Chá Văn Dia, người con của núi
Hơn 5 năm gắn bó với công tác Mặt trận, ông Chá Văn Dia, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) không quản ngại khó khăn, vất vả lăn lộn cùng bà con dân bản vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, ông đồng thời phối hợp, giúp đỡ chính quyền làm được nhiều việc tốt, góp phần giữ bình yên cho một vùng phên dậu của Tổ quốc.
Mặt trận nói, dân tin
Nói về ông Dia, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Pù Nhi thường chỉ ngắn gọn: “Nó là cán bộ giỏi, là người giữ hồn của núi rừng, bản làng ta đấy”. Tôi gặp lại ông Chá Văn Dia sau nhiều năm bặt tin nhau, mà lại là gặp ở phố thị đúng ngày mưa tháng 3 mịt mùng. Ông Dia không khác đi là mấy. Vẫn dáng người thấp đậm, đôi mắt đặc trưng của người Mông, bước đi thong dong, tự tại. Chỉ có khuôn mặt là sạm đi đôi chút vì lăn lộn nhiều với những bản làng vùng giáp biên…
Mới chỉ có 2 ngày xuống phố mà mắt ông Dia đã phần nào mông lung, khi thoảng ngó đau đáu về phía mặt trời lặn. Ở đấy có bản làng của ông Dia nằm chênh vênh bên ta luy dương QL15C. Ông Dia nhớ khói lam chiều vương vít sau bếp, nhớ tiếng lợn réo đòi ăn và nhớ cả mùi ngai ngái của mớ cỏ tươi còn sót lại, bốc lên từ khu chuồng bò từ đêm trước.
“Phố xá ồn ã quá, mình không quen đâu! Chỉ rời bản một ngày thôi là cái bụng cứ như có lửa đốt. Nhớ nhà, nhớ bà con dân bản lắm” - ông Dia cười thú nhận.
Năm 5 trước, tôi gặp ông Dia khi ông mới chuyển qua làm công tác Mặt trận tại xã Phù Nhi. Ấn tượng của tôi lúc ấy về ông Dia, một người trẻ, năng nổ, làm nhiều hơn nói và đặc biệt… hiền. Cái hiền tỏa ra từ nụ cười, khuôn mặt đôn hậu và cả giọng nói lơ lớ tiếng Kinh.
Ông Dia bảo, người Mông có tật xấu là hay bảo thủ nhưng thật thà và hay tin người; đặc biệt là với người dân sinh sống tại các bản vùng sâu, hẻo lánh.
Chính vì đặc tính này mà bà con thường bị một số đối tượng xấu đã lợi dụng, tuyên truyền lôi kéo để chống phá chính quyền, vận chuyển, tàng trữ ma túy trái phép. Minh chứng rõ nhất cho điều này là sự kiện một vài vài đối tượng đã xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm lôi kéo người dân đi theo thành lập vương quốc người Mông tại Mường Lát vào năm 2017.
Dạo ấy, Va Ly Pó - một cán bộ y tế thôn bản đang công tác tại bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi vì nghe theo lời của một tổ chức nước ngoài đã phao tin: Sắp tới, họ sẽ cho đánh sập cầu Quan Hóa, chặt đứt sợi dây liên lạc giữa Mường Lát, Quan Hóa với các huyện miền xuôi và thành lập vương quốc tự trị người Mông tại Mường Lát.
Để người dân tin và dễ bề lôi kéo, Va Ly Pó đã mua tặng cho mỗi hộ trong bản vài cân gạo, muối, bột ngọt, cá khô… Cứ thế Pó đã lừa và lôi kéo được người dân tại hai bản Pù Ngùa và bản Cơm.
Sau khi nhận được thông tin, đoàn công tác của huyện Mường Lát được thành lập và họp bàn kế hoạch ngay tại UBND xã Pù Nhi. Là người am hiểu văn hóa cũng như tập tục của đồng bào, ông Chá Văn Dia được cử vào bản Pù Ngùa để vận động bà con dân bản. Nhận nhiệm vụ, ông Dia cùng 2 cán bộ huyện, xắn quần lội vào điểm nóng.
Đến nơi, việc đầu tiên ông làm là vào nhà Trưởng bản - người có uy tín nhất trong cộng đồng người Mông tại Pù Ngùa. Sau khi được ông Dia và các cán bộ đi cùng tuyên truyền giải thích, Trưởng bản Pù Ngùa mới vỡ ra rằng: Không có chuyện cầu Quan Hóa bị cắt đứt như lời Va Ly Pó vẫn phao lên bấy nay. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là luôn coi trọng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển của đồng bào.
