Tài hoa thì không đừng được
Chợt người bạn nhắc tôi nghĩ đến một tài hoa. Một tài hoa dẫu có thể đã qua chặng cao trào, qua thời sung sức, nhưng bỗng tôi lại thấy hào hứng khi nhận ra rằng, dẫu vậy, thì thường xuyên trong mỗi tài hoa hoặc từng có một thời hay còn đương độ, vẫn là những thôi thúc mọc lên.
Và mỗi bậc ấy, dù không nghĩ cái này thì lại ngẫm cái khác, không đường này thì cách khác, lại làm cho những lấp lánh trong mình rung ngân. Người nghệ sĩ rối nước đã nghỉ hưu, đã rời sân khấu nước, xếp lại những cuộn mành, miếng gỗ ghép nên thủy đình. Mà kể có chưa hưu đi chăng nữa, thì hơn năm qua, nào đâu có được nữa nụ cười rạp Thăng Long bên hồ hoàn gươm sáng đèn 365 ngày trên năm?
Covid-19 đã dập xuống mọi kế hoạch cũ và mới, khiến cho im lìm buồn tê tái hàng trăm con người nghệ sĩ đến tận lúc này. Vậy mà, vẫn còn diễn đấy, vẫn đang điều khiển quân rối, vẫn đang tạo tác, khắc tạc nên những hình hài rối ngây ngất, hồn hậu để khảm thếp lên đó những lấp lánh màu bạc, màu vàng, màu vỏ trứng đượm đà dân tộc. Người nghệ sĩ đang diễn ở nhà, bằng… những bức sơn dầu.
Tôi ngẫm cái sự tài hoa thì không đừng được là ở chỗ ấy. Hưu rồi, mình trong căn phòng nhỏ, NSƯT Chu Lượng vẽ những người bạn, những người quý mến. Và nếu như mấy năm trước, đã có một không khí vui chung nghệ sĩ rất tưng bừng, rất sôi nổi những tài hoa trong triển lãm “Chu Lượng và những người bạn” tại nhà triển lãm Tràng Tiền (Hà Nội), toàn chân dung họa sĩ, nhà văn qua nét vẽ Chu Lượng, thì thời gian này, ông đang chuẩn bị những bức tranh cho triển lãm vẽ bạn tiếp theo, nhưng nhiều trong đó là những “người bình thường”, có nhiều người phụ nữ.
Vậy là cứ miệt mài với nghệ thuật từ hồi nghỉ quản lý Nhà hát Múa rối Thăng Long, nghề vẽ vốn là “cần câu” buổi xuất thân rời trường nghệ thuật trên Tây Bắc lại cho ông được sống cùng những thăng hoa đường nét, màu sắc.
Dù cho cái thời sung sức cũng đã qua rồi!
Thì cũng chẳng hề gì, có ai bắt người nghệ sĩ phải đứng ở cái bục cao nhất của cuộc đời mình mà lúc bước xuống bậc thang thấp hơn so với chính mình, lại không được quyền ca hát. Tôi nghĩ đến cụ Chu Mạnh Chấn, họa sĩ, nghệ nhân nhân dân, một gương mặt uy tín trong nghề vẽ, nghề thủ công truyền thống xứ Đoài, Hà Tây cũ, ở tuổi ngoài bát thập, chậm rãi, rón rén từng chút một, trong căn hộ cũ Khu tập thể ba tầng - Hà Đông, cụ hoàn thành bức tranh lễ hội chùa Thầy lớn bằng cả… bức tường. Suốt bao năm qua, cụ không ngừng vẽ. Đợt trước dịch Covid-19 một thời gian, cụ Chấn được các con và bạn của con trai - NSƯT, họa sĩ Chu Lượng là Nhóm nhân sĩ Hà Đông tổ chức cho một triển lãm tranh thật ấm áp, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Những người luôn nung nấu và hưng phấn tạo ra đường nét, sắc màu, giai điệu, lời ca, vũ điệu, hình khối và những từ ngữ giàu sức liên tưởng, giàu khả năng tạo nghĩa phái sinh, nghĩa mới thì họ có dừng bút, dừng đàn, dừng chân tay bao giờ. Hãy một lúc nào đó tình cờ, anh nghe một ca sĩ vu vơ hát lên lúc không ở trên sân khấu. Có gì lạ lắm, hồn nhiên lắm, tiếng hát nhè nhẹ, lanh lảnh, với mình, thật tươi một ý nghĩ nào đó trong lòng vừa lóe lên khiến con người đó bật lên câu hát. Tiếng ca như thay cho lời nói: “Tôi vui! Tôi mừng với cánh đồng! Trên cao này đẹp quá!”.
