Chuyên nghiệp hoá hoạt động nghệ thuật biểu diễn
Với nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày một tăng cao đang đặt ra vô số những thách thức cho những người làm nghệ thuật biểu diễn. Ở đó, ngoài những yếu tố khách quan như dịch bệnh, nguồn lực… thì một nguyên nhân chính đó là sự thiếu chuyên nghiệp để tạo ra các chương trình nghệ thuật đỉnh cao.
“Phép thử” trong mùa dịch
Dịch bệnh bùng phát trong suốt 2 năm qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên cả nước. Hầu hết các nhà hát, sân khấu đều phải đóng cửa; các liên hoan, cuộc thi sân khấu phải lùi thời gian tổ chức và các nghệ sĩ phải “xoay” đủ nghề để mưu sinh.
Tuy nhiên, Covid-19 cũng là “phép thử” cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn khi phải chuyển đổi hình thức tiếp cận khán giả từ trực tiếp sang trực tuyến.
Thời gian qua, nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tuyến đã được các nhà hát xây dựng để đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Có thể kể đến như chuỗi chương trình “Cháy lên” của các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL tổ chức trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, “Tổ quốc trong tim” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam diễn ra tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Thuận, và Paris (Pháp)…
Thế nhưng dù đã có sự chuyển đổi, thích ứng nhưng hầu như các chương trình dù được tổ chức hết sức công phu và quy tụ những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng nhưng dường như vẫn chưa thể tạo được “sức hút” lớn đến từ khán giả.
Bên cạnh đó, chính việc phải thích ứng với công nghệ thông tin cũng đã “lộ ra” nhưng điểm yếu cố hữu của nhiều nhà hát. Nhiều đơn vị chỉ khi dịch Covid-19 bùng phát mới chính thức bắt đầu xây dựng các nền tảng công nghệ trong hoạt động biểu diễn.
Việc biểu diễn trực tuyến mới chỉ dừng lại ở việc trình diễn mà gần như chưa tạo ra những nguồn thu.
Thậm chí có một nghịch lý là nếu như các YouTuber nổi tiếng có thể kiếm tiền dễ dàng thì đây lại là khó khăn đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là những đơn vị nghệ thuật truyền thống.
Những địa chỉ, trang mạng xã hội tuy đã được các đơn vị xây dựng, song chưa phát huy hiệu quả, ít người truy cập, quan tâm.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chúng ta chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi công nghệ trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Trong tư duy, nghệ sĩ và khán giả Việt Nam luôn nghĩ, để thưởng thức nghệ thuật cần phải được thưởng thức trực tiếp thì mới cảm nhận hết được những giá trị tinh túy. Mặt khác, chúng ta chưa có những chương trình nghệ thuật phù hợp với công nghệ kỹ thuật số, chưa có phương tiện để thực hiện biểu diễn nghệ thuật trên môi trường số; khán giả cũng chưa hoàn toàn quen với việc thưởng thức nghệ thuật trên môi trường này.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, mô hình nhà hát online trong thời gian qua là một giải pháp tình thế hiện nay. Tuy nhiên, không phải cứ đưa các chương trình nghệ thuật lên mạng là đã có nhà hát online. Vì để có nhà hát online, các chương trình phải thiết kế lại cho phù hợp với công nghệ số cả ở nội dung, thời lượng, cách chuyển tải đến khán giả…
“Hy vọng, sau những thử nghiệm đầu tiên, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm để xây dựng các mô hình nhà hát online đúng nghĩa, phù hợp với xu thế thế giới và làm giàu có, đa dạng hơn thị trường nghệ thuật ở Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh.
“Đỏ mắt” tìm tác phẩm đỉnh cao
Không chỉ phải loay hoay thích ứng với sự phát triển của công nghệ, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay cũng gặp ngổn ngang những khó khăn trong việc tìm hướng đi chuyên nghiệp.
Đơn cử như lĩnh vực sân khấu, việc dàn dựng các vở diễn hầu hết đều theo hình thức nhà nước đặt hàng. Chưa kể, dù đã có kinh phí để dàn dựng vở mới nhưng gặp vô số khó khăn về nguồn kịch bản.
Theo NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ, thời gian qua Hội cũng đã mở rộng mời thêm các nhà văn tham gia nhằm nâng cao chất lượng kịch bản. Tuy nhiên, để tạo nên sự đột phá và hiệu quả thì phụ thuộc phần lớn vào nội lực và tài năng của bản thân các nhà biên kịch. Họ phải tự thay đổi, trau dồi để cho ra đời tác phẩm phù hợp với yêu cầu của các đơn vị nghệ thuật cũng như tạo sức hấp dẫn đối với khán giả.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, sân khấu từ khâu nhà hát, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật sân khấu… đều đang quá cũ kỹ, lạc hậu và xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, rất khó để có được sự đột phá trong sáng tạo nghệ thuật.
Chúng ta thiếu những nhà hát hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới nghệ thuật. Văn hóa nghệ thuật lâu nay chưa được quan tâm chỉ đạo, đầu tư tương xứng; khi xử lý những vấn đề liên quan đến văn hóa, ý kiến của các chuyên gia cũng chưa được coi trọng đúng mức.
Chính sách tiền lương dù đã “cải cách” vẫn chưa tạo được động lực cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Có thể thấy, sân khấu hiện đang khủng hoảng về nhân lực ở mọi thành phần, từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn cho đến những nhà quản lý, nhà lý luận phê bình...
Có thể nói hoạt động nghệ thuật biểu diễn muốn định hình được hướng đi chuyên nghiệp cần phải thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm. Việc gắn kết với các doanh nghiệp thời gian qua cũng tạo ra những tín hiệu khả quan với nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng.
Đơn cử như các chương trình sân khấu thực cảnh “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Ký ức làng chài”; hoặc các chương trình nghệ thuật xiếc, âm nhạc như “À ố show”, “Hồn Việt”; lễ hội âm nhạc “Gió mùa” (Monsoon Music Festival)... được đầu tư chất lượng, tạo dựng được thương hiệu, có sức hấp dẫn mạnh mẽ với công chúng.
Từng tạo được tiếng vang với lễ hội âm nhạc “Gió mùa”, nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ, một dự án nghệ thuật đỉnh cao muốn thu hút sự quan tâm của khách trong và ngoài nước cần được đầu tư về mọi mặt và có tuổi đời hoạt động từ 5 - 10 năm. Tuổi đời các dự án nghệ thuật thường rất ngắn khiến giá thành sản xuất rất cao, dẫn đến việc đầu tư về mọi mặt không đủ, qua loa và yếu ớt.
Ngay ở một thành phố lớn như Hà Nội hiện nay chưa có dự án nghệ thuật nào mang tầm quốc tế đủ sức thu hút mọi thành phần công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về tính cạnh tranh với thói quen thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả quốc tế.
Nhạc sĩ Quốc Trung cũng phân tích, nhiều năm qua, các đơn vị nghệ thuật nhà nước, các trung tâm văn hóa nghệ thuật của nhà nước tuy đã được đầu tư về cơ sở vật chất nhưng vẫn thiếu nguồn lực để xây dựng những tác phẩm đỉnh cao, thu hút công chúng.
Trong khi đó, các đơn vị tư nhân lại có tính nhanh nhạy của thị trường, có cơ chế tạo năng lực cạnh tranh, và có sức hút về nguồn lực cũng như đội ngũ sáng tạo”. Bởi vậy, cần có chính sách khuyến khích sự tham gia thật sự bình đẳng của các thành phần tư nhân với thế mạnh là năng lực sáng tạo.