Chỉ đạo sát sao
Bộ Y tế vừa ban hành quy định mới về phòng, chống Covid-19 đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, du khách đi bằng đường hàng không chỉ cần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trong vòng 72 tiếng với PCR, hoặc 24 tiếng với test nhanh), thì không phải cách ly mà có thể tham gia tham quan, du lịch ngay.
Khách du lịch đi bằng đường hàng không chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp trước khi xuất cảnh, khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ không phải xét nghiệm lại tại cửa khẩu. Đối với trường hợp có biểu hiện mắc virus SARS-CoV-2 mới cần xét nghiệm, nếu dương tính thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Những khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ, đường sắt, đường biển có quy định giống đường hàng không, nếu thời gian di chuyển ngắn. Trường hợp chuyến đi kéo dài thì phải xét nghiệm Covid-19 tại cửa khẩu nơi nhập cảnh vào Việt Nam. Riêng trẻ em dưới 2 tuổi đi mọi đường đều không cần xét nghiệm Covid-19 bắt buộc.
Dĩ nhiên, khách du lịch vẫn phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh bằng ứng dụng PC-COVID, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. Đồng thời, du khách phải tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 10 ngày kể từ khi nhập cảnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Như vậy là sau chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã “mở rộng cửa” để đón khách du lịch quốc tế, chứ không còn “nửa đóng, nửa mở” như góp ý gửi cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cách đây khoảng nửa tháng. Khi đó, Bộ Y tế “dựng” lên hàng loạt “barie” đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam khiến doanh nghiệp khóc ròng.
Ngay sau đó, với sự phản biện của báo chí và dư luận xã hội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế phải xem xét lại quy định để tạo điều kiện mở cửa thông thoáng cho ngành du lịch, nhưng vẫn đảm bảo chống dịch hiệu quả. Cách đây 2 ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn yêu cầu Bộ Y tế lấy ý kiến các bộ, ngành và ban hành quy định phòng dịch trước 15/3.
Sau một thời gian dài “đóng cửa” du lịch, Chính phủ có chủ trương mở cửa ngành công nghiệp không khói từ lâu, nhưng Bộ Y tế lại chưa đề ra được một giải pháp toàn vẹn, khả quan nào để nâng đỡ ngành du lịch phục hồi, phát triển.
Song, chỉ trong có mấy ngày, trước thái độ dứt khoát, quan điểm cứng rắn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc kiên quyết mở cửa hoàn toàn để ngành du lịch hoạt động bình thường trở lại, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Y tế đã đưa ra được quy định mới mang tính cởi mở, thông thoáng, mà vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Điều đó có nghĩa, với tất cả mọi việc chứ không riêng gì công tác phòng, chống dịch Covid-19, nếu các bộ, ngành thực sự tâm huyết, thực sự có trách nhiệm thì không phải là không có cách. Có một số việc thời gian chuẩn bị bao lâu không phải là vấn đề, mà quan trọng là thái độ hợp tác, chia sẻ và quan điểm nhìn nhận của các “tư lệnh” ngành ra sao.
Chẳng phải chỉ trong vòng có mấy ngày bị thúc ép, Bộ Y tế vừa phải xin ý kiến các thành viên trong Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, vừa ban hành quy định mới vẫn kịp đó sao? Trong khi đó, suốt một thời gian dài Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giải pháp để mở cửa ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế nói chung, Bộ Y tế vẫn kêu khó.
Việc Bộ Y tế ban hành quy định mới đối với du khách quốc tế hết sức thông thoáng, cởi mở khiến những người làm du lịch “mừng rơi nước mắt”. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Chính phủ chưa tỏ thái độ cương quyết, chưa chắc Bộ Y tế đã nhất trí với phương án mở cửa hoàn toàn ngành du lịch của Bộ VHTTDL.