Mời Giáo sư về dạy trường THPT chuyên: Có phải 'dùng thợ mộc làm thợ nề?'
Sau Bắc Ninh, tỉnh Hòa Bình tiếp tục có đề xuất chi 1 tỷ đồng thu hút cán bộ giảng dạy có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư về công tác tại trường chuyên của tỉnh. Chính sách này đang thu hút nhiều ý kiến tranh cãi.
Đề xuất dựa trên tình hình thực tế
Tỉnh Hòa Bình dự kiến hỗ trợ một tỷ đồng cho người có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư; 300 triệu đồng cho người có học vị Tiến sĩ về làm việc tại trường chuyên, cam kết giảng dạy 10 năm trở lên. Kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước. Chính sách này đang ở giai đoạn dự thảo, chuẩn bị trình HĐND tỉnh.
Hiện tỉnh Hòa Bình có duy nhất Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ. Theo Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình, để xuất này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế.
Các điều kiện để đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu trường THPT chuyên trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm, chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế là chưa đảm bảo. Tỉnh cũng chưa có chính sách riêng thu hút cán bộ, giáo viên giỏi trong và ngoài tỉnh về công tác, làm việc tại trường chuyên.
Trường chuyên của tỉnh chưa có giáo viên có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ và việc này gây nhiều khó khăn và hạn chế trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực.
Trước đó, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua nghị quyết về việc “Quy định một số chế độ chính sách đối với Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với THCS), cấp quốc gia, khu vực, quốc tế”.
Theo đó tỉnh này sẽ hỗ trợ với giáo viên có học hàm Giáo sư là 200 triệu đồng (nam), 220 triệu đồng (nữ). Nếu có học hàm Phó Giáo sư, giáo viên nam được hỗ trợ 140 triệu đồng, nữ là 160 triệu đồng. Nếu có học vị tiến sĩ, giáo viên nam được hỗ trợ 100 triệu đồng và nữ là 120 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu các thầy cô có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn TP Bắc Ninh có diện tích khoảng 70 m2).
Liệu có khả thi?
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục hiện nay, mỗi địa phương, tỉnh, thành sẽ có quan điểm, bước đi, cách làm khác tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.
Theo thầy Hiếu, những năm gần đây, một số địa phương có sự đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực và trí lực, thu hút nhân tài cho các trường chuyên để nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó mong muốn có sự thay đổi về kết quả của các kỳ thi chọn Học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đó là tín hiệu tốt nhưng chỉ phù hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc có ngân sách, khả năng tài chính dồi dào.
Với một số tỉnh miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, có sự chênh lệnh về trình độ phát triển ngay ở các vùng miền trong 1 địa phương nhưng có chính sách đãi ngộ cao với các giáo viên có học hàm, học vị về dạy trường chuyên, cần phải nghiêm túc suy nghĩ liên quan đến tính khả thi và hiệu quả của chính sách đó.
Thầy Hiếu phân tích, thứ nhất, liệu các giảng viên, các nhà khoa học có học hàm, học vị đang công tác trong các trường đại học, học viện có mặn mà chuyển về công tác giảng dạy lâu dài ở trường chuyên?
Thứ hai, xét về góc độ khoa học và thực tiễn, không phải tất cả các cán bộ, giáo viên có học hàm, học vị đang công tác ở đại học đều có thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của nhà trường, nhu cầu của học sinh trường chuyên. Nội dung chương trình, sách giáo khoa, đối tượng giảng dạy, tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh với sinh viên, giữa trường THPT với trường đại học là không giống nhau.
Thứ ba, đổi mới giáo dục là một quá trình, đồng bộ và liên tục từ thấp đến cao, từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông. Nếu chỉ quan tâm, chú trọng đến chất lượng giáo dục phổ thông ở các trường chuyên mà không đầu từ từ bậc học mầm non, tiểu học, THCS thì sự đầu tư đó là vô ích, vô nghĩa.
Thầy Hiếu thẳng thắn cho rằng: “Nếu chỉ mải mê chăm chú đến số lượng và chất lượng giáo dục thành tích cao ở trường chuyên thì đó là giáo dục "hái trên ngọn" chứ không phải "chăm từ gốc"; chạy đua theo bệnh thành tích cho một số người chứ không phải cho số đông của học sinh, phụ huynh của địa phương đó. Tôi thiết nghĩ, với điều kiện của 1 địa phương còn nhiều khó khăn thì chính sách đó khó có tính khả thi và luôn tiềm ẩn sự thất bại”.
Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, GS. TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, nhiều người nghĩ chi tiền tỷ mời Giáo sư, Phó Giáo sư là nhiều nhưng thực tế, thu nhập của họ khi giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học, học viện rất cao. Vì thế, dạy ở trường THPT chuyên chưa chắc đã hấp dẫn các Giáo sư, Phó Giáo sư.
Bên cạnh đó, ông Dong nêu quan điểm, một số địa phương đang hiểu lầm về năng lực Giáo sư, Phó Giáo sư. Giáo sư, Phó Giáo sư là chức danh phụ trách vấn đề nghiên cứu khoa học, đào tạo bậc cao.
Theo GS. TS Phạm Tất Dong, không phải Giáo sư, Phó Giáo sư là giỏi ở tất cả các lĩnh vực, có người dạy tốt ở bậc đại học nhưng lại dạy không tốt ở bậc phổ thông.
“Mời Giáo sư về dạy trường phổ thông giống như dùng thợ mộc làm thợ nề. Làm như vậy chưa chắc đã hay”, PGS. TS Phạm Tất Dong thẳng thắn nói.