Cũng một dịp, mà có thể sẵn dịp lắm, ta nghe nhà thơ luận về cuộc đời. Có thể nổi sôi, ào ạt, cuồng nhiệt và có chút “đao to búa lớn”, hay lại thì thầm lằng lặng một chậm rãi ngắm nghía. Chính khi ấy anh ta cũng như đang làm thơ vậy, khi những hiện thực đời sống tả lại bằng lời qua góc nhìn thi sĩ.
Tất nhiên, những trường hợp đó nên nghe vừa phải thôi thì đủ, hãy đọc thơ anh ta là chính. Những gì không hãm được mà cứ phát tiết, cứ bộc bạch, ươm nở ra từ trong lòng tài hoa, ta hãy lựa tìm lấy những đặc sắc mà chơi cùng. Nhất là, gặp một họa sĩ. Anh ấy dường như lúc nào cũng sẵn giấy bút trong tay. Ngồi im một chỗ không yên, họa sĩ lại mở cuốn sổ, cây bút chì, bút sắt, anh phải vẽ một ai đó, vật gì đó. Ngay cả khi đang không có những đồ nghề nhỏ gọn ấy. Thì mắt đang mơ mơ, vơ vẩn một điều gì đi xa trước mặt, là đang ngắm đấy. Đang thu nhận lại những hình ảnh, và hồi tưởng, và bố cục lại, bằng mắt, bằng tâm trí. Người ta thường hay làm, muốn làm, làm thêm, làm nữa, mới và khác nữa, nghệ sĩ như mang sẵn trong mình một cơ chế đặc biệt của “tế bào nghệ thuật” luôn có xu thế nhân lên.
Nhớ câu chuyện mà nhà thơ Vũ Từ Trang kể trong những dòng viết của mình về lứa văn sĩ, thi sĩ trẻ một thời, những năm đất nước có chiến tranh, đời sống nhiều nhọc nhằn, đói khổ. Thế mà văn sĩ hay đi lang bang tìm thăm nhau lắm! Tưởng chừng gặp mặt, giao lưu phải là một phần tháng ngày để tạo nên khí quyển của những khách văn chương cần lao vậy.
Từ Hà Nội, Vũ Từ Trang tìm về thăm nhà thơ Đào Cảng dưới Hải Phòng, người khác thì từ Quảng Ninh sang. Gặp nhau, Đào Cảng hỏi ngay viết gì, đi những đâu, có bài thơ nào mới, đọc đi. Rồi có những người từ tỉnh này tỉnh khác về Hà Nội học bồi dưỡng viết văn, như nhà thơ Hoàng Trung Thủy và Vũ Ngọc Phác, vì mến tài thơ Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, nên đạp xe đi tìm.
Vũ Từ Trang, con người tài hoa, giàu chất văn hóa trong sáng tác thơ, ghi chép, khảo cứu trăm thứ nghề truyền thống của non nước Việt này, cho đến mấy tháng còn cố làm việc, gần khi phải trở lại bệnh viện để điều trị giai đoạn cuối, vẫn hoàn thành, in xong được cuốn tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở”, cuốn sách cuối cùng của mình. Vậy mà vẫn không phải là cuối.