Hiểu được vấn đề, Trưởng bản đã cùng ông Dia đến từng hộ để lắng nghe tâm tư của bà con, tuyên truyền, bác đi những luận điệu xuyên tạc của Pó đã tiêm nhiễm vào suy nghĩ của dân bản…
Sau chuyến công tác “đặc biệt” của ông Dia, Va Ly Pó bị lực lượng công an huyện Mường Lát triệu tập để giáo dục lại về tư tưởng, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, 2 chiến sĩ công an bị giữ trái phép được người dân thả, kèm lời xin lỗi. Bà con dân bản cũng hứa sẽ không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo.
“Lâu nay cứ ngỡ, Mặt trận ít việc và toàn việc dễ nhưng khi chuyển sang làm công tác Mặt trận mới thấy, để làm tốt nhiệm vụ thì không dễ chút nào! Phải thường xuyên về với bà con, đến từng nhà để động viên tuyên truyền chứ không phải lâu lâu tổ chức một hội nghị, mời dăm bảy người đến để nghe về chính sách, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Như thế là không hiệu quả” - ông Dia đúc kết lại sau quãng thời gian là “người Mặt trận”.
Thiêng liêng phía sau cột mốc
Tháng 3, Pù Nhi đã bắt đầu có những cơn mưa dài lê thê. Mưa không lớn nhưng cũng đủ làm cho đám dây leo dại gặp mưa xuân, mọc ken kín cả những lối mòn lên nương. Tôi và ông Dia ngược về Mường Lát. Trong ánh sáng hừng đông, ông Chá Văn Dia đã nai nịt gọn gàng, ống quần xắn cao để lộ đôi bắp chân gân guốc. Dắt vào xe con dao quắm phát nương đã được mài sáng loáng, ông Dia đi kiểm tra cột mốc đường biên.
Qua câu chuyện của mình, ông cho tôi hay: Xã Pù Nhi được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia dài 15 km với 3 mốc quốc giới (305 dến 307). Phía bên kia biên giới là bản Phiền Cần, Phiền Kay thuộc cụm Mường Pùn, bản Khăm Nàng, Na Hàm thuộc cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào).
Trong những năm gần đây, do chính sách mở cửa hội nhập kinh tế, Nhà nước ta mở rộng, nên hoạt động giao lưu, trao đổi mua bán hàng hóa của nhân dân nhộn nhịp hơn. Tình hình an ninh trật tự có phần diễn biến phức tạp; vi phạm hành chính trên địa bàn về lĩnh vực quản lý bảo vệ biên giới, trộm cắp tài sản, xuất nhập cảnh trái phép… vẫn còn xảy ra.
Trước những vấn đề nổi cộm này, ông Dia đã cùng với chính quyền kịp thời tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, ý đồ hoạt động tuyên truyền tổ chức móc nối, lôi kéo bà con di cư tự do, triển khai các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với các loại tội phạm: mua bán, vận chuyên, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy; mua bán, vận chuyền, tàng chữ tái phép vụ khí, vật liệu nổ; tiên giả; mua bán người.
Trong 5 năm làm công tác Mặt trận, Dia cũng đã cùng với các lực lượng chức năng phát hiện xử lý tại xã và chuyển cơ quan cấp trên xử lý 102 vụ việc, bắt 20 vụ với 24 đối tượng người địa bàn buôn bán, tàng trữ chất ma tuý; điều tra xử lý 32 vụ trộm cắp tài sản công dân; xử lý 20 vụ với 38 người gây rối trật tự; thu hồi 303 khẩu súng săn; xử lý 2 vụ phát nương làm rẫy trái phép; xử lý 12 vụ với 12 người qua lại biên giới trái phép.
Thường một tuần ông Dia sẽ cùng với các trưởng bản Cơm, bàn Pù Ngùa đi tuần, kiểm tra các cột mốc này 2 lần. Vừa để phát quang đám cây dại mọc che lấp vừa để cảnh giác đám người xấu xâm hại cột mốc.
Ông Dia bảo: Đi tuần cũng là dịp để ghé thăm bà con dân bản, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, luôn thể tuyên truyền cho người dân về các chính sách đúng đắn của Nhà nước trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao; phổ biến những chính sách pháp luật để người dân góp phần chung tay bảo vệ an ninh trật tự vùng biên viễn.
“Phải tuần tra, phát quang quanh chân cột thường xuyên. Với mình, cột mốc không đơn thuần là thứ định mốc giới mà còn là nơi đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bảo vệ cột mốc cũng là bảo vệ những điều yêu thương, máu thịt phía trong lãnh thổ”- giọng ông Dia tha thiết hòa vào với gió ngàn.