Cần xử nghiêm hành vi quấy rối trên xe buýt
Không phải là vấn nạn mới, nhưng những ngày gần đây xuất hiện một số trường hợp nữ sinh viên ở TP HCM bị sàm sỡ khi sử dụng dịch vụ xe buýt khiến dư luận hoang mang và bất bình.
Mới đây, ngày 11/3, một nữ sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã đăng một bài viết trên mạng xã hội Facebook về việc bị một nam thanh niên quấy rối.
Theo bạn T. sự việc xảy ra vào buổi chiều trước đó một ngày khi cô đang đi chuyến xe buýt số 33 trong khu Ký túc xá của trường ĐH Quốc gia TP HCM.
Khi phát hiện, T. hét lên còn người kia liên tục chối bỏ hành vi của mình. Sau khi bị nữ sinh viên “chất vấn”, nam thanh niên lại đổ lỗi do T. “ăn mặc mát mẻ” nên mới vậy.
Ngay sau bài viết của T. nhiều nữ sinh viên cho biết mình cũng từng là nạn nhân của nạn quấy rối. Một nữ sinh viên Trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) kể đã rơi vào trường hợp tương tự hôm 12/3.
Khi cô đang đi trên chiếc xe buýt số 8 để đến bến xe ĐH Quốc gia TP HCM, mặc dù còn rất nhiều ghế trống nhưng một nam thanh niên vẫn đi thẳng về phía cô.
“Khi đó tôi vừa nghe nhạc vừa chơi game nên không chú ý lắm. Lúc sau, tôi cảm nhận được có người đang táy máy tay chân với mình. Tôi hoảng sợ lắm, muốn im lặng nhưng nếu vậy thì kẻ xấu lại có động lực đi làm bậy. Tôi lấy hết can đảm và huých mạnh một cái, người đó hoảng lên rồi đứng phắt dậy bấm chuông xuống xe”.
Trao đổi với PV, tài xế Nguyễn Văn H. (xin giấu tên), chạy tuyến xe số 86 cho biết trong gần mười năm làm tài xế xe buýt thì kinh nghiệm của anh là các bạn nữ khi đi xe nên mặc đồ kín đáo, có hành vi giao tiếp đúng mực và đặc biệt nếu phát hiện có hành vi sàm sỡ trên xe cần lập tức cảnh báo cho mọi người xung quanh.
“Xe buýt là môi trường công cộng, có rất nhiều người với tài xế và phụ xe. Nếu có những hành vi như vậy thì tài xế và phụ xe sẽ dừng phương tiện để phối hợp xử lý. Tuy nhiên nếu các bạn nữ không lên tiếng thì rất khó nhận được sự giúp đỡ” - anh H. cho biết.
Cũng theo tài xế này, mấy năm qua thành phố đã tiến hành lắp camera ở hầu khắp các phương tiện xe buýt tại cửa ra vào, có thể bao quát hành khách trên xe. Tuy nhiên một số thời điểm hành khách đông, đứng chen lấn cạnh nhau hay ngồi cạnh nhau nhưng có quần áo, túi xách tay đặt phía trước sẽ rất khó để ghi lại những hành vi này nếu có. Nếu có hành khách tố cáo, tài xế sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết.
Còn theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), tình trạng phụ nữ nói chung và nữ sinh viên nói riêng bị sàm sỡ, quấy rối tình dục trên xe buýt là vấn nạn từ khá lâu. Mặc dù chế tài hiện nay qui định xử lý hành chính đối với hành vi “sàm sỡ, quấy rối tình dục với mức “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng” theo Điểm đ Khoản 5 Điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nhưng đến nay việc xử lý vấn nạn này trên xe buýt vẫn chưa được triệt để.
Nếu các đối tượng có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục trên xe buýt đối với người dưới 16 tuối, nếu đủ căn cứ thì đây là dấu hiệu phạm tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo Điều 146 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Do đó khi các nữ sinh viên (nói riêng) phụ nữ (nói chung) bị kẻ xấu có những hành vi sàm sỡ quấy rối tình dục phải có hành động phán ứng mạnh đồng thời kêu gọi tài xế, phụ xe hay những người xung quanh để can thiệp ngăn chặn và dùng điện thoại liên hệ với cơ quan công an gần nhất yêu cầu xử lý sự việc.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ- Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho rằng, cần mạnh tay xử lý để răn đe các đối tượng khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để những tài xế, phụ xe có trách nhiệm xử lý khi tình huống xảy ra một cách nhanh chóng, dứt khoát và cũng không gây ảnh hưởng tâm lý tới nạn nhân. Đặc biệt, Luật sư Ngọc Nữ cho rằng ngoài các chế tài quy định xử phạt các hành vi trên thì cần làm rõ hành vi cấu thành tội “làm nhục người khác nơi công cộng”. Bởi thực chất hành vi sàm sỡ, quấy rối... ảnh hưởng rất lâu dài tới tâm sinh lý của các bạn nữ, nhất là nữ sinh viên.