Cứu sống bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở
Ngày 18/3, đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở.
Đó là anh N.Đ.T. (ngụ tại TP HCM). Anh T. đột ngột cảm giác mệt, tức ngực, khó thở được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (BV ĐHYD TP HCM) khám ngay trong đêm.
Trước đó, sức khỏe của anh T. hoàn toàn bình thường. Anh T. bị ngưng tim ngay trước cổng bệnh viện.
Người bệnh được chuyển ngay vào Khoa cấp cứu và được tiến hành cấp cứu ngưng tim trong khoảng 30 phút mới có tim đập trở lại. Sau khi tim đập trở lại, người bệnh vẫn trong tình trạng hôn mê, phải thở máy.
Người bệnh được hội chẩn khẩn với chuyên khoa Tim mạch và chụp mạch vành cấp cứu nhưng không phát hiện tổn thương.
Ngay sau đó người bệnh được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục hồi sức sau ngưng tim với thở máy, kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải.
ThS. BS Phan Thái Sơn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực BV ĐHYD TP HCM đánh giá, người bệnh có chỉ định hạ thân nhiệt chỉ huy và cần được thực hiện sớm để bảo vệ não.
Ngay sau đó, điều trị hạ thân nhiệt được tiến hành vào giờ thứ 6 kể từ khi ngưng tim bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt bề mặt (dùng các tấm dán hạ nhiệt lên bề mặt da và hạ thân nhiệt điều khiển bằng máy). Quá trình hạ thân nhiệt chỉ huy được tiến hành trong khoảng thời gian 96 giờ.
ThS. BS Phan Thái Sơn khuyến cáo, theo thống kê có khoảng 70% người bệnh ngưng tim ngoại viện liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Do đó, việc khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện các bệnh lý nguy cơ như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá lipid, béo phì… là rất quan trọng.