‘Bông hồng’ ngành y
Gần 40 năm gắn bó với ngành y, sở hữu nhiều công trình khoa học đồ sộ, thành công có nhiều nhưng với PGS.TS Trương Thanh Hương, hạnh phúc lớn nhất của chị là được cống hiến cho cộng đồng; được điều trị, giúp duy trì sự sống cho những người bị bệnh lý liên quan đến tim mạch, đặc biệt là trẻ em.
Chưa bao giờ ngừng học, ngừng nghiên cứu
Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là bộ đội nên tuổi thơ của cô gái Hà thành Trương Thanh Hương là những ngày theo đơn vị bố đóng quân. Ba năm sống trong khu vực sơ tán, chị Hương thường xuyên tiếp xúc với bộ đội, thương bệnh binh. Khi ấy chị mới chỉ là cô bé lên 5, lên 6 nhưng suy nghĩ đã già giặn hơn trước tuổi. Chứng kiến các chiến sĩ quân y hết lòng, tận tụy cứu sống cho những chiến sĩ bị thương nặng, khuyết tật do sự tàn phá của chiến tranh, chị Hương cảm mến và tự dặn mình phải có trách nhiệm với cộng đồng. Ngọn lửa tình yêu với ngành y được nhen nhóm và lớn dần lên từ đó.
Trong gia đình, bố mong con gái làm bác sĩ, mẹ thì mong con làm cô giáo. Chiều lòng cả hai, Trương Thanh Hương đặt quyết tâm trở thành một cô giáo trường y. Ước mơ trở thành hiện thực khi chị thi đỗ Trường Đại học Y Hà Nội, rồi tiếp tục thi hệ đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện. Với thành tích xuất sắc, đứng thứ nhì trong số những bác sĩ thi tuyển hệ đào tạo này lúc bấy giờ, chị Hương hoàn thành mong ước của cả bố và mẹ.
Tốt nghiệp hệ đào tạo bác sĩ nội trú với số điểm cao, Trương Thanh Hương được tiếp nhận công tác tại Viện Tim mạch Việt Nam, đồng thời là giảng viên tại Trường Đại học Y Hà Nội. Thời điểm ấy, chị là một trong hai bác sĩ nội trú tim mạch khóa đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội và được cử đi học chuyên sâu hơn về tim mạch học lâm sàng và siêu âm - doppler tim tại Đại học Paris VI (Pháp), tiếp đó là tim bẩm sinh tại Bệnh viện Robert Debre.
Thừa hưởng kỷ luật quân đội từ gia đình nên chị Hương là người có tính độc lập, tinh thần trách nhiệm cao. Qua mỗi giai đoạn, chị lại tự hỏi bản thân đã học được gì, làm được gì cho gia đình, cho xã hội. Quẩn quanh với suy nghĩ ấy nên cho tới tận bây giờ, chưa lúc nào chị ngừng học, ngừng tìm tòi, nghiên cứu khoa học.
Gần 40 năm gắn bó với ngành y, đến nay PGS.TS Trương Thanh Hương đã nghiên cứu, chuyển giao nhiều công trình khoa học có liên quan tới bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền, phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim. Chị chủ trì và tham gia hơn 19 đề tài khoa học các cấp, công bố hơn 75 bài báo khoa học trong nước và quốc tế; là chủ biên và tham gia soạn thảo của hơn 20 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu y khoa có giá trị học thuật nổi tiếng.
Gian nan đưa nghiên cứu tim mạch Việt Nam sánh tầm thế giới
Tâm sự với tôi, PGS.TS Trương Thanh Hương cho biết, một trong số công trình nghiên cứu chị tâm đắc nhất là “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam”.
Thế nhưng con đường thực hiện và dẫn tới thành công công trình nghiên cứu này không hề dễ dàng. Chị kể, năm 1997, trở về nước sau khi đi học chuyên sâu tại Pháp, chị là một trong số rất ít bác sĩ hồi đó có kiến thức chuyên môn cận lâm sàng chuẩn chỉnh, tiệm cận với y học hiện đại trên thế giới. Các thầy, các giáo sư gạo cội của ngành y lúc đó hầu hết đều mong muốn phát triển chị theo con đường siêu âm tim.
Trong khi đó, với những kiến thức đã được đào tạo, qua sách vở và thực tiễn lâm sàng điều trị hằng ngày, PGS.TS Trương Thanh Hương lại rất quan tâm và lo ngại đến tình trạng tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Đi vào một khoảng trống chưa có người nghiên cứu, một số thầy đã phải đối kịch liệt. Theo quan điểm của các thầy, đề tài nghiên cứu sinh của chị không xứng tầm với một bác sĩ được đào tạo chính quy và bài bản cả trong nước lẫn nước ngoài.
Đối diện với nhiều áp lực nhưng chính áp lực đó đã tạo động lực cho PGS.TS Trương Thanh Hương không lùi bước. Cuối cùng, sau nhiều lần thuyết phục các thầy trong Hội đồng xét duyệt đề cương đề tài nghiên cứu sinh, chị cũng được các thầy ủng hộ, đề cương của chị được thông qua.
Sau đó, nhiều bệnh nhân rối loạn mỡ máu được phát hiện, các chỉ định mỗi ngày một tăng lên. Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS.TS Phạm Gia Khải cho hay, bác sĩ Hương đã từng bị góp ý kiến là đi vào lĩnh vực lipid máu, một bộ phận mà trước đây được coi là quá chuyên khoa nhưng về sau người ta mới thấy là rối loạn chuyển hóa lipid máu có thể được coi là mẫu số chung của nhiều bệnh về tim mạch, đái tháo đường - những vấn đề mà người thầy thuốc không thể không biết.
