F0 cũng phải ngơ ngác
Tối 14/3, hơn nửa ngày sau khi quy định cho phép F0 rời nơi cách ly trong điều kiện đeo khẩu trang và đảm bảo giữ khoảng cách thì Bộ Y tế đã lên tiếng "đính chính", cho rằng cách hiểu cho F0 ra khỏi nhà là "hiểu nhầm". Trong lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với số lượng F0 rất cao mỗi ngày ở hầu hết các địa phương, thì một quy định gây hiểu lầm như vậy là điều khó hiểu và khó chấp nhận.
Theo Bộ Y tế, "nơi cách ly" trong hướng dẫn này cần được hiểu là "phòng cách ly" trong nhà. Theo đó, F0 được rời khỏi phòng cách ly và đi lại trong nhà, với điều kiện đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách với người trong nhà; chứ không phải là cho phép F0 rời khỏi nhà.
Trước đó, khi tiếp cận văn bản của Bộ Y tế, nhiều ý kiến đã băn khoăn nếu cho F0 ra khỏi nhà sẽ khó giữ khoảng cách để phòng dịch, có thể dẫn tới lây lan Covid-19. Nhưng nhiều người cũng cho rằng thực tế đại đa số các ca F0 triệu chứng nhẹ, ít triệu chứng và không chuyển thành bệnh nặng phải nhập viện điều trị (Hà Nội dẫn đầu cả nước với số ca mắc mới trung bình trong 1 tuần qua khoảng 30.000 ca/ngày, nhưng chỉ có khoảng 0,8% trong số đó phải nhập viện), nên có lẽ đã đến lúc thay đổi biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch. Có nghĩa là F0 được “tự do” nếu đeo khẩu trang và tự giác thực hiện quy định về giãn cách của ngành Y tế.
Một văn bản của ngành chuyên môn cao nhất là Bộ Y tế về phòng, chống dịch (trong trường hợp này là ứng xử với F0) nhưng lại không rõ ràng, dẫn đến hai cách hiểu khác nhau, ảnh hưởng tới cuộc chiến chống dịch Covid-19 nhất là khi số ca mắc mới hàng ngày vẫn rất cao. Với văn bản hướng dẫn để toàn xã hội thực hiện mà ngay cả người trong ngành (các nhân viên y tế) cũng còn băn khoăn, ngờ vực, thì người dân làm sao có thể không “hiểu nhầm” cho được. Một lần nữa xin được nhắc lại: Việc “hiểu nhầm” này rất nguy hiểm vì đó là dịch, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, tính mạng con người cũng như công tác phòng, chống dịch của đất nước.
Vậy, hướng dẫn của Bộ Y tế "F0 được ra khỏi nhà nhưng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách” sau khi “đính chính” cần phải hiểu đúng, thống nhất thực hiện là: “Người mắc Covid-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà”.
Việc “đính chính” văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly F0 tuy được triển khai khá nhanh nhưng cũng rất cần phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Ngôn ngữ văn bản phải tuyệt đối rõ ràng, không để xảy ra tình trạng dẫn đến hiểu nhầm, tệ hơn nữa là hiểu sai.
Trong bối cảnh chúng ta đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống Covid-19 khi bảo đảm kiểm soát an toàn để khôi phục, phát triển kinh tế, thì các chủ trương đưa ra từ ngành y tế là rất quan trọng. Đặc biệt, hôm qua, ngày 15/3, du lịch có thể nói là mở cửa hoàn toàn (cả với khách trong nước và khách quốc tế) thì việc hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của ngành Y tế lại càng phải nhanh hơn, rõ ràng hơn, chính xác hơn. Điều đó nhằm đáp ứng nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa mở cửa khôi phục sản xuất, kinh doanh; không vì quá sợ dịch mà co cụm lại nhưng cũng không thể “buông”, để dịch kéo dài, gây ra nhiều tổn thất hơn.
Nếu văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch lại được hiểu theo các cách khác nhau thì sẽ không thể thống nhất trong hành động. Mỗi địa phương “vận dụng” một kiểu sẽ phát sinh hệ lụy. Việc quy định cho phép F0 rời nơi cách ly trong điều kiện đeo khẩu trang và đảm bảo giữ khoảng cách khiến đến cả F0 cũng phải ngơ ngác, vì không rõ mình có được ra khỏi phòng (phòng cách ly), đi lại trong nhà (được hiểu là căn nhà có nhiều phòng, trong đó có phòng cho F0 cách ly), hay là được ra khỏi nhà “tung tăng” ngoài xã hội chỉ với chiếc khẩu trang.
Một văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch như vậy là không thể chấp nhận, kể cả đã “đính chính”.