Sau khi Vũ Từ Trang ra đi, gia đình ông tập hợp, chọn in ba cuốn sách gồm thơ và các bài ký chân dung bạn bè văn nghệ sĩ của Vũ Từ Trang, rất đông đảo, cùng nhiều trang viết của bạn hữu dành cho ông. Những trang sách nặng tình bằng hữu, tình trải nghiệm thăng trầm, sướng khổ của những người tài hoa thời đạn bom, thiếu khó. Đọc nhiều trang viết, càng hiểu nhà thơ yêu bạn lắm lắm, niềm mến mộ, trân quý những người tài mang nợ văn bút không thể ghìm nén trong lòng, nó phải tràn ra.
Tôi lại nghĩ đến thầy mình, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Mấy chục năm nghề của thầy là xen kẽ, đan bện những bài giảng, bài viết điền dã với những bài thơ. Khi đã dường như dâng hiến trọn niềm tận tâm của mình với quan họ qua thành quả nghiên cứu và đằm sâu hơn là những tháng ngày đi chơi, đi hát quan họ, và cả sáng tác quan họ nữa, thầy Vĩ “trở lại” miền Trung. “Trở lại” ấy không có nghĩa về quê sống, mà là đi làm văn hóa, đi sáng tạo, không dừng ở Nghệ An quê nhà, thầy “vượt” thẳng vào Lệ Thủy – Quảng Bình.
Ở đây, thầy cùng nghệ nhân, cùng các câu lạc bộ hò khoan vực lên, làm thăng hoa hơn lên những câu ca mai một. Điệu xưa, lời cổ, thầy thấm cái hồn vía văn hóa đất ấy, nước ấy, người ấy, như đã thấm cùng tỉnh Bắc sông Cầu hồi nào để yêu quan họ như những người quan họ. Giờ thầy viết lời mới, hàng trăm lời cho các bài hò khoan xưa, nghe mới mà đậm đà nét cổ truyền, về con trâu, cây rau, cái tình người yêu nhau, yêu thôn xóm… khiến người ta thấy hợp, thấy mê, và hát rất… vào.
Cả những tác phẩm dài hơi, thầy ghép nối các giai điệu viết về vua Trần Nhân Tông, về đại tướng Võ Nguyên Giáp…, nay đã có nhiều người hát, như những tiết mục tập luyện và biểu diễn của câu lạc bộ, của nhóm các nghệ sĩ đồng quê. Lại mới trước Tết đây thôi, chưa lâu, thầy Vĩ gửi cho tôi xem chùm thơ, mấy truyện ngắn vừa viết. Mấy chục năm, người đàn ông nhỏ nhắn, ăn vận giản dị, chưa dừng lại điều gì trong mạch nghĩ, mạch sống tài hoa nhiều lần khiến bạn văn chương, bằng hữu và học trò bất ngờ.
Thầy sắp gửi cho tôi điều gì hay hay đó nữa! Như có một hôm nhận được tin nhắn thầy gửi lời mới cho bài quan họ cổ “Gửi bức thư sang”. Bài này thầy lấy tên là “Lắng trúc so tơ” để đối với bài “Gửi bức thư sang”, có đề tặng hai chị Hai Phức và Hai Ngải. Bài quan họ cổ hát kể mối sầu riêng trong bức thư tay, đồng tiền đặt nghiêng, chiếc đũa đặt lệch. Bài mới của thầy cũng đối rất đẹp khi tả đôi tay bên song cửa so dây tơ mà tiếng đàn thì chênh, gỡ bối tơ vấn vít mà nó cứ vương mãi, rồi thì cái thước trên tay người con gái đo lệch mà tình gửi đến vẫn cứ là thương mãi. Hát lên cũng mượt mà lắm nỗi! Rồi, cách đây cũng chưa lâu, thầy lại kể: “Tôi đang muốn viết bài hát vãn cho các nghĩa trang ở Quảng Trị. Chưa tĩnh tâm mà gõ được. Họ cũng cần”.
Những người tài hoa quanh tôi, tự việc làm của họ cũng nhắc nhớ chúng tôi rằng, hãy làm gì, mới, nữa đi, đừng dừng lại.