Kết quả nổi bật của công trình “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam” là quy trình sàng lọc, chẩn đoán, xét nghiệm gen, hướng dẫn tư vấn di truyền và mô hình quản lý bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam. Các kết quả này đã chuyển giao đến các cơ sơ y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhờ công trình nghiên cứu này mà bệnh nhân có thể tiếp cận được công nghệ chuẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tối ưu. Đồng thời nghiên cứu giúp giảm chi phí điều trị biến chứng, bảo toàn lực lượng lao động vì biến chứng của bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ. Từ bước đi này, PGS.TS Trương Thanh Hương đã mạnh dạn đi vào lĩnh vực Di chuyển trong tim mạch lâm sàng.
Song hành cùng nghiên cứu, dưới cương vị giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Trương Thanh Hương còn tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế. Chị đã hướng dẫn khoa học cho hơn 40 tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ nội trú và trực tiếp giảng dạy, chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trong cả nước.
Thông qua các đóng góp ngang tầm trong nghiên cứu khoa học và hợp tác sáng tạo với các nhà khoa học, các nghiệp đoàn khoa học lớn trên thế giới như Pháp, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản…, những hoạt động của PGS.TS Trương Thanh Hương góp phần là cầu nối của ngành y tế Việt Nam với quốc tế. Từ những kết nối quan trọng đó, nhiều bác sĩ, nhà khoa học trẻ đã có cơ hội tiếp cận, học tập và phát triển năng lực trong môi trường khoa học quốc tế, là tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực khoa học của Việt Nam.
Một trái tim vì hàng vạn trái tim
“Vậy là Hương đã đi đúng hướng rồi”, câu nói đầu tiên của GS.TS Phạm Gia Khải khi thầy biết học trò của mình đạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 khiến PGS.TS Trương Thanh Hương ghi nhớ, không quên. Chị tâm sự rằng: “Giải thưởng đề cao vai trò của phụ nữ sẽ là một sự mở đầu cho tôi đi tiếp. Đây cũng là nguồn động lực hút các nữ bác sĩ tim mạch lâm sàng tiến quân vào con đường khoa học ứng dụng”.
Với những đóng góp cho ngành y, PGS.TS Trương Thanh Hương đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng III, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo. Vinh dự có, thành công cũng có nhiều nhưng với chị, hạnh phúc lớn nhất là được cống hiến cho cộng đồng; được điều trị, giúp duy trì sự sống cho những người bị bệnh lý liên quan đến tim mạch, đặc biệt là trẻ em.
GS.TS Đỗ Doãn Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam thường hay thắc mắc vui với bác sĩ Hương rằng, những ngày nghỉ sao chị không đến phòng khám tư để làm việc, có thêm thu nhập mà lại chọn cho mình con đường vất vả hơn là xuống các huyện xã thăm khám cho bệnh nhân.
Ý thức, trách nhiệm với cộng đồng thôi thúc PGS.TS Trương Thanh Hương dành nhiều thời gian tới các làng bản, lần theo các ca bệnh chỉ điểm, tổ chức khám bệnh tại cộng đồng, qua đó phát hiện bệnh sớm cho người dân. Tất cả đều được chị thực hiện bằng chi phí cá nhân. Có những chuyến đi chị huy động các bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu và các thành viên trong gia đình gồm chồng, hai con. Một việc làm có ý nghĩa cho cộng đồng nên mọi người đều ủng hộ ý tưởng của chị.
Hà Nội đang trong những ngày đỉnh dịch. Số bệnh nhân của bác sĩ Hương mắc Covid-19 cũng ngày một tăng, vì vậy công việc của chị cũng bận rộn hơn. Chị vừa khám cho bệnh nhân trực tiếp tại bệnh viện, vừa liên tục trả lời, hỗ trợ bệnh nhân qua điện thoại, đến mức điện thoại của chị chai cả pin, luôn trong tình trạng phải sạc máy.
Chị lấy trong túi khoe với tôi cục pin dự phòng - vật bất ly thân của chị thời điểm này. “Một cuộc điện thoại có thể cứu sống một mạng người, tôi nghĩ như vậy nên luôn cố gắng hết sức có thể để hỗ trợ bệnh nhân, nhất là bệnh nhi. Dù chưa giúp được gì cho họ nhưng chỉ cần nghe lời động viên của bác sĩ là tâm lý lo lắng của bệnh nhân đã dịu đi rất nhiều”, PGS.TS Trương Thanh Hương nói.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và PGS.TS Trương Thanh Hương vì thế mà chốc chốc lại bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại của bệnh nhân. Đầu dây bên kia có tiếng nói vang lên: “Bà ơi, con khỏi bệnh rồi”. Đó là trường hợp một bệnh nhi (13 tuổi) ở Ninh Bình, không may mắc Covid-19 được bác sĩ Hương điều trị qua điện thoại hơn 1 tuần qua. Tôi thấy bác sĩ Hương lặng người. Chị dành cho mình chút dỗi dãi hiếm hoi để tận hưởng niềm hạnh phúc của nghề.
Khám chữa bệnh cho bệnh nhân, dạy học, nghiên cứu khoa học, viết sách…, quá nhiều việc trong một ngày, quay đi quay lại, PGS.TS Trương Thanh Hương thấy mình già đi lúc nào không hay biết. Nhưng chị không thấy mệt mỏi. Bởi trái ngọt của nghề với nữ bác sĩ có trái tim nhân hậu ấy là được lớn dần lên cùng bệnh nhân, là niềm vui của mỗi người bệnh khi được kéo dài thêm cuộc sống…
PGS.TS Trương Thanh Hương sinh năm 1961, giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội, chuyên gia tim mạch Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai). Chị là cá nhân duy nhất được nhận Giải thưởng Kovalevskaia danh giá năm 2020 dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.