Giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng
Chính phủ đã “chốt” đề xuất mức giảm thuế Bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng thời điểm này giá xăng dầu thế giới cũng đang giảm mạnh. Như vậy, trong kỳ điều hành giá xăng dầu tới đây (ngày 21/3) giá xăng dầu sẽ biến động như thế nào sau khi lập đỉnh 29.824 đồng/lít? Giới chuyên gia cho rằng đã đến thời điểm thay đổi cách điều hành giá xăng dầu.
Giảm thuế, giá xăng có giảm?
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 theo đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính, Bộ Công thương chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo. Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, cơ quan này đề nghị giảm mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế BVMT đối với các mặt hàng trên (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Giá xăng dầu thế giới tăng phi mã, nên liên bộ Tài chính - Công thương đã đưa đề xuất giảm thuế BVMT để hãm đà tăng của giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, trong vòng 4 ngày trở lại đây giá xăng thế giới đã hạ nhiệt. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho rằng, điều mà DN cũng như người dân quan tâm là giá xăng liệu có đi xuống trong kỳ điều hành ngày 21/3 tới?
Đại diện một DN kinh doanh xăng dầu cho biết giá dầu thô thế giới liên tục giảm trong những ngày qua có thể giúp kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 21/3 hi vọng “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, vị này cũng chia sẻ thông tin thêm, hiện nay quỹ bình ổn giá xăng dầu đang thấp, khoảng 600 tỷ đồng - theo số liệu của Bộ Công thương, nhiều DN cũng đã âm quỹ lớn, khi xăng dầu giảm thấp là cơ hội tốt để tăng trích vào Quỹ bình ổn giá. Đây là lực cản cản giá xăng dầu giảm.
Dữ liệu tìm hiểu cho biết, sáng 15/3, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 4 được giao dịch ở mức 102 USD/thùng, giảm 1,03 USD, tương đương 1%. Theo tính toán của doanh nghiệp, giá xăng RON 95, E5 RON 92 đều đang dương khoảng 1.000 - 1.200 đồng/lít, còn dầu thì dương khoảng 3.000 - 3.500 đồng/lít.
Còn tại thời điểm ngày 17/3, giá xăng thành phẩm xăng Ron 95 là 123.65 USD/thùng, xăng Ron 92 là 119.69 USD/thùng, dầu DO 10 ppm là 127.72 USD/thùng còn giá dầu thô WTI giao dịch là 99.89 USD/thùng.
Như vậy trên lý thuyết, dự báo giá cơ sở ngày 21/3, đối với mặt hàng xăng Ron 95 đang dương 1.800 đồng/lít, xăng E5 là 1.700 đồng/lít, và dầu DO là 3.500 đồng/lít. Nếu giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm duy trì như mức ngày 17/3 thì trong mức giá cơ sở trong kỳ điều hành ngày 1/4 dương 223 đồng/lít và 209 đồng/lít ( đối với xăng M95 và E5).
Khẳng định với phóng viên, đại diện hãng xe Hà Sơn chuyên tuyến đường dài Hà Nội - Lào Cai nói, giá xăng dầu chiếm 35 – 40% chi phí của nhà xe. Nhu cầu đi lại hiện nay chưa nhiều, có nhiều hôm xe chạy rỗng một chiều, giá xăng ở mức cao thì DN chỉ có lỗ.
“Nói chuyện thuế phí phiền hà, phức tạp, giá xăng 30.000 đồng/ lít mà thuế phí chiếm 30%, thế thì giảm được thuế phí nào nên giảm để giá xăng hạ. Có điều kiện giảm được giá xăng thì cần phải giảm, doanh nghiệp đang rất khó khăn” - vị này nói.
Một nhà xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến Sơn La - Hà Nội cũng chia sẻ, trừ những ngày cuối tuần thì hàng ngày lượng khách đi được 50% công suất. Vì thế, chi phí để xe hoạt động, cả lượt đi và lượt về bị đội lên. Nghĩa là càng chạy càng lỗ, tuy nhiên để duy trì thói quen cho hành khách hiện nhà xe hoạt động cầm chừng với 50% công suất và cho một nửa nhân sự nghỉ việc.
Nhiều nhà xe chở khách cũng thông tin rằng, gặp khó khăn trong việc cân đối thu chi, sau khi giá xăng dầu tăng và lượng khách giảm. Như vậy, chỉ mong muốn khi thuế BVMT xăng dầu giảm, giá xăng nhập khẩu giảm thì cơ quan quản lý tính toán tạo điều kiện để giá xăng trong nước giảm, DN đỡ nặng gánh chi phí.
Ông Lê Văn Tiến- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, giá xăng dầu cao, DN hoạt động không có hiệu quả, lợi nhuận. Trước mắt, DN vận tải vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ điều chỉnh cước vận chuyển. Dù lỗ nhưng nhiều DN vẫn chấp nhận chạy để giữ thị trường, giữ khách hàng, cố gắng trang trải các chi phí vay ngân hàng.
Cũng theo ông Tiến, hiện các DN vận tải phải tính toán nhiều khoản để cơ cấu ra giá thành vận tải, từ khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lương lái xe, bộ máy quản lý và các loại thuế, phí, đồng thời, cân đối thu chi để xây dựng giá vé, cước phù hợp với chi phí đầu vào. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ làm chậm quá trình phục hồi thị trường vận tải vốn đang hết sức èo uột.
Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm một số loại thuế như thuế BVMT sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu dài hạn nhưng có tác động ngay lập tức để giảm giá xăng, kìm chế được nguy cơ hàng hóa tăng giá mạnh. Khi có cơ sở hợp lý, bao gồm quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu nhập khẩu giảm cơ quan điều hành cần giảm giá xăng dầu để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Thay đổi cách điều hành
Xăng dầu là nguồn nhiên liệu huyết mạch của nhiều ngành hàng sản xuất, dịch vụ. Việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu là điều bắt buộc phải thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, vào quãng thời gian giá xăng dầu gây nóng sốt, thị trường lại diễn ra cảnh khan hàng, nhiều cây xăng đóng cửa, bán nhỏ giọt. Điều hành thị trường xăng dầu có nhiều lỗ hổng.
Trong cuộc tranh luận với nội dung làm gì khi giá xăng dầu tăng kỷ lục, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, điều hành thị trường xăng dầu vừa qua đã tuân thủ Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Sở dĩ có những bất ổn là do bất cập cả về cung cách điều hành và bất cập của chính cơ chế điều hành.
Về cung cách điều hành: Do công tác theo dõi đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu không sát thực tiễn, dự báo diễn biến thị trường (cung - cầu - giá cả) thiếu sát thực tế dẫn đến việc điều hành thiếu chủ động (thậm chí bị động), chưa linh hoạt, thiếu các kịch bản ứng phó thích hợp với những đột biến xảy ra.
Về cơ chế điều hành: Vấn đề nổi cộm nhất là điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ, tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo (20 ngày). Quy định đó làm cho giá trong nước luôn lệch pha với giá thị trường thế giới bởi giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày (thậm chí 20 ngày) không tăng theo.
Mặt khác, quy trình lấy giá thế giới bình quân của kỳ trước để áp dụng cho chu kỳ sau, trong khi thực tế giá chu kỳ sau đã tăng hơn... luôn làm cho giá vốn cao hơn giá bán lẻ hiện hành, gây lỗ cho DN và tất yếu xảy ra hiện tượng găm hàng, chờ giá tăng, thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi.
Bất cập về chu kỳ điều chỉnh giá này cần được sửa đổi cho phù hợp với biến động của thị trường, theo hướng bãi bỏ chu kỳ điều hành 10 ngày một lần, thay bằng hàng ngày. Nếu chưa làm được theo biến động hàng ngày như thế giới đang làm thì trước mắt có thể là 5 ngày phù hợp với phương thức mua bán hiện nay của các thương nhân xăng dầu.
Giới chuyên gia cũng cho biết rằng, điều hành về bình ổn giá, quan hệ cung cầu xăng dầu trong nước còn bị động, lúng túng dẫn tới những phản ứng tiêu cực của thị trường. Dù đã chốt phương án đề xuất giảm 50% thuế BVMT với xăng dầu so với hiện tại, song trong cơ cấu giá xăng dầu có 4 loại thuế, trong đó thuế chiếm 38% giá bán xăng và 20% đối với giá bán dầu là quá cao. Do vậy cần sớm thay đổi cách điều hành giá xăng dầu.
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công thương), nhất là các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm (danh sách công bố theo Quyết định của Bộ Công thương), để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội:
Điều hành giá cần linh hoạt
Xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá và được Nhà nước quản lý. Do đó, điều hành của Bộ Công thương là rất quan trọng. Bộ Công thương cần kiểm soát được nguồn cung và cả nguồn dự trữ để bảo đảm chủ động nguồn cung trong nước. Đồng thời, trong việc điều hành giá cần linh hoạt để khi giá xăng dầu giảm thấp thì tăng thêm phần trích vào Quỹ bình ổn giá và khi giá xăng tăng cao thì phải sử dụng Quỹ bình ổn đó để bù cho giá xăng. Phải điều hành mức dự trữ, kiểm soát dự trữ của các nhà cung cấp để không có tình trạng nhà cung cấp găm hàng, đầu cơ om hàng, không đưa xăng ra bán, đợi giá tăng.
Phải tăng nguồn cung nhập khẩu, khuyến khích DN bằng cách giảm thuế nhập khẩu. Về lâu dài, cần tạo ra thị trường cạnh tranh tốt hơn để các nhà phân phối xăng dầu cạnh tranh và tự tìm được nguồn cung cấp tốt nhất. Nguồn dự trữ quốc gia cũng phải tăng nguồn lực để tăng nguồn dữ trữ xăng dầu trong nước như một số nước dữ trữ xăng dầu cho khoảng 5-6 tháng để bảo đảm bình ổn.
Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh:
Bộ Công thương phải có trách nhiệm và giải pháp kịp thời
Hiện giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá thế giới. Giá quốc tế là lấy giá giao ngay từ Singapore. Mà trên thế giới, kinh doanh xăng dầu sử dụng rất nhiều công cụ khác nhau ít khi họ sử dụng giá giao ngay. Tuy nhiên chúng ta chỉ sử dụng giá giao ngay, mà lại của Singapore. Bởi vậy, khi lấy giá xăng dầu quốc tế làm căn cứ điều hành cần phải nghiên cứu kỹ.
Với biến động giá xăng dầu thế giới như hiện nay, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu phải là nhiệm vụ hàng đầu. Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước không được thiếu bằng bất cứ giá nào. Bộ Công thương phải có trách nhiệm và có giải pháp kịp thời.
T.Hằng(ghi)