Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới: Sẽ có giải pháp mạnh tay
Thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một xu thế, có bước phát triển nóng trong thời gian gầy đây. Theo các chuyên gia kinh tế, dù còn nhiều khó khăn trong việc quản lý, thu thuế khu vực kinh doanh này nhưng là việc không thể không làm.
Facebook, Google… đóng thuế trên 1.000 tỷ đồng/năm
Thông tin mới nhất từ Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thu thuế qua các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới (từ năm 2018-2021) đạt hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó, riêng Facebook và Google mỗi bên là hơn 1.600 tỷ đồng.
Về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành đang thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài). Hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhận Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Trong bối cảnh dịch Covid -19 tác động nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực, thương mại điện tử xuyên biên giới càng phát triển mạnh. Chỉ riêng trong năm 2021, nhiều cá nhân có thu nhập nhận được từ các mạng xã hội Facebook, Google… Chẳng hạn tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước ngoài với số thuế đã nộp năm 2021 là 56 tỷ đồng.
Còn ở TP Hồ Chí Minh, cơ quan thuế phát hiện một cá nhân kênh YouTube có thu nhập lên 19 tỷ đồng từ năm 2016 - 2018; một trường hợp khác nhận thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016 - 2017.
Trong khi đó tại Đà Nẵng, ông P.V.T. (cư trú tại quận Hải Châu) phát sinh doanh thu bán phần mềm và dịch vụ phần mềm cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài từ tháng 5/2014 đến tháng 6/2019 phát sinh số tiền thuế và tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 342 triệu đồng. Ông N.N.D. (cư trú tại quận Hải Châu) là chủ trang web cung cấp phần mềm giải trí Testfun.net, từ quý II-2015 đến quý II-2018 phát sinh số tiền thuế và tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 23,584 tỷ đồng.
Các số liệu cho thấy một thực tế, nguồn thu thuế đối với nhóm cá nhân có thu nhập lớn từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến; cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; bán hàng online;...) vô cùng lớn.
Xử lý nghiêm những trường hợp trốn thuế
Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân cùng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội quốc tế như Google, Facebook, YouTube... đã tạo ra doanh thu “khổng lồ”. Tuy nhiên những đóng góp của lĩnh vực này vào ngân sách nhà nước còn hạn chế. Do đó, các cơ quan chức năng đã và đang có những giải pháp căn cơ cho việc chống thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết trong năm 2022, sẽ tiếp tục yêu cầu Cục Thuế các địa phương chủ động rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như: Google, Facebook, Youtube,… để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế.
Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ở vai trò chuyên gia tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín phân tích, hiện tại Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 126 đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ hành lang pháp lý về thu thuế thương mại điện tử, trong đó đặc biệt là quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan liên quan (Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông) và các tổ chức có liên quan như ngân hàng thương mại để phối hợp thực thi trong công tác thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Mặt khác, ngành thuế cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động này trên quy mô lớn, đặc biệt ở các điểm nóng và các trường hợp nhạy cảm để từ đó tạo tính răn đe trong xã hội... Ngoài ra, cơ quan thuế cũng nên nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để ban hành thêm quy định liên quan đến quản lý, sử dụng tài khoản của Facebook, Youtube,… để nắm được người kinh doanh thông qua thông tin của chủ tài khoản. Từ đó có thể quản lý thuế thuận lợi, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, ngành thuế phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng bộ phận thu thuế chuyên ngành có chuyên môn cao về nghiệp vụ cũng như công nghệ thông tin để hỗ trợ truy vết, phân tích, tổng hợp, ngăn chặn các lỗ hổng về thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đặc biệt hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ động xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới và môi trường mạng xã hội. Doanh nghiệp ở nước ngoài khi bán hàng qua biên giới sẽ trực tiếp kê khai thuế tại cổng này, đồng thời thực hiện nộp thuế từ ngày 21/3. Còn ở trong nước cũng đã có kết nối cơ sở dữ liệu của thuế với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an để lấy mã định danh dân cư làm mã định danh thuế.