự phục hồi của nền kinh tế, cách chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cải cách thể chế... Trong đó nhóm có nhóm ngành được kích thích bởi đầu tư công như: hàng không, đường bộ...

Ông Quang phân tích, giải ngân đầu tư công năm 2021 đạt thấp so với kế hoạch, nên dư địa cho năm 2022 còn lớn. Hơn nữa, hiện nay lãi suất cho vay trong nước và nước ngoài thấp, nên là cơ hội để thúc đẩy phát triển đầu tư công. Nếu đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo theo các nhóm hàng công nghiệp, sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng có xu hướng phát triển tốt trong năm 2022.

Bên cạnh đó còn có nhóm ngành dẫn dắt tăng trưởng, ngành kích thích phục hồi do tiêu thụ trong nước. Cụ thể dịch được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa, các chính sách thích ứng với dịch được triển khai một cách hiệu quả, cùng với các giải pháp kích cầu nền kinh tế, sẽ là “bàn đạp” đẩy các ngành dịch vụ, du lịch, bán lẻ, hàng không... hưởng lợi.

Cũng theo ông Quang, nhóm các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn nếu biết khai thác thị trường cũng đầy hứa hẹn. Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do được ký kết, đang bước vào những năm đầu quá trình thực hiện, nên có những tác động kích thích thể chế đa phương đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 cũng sẽ tác động tích cực đến các ngành thâm dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, thuỷ sản...

Trong nửa đầu quý I-2022 hàng loạt các quyết sách, các chương trình hỗ trợ lớn đã được tung ra. Cộng đồng DN đánh giá, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khi được thực hiện chuẩn chỉnh, sẽ là trợ lực quan trọng để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Cùng với đó, thời gian này Chính phủ cũng liên tục hối thúc các bộ, ngành nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phục hồi…

Năm 2022, ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ thúc đẩy cả cung và cầu một cách mạnh mẽ. Ảnh: Quang Vinh.

Kỳ vọng sức bật của du lịch, dịch vụ

Du lịch, dịch vụ đang được coi là những động lực tăng trưởng mới trong năm 2022, sau hai năm 2020 - 2021 bị gián đoạn và đình trệ. Điều khiến cộng đồng nhà đầu nước ngoài hồ hởi đó là việc Chính phủ Việt Nam đã công bố lộ trình mở cửa trở lại ngành du lịch và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh.

Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1 năm nay, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm ngoái. Công dân các nước Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản… có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.

Đặc biệt, với việc nước ta là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới, đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ. Cùng với đó, việc mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3 là điều kiện thuận lợi cho việc đón khách du lịch đến Việt.

Hiện nay các đường bay quốc tế cũng bắt đầu được mở cửa trở lại và đây chính là các yếu tố quan trọng để du lịch, đầu tư phục hồi, tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội trong cuộc thông tin với báo chí mới đây nhất đã nói rằng, quyết định mở cửa đường bay vào ngày 15/3 giúp các DN đầu tư nước ngoài tiếp cận vào Việt Nam.

Việc các DN có danh tiếng lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài , đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ví dụ như Lego hiện đang chỉ có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu.

Do đó việc DN này lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng nhà xưởng mới là một thành công lớn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Bên cạnh những tập đoàn lớn, Việt Nam cũng thu hút vốn FDI từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần.

Ngay từ đầu năm, tình hình thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Không chỉ Samsung, Nike hay Intel, mà gần đây, hàng loạt dự án sản xuất của các tập đoàn lớn như Foxconn, Pegatron Lego… xuất hiện tại Việt Nam.

Mới đây, Panasonic đã chuyển nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt tại Thái Lan sang Việt Nam… Xu hướng dịch chuyển này cũng sẽ góp phần hỗ trợ DN Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam khi nói về khả năng dẫn dắt đột phá, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã dành sự ưu ái cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khẳng định là trụ cột. Theo đó, trong năm 2022, ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ thúc đẩy cả cung và cầu một cách mạnh mẽ.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn là điểm đến đáng tin cậy, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. “Thời gian qua các chuyến công du ra nước ngoài của các lãnh đạo trong bối cảnh đại dịch đã mang về rất nhiều cam kết đầu tư cho Việt Nam, bộc lộ niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Niềm tin phục hồi, tăng trưởng đang có tính lan toả mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành hàng. Nói như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, không phải chỉ có một động lực duy nhất để vực dậy nền kinh tế, cần phải trông chờ vào tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu tư công, sức cầu của nền kinh tế.

Giới chuyên gia cũng cho rằng động lực mới cho tăng trưởng là việc bắt nhịp vào thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, gắn với những hành động quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tận dụng cơ hội từ các FTA và cải cách kinh tế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Một nội dung quan trọng khác là việc triển khai thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó khai thác sớm những cơ hội từ kinh tế số.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Giảm thuế giá trị gia tăng là hợp lý

Việc thiết kế chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% về 8% lần này rất hợp lý. Chúng ta không đưa ra quy định ai là người được hỗ trợ mà ta chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ.

Số này rất ít, đó là nhóm các DN đang có lợi thế trong đại dịch như lĩnh vực kinh doanh tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông…

Số còn lại đương nhiên được hưởng hỗ trợ. Với cách thiết kế này thì việc kiểm soát không còn quá khó khăn.

Khi giảm thuế, người bán có điều kiện không phải tăng giá khi mà sức ép về chi phí tăng cao, thách thức còn nhiều. Người mua trước sức ép về thu nhập, cũng sẽ tiết kiệm một khoản chi tiêu. Cả hai cùng tác động đến các giao dịch trên thị trường.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Quyết tâm, hành động và quyết liệt

Đối với Việt Nam, có 3 từ đi liền với nhau là “quyết tâm, hành động, quyết liệt” và mục tiêu là phải quyết thắng - hàm ý cho mỗi chủ thể phải đạt mục tiêu cuối cùng.

Ba từ này cho tất cả tuyến hành động, là phải đạt được cam kết đối với quốc gia.

Về nguồn lực gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng, nhiều người cho rằng nền kinh tế không đủ khả năng hấp thụ. Nhưng, thế nào là không hấp thụ được? Có phải doanh nghiệp yếu hay các đường dẫn nguồn lực không tới được doanh nghiệp? Phải phân biệt rõ để có giải pháp tháo gỡ.

Chúng ta nhận thấy, hiện nay tắc nghẽn ở các đường dẫn chính sách, thủ tục hành chính. Do đó, tháo gỡ thể chế có thể chính là giải pháp đầu tiên để tạo ra sự đồng bộ trong việc lưu thông các nguồn lực.

H.Hương