Tạo 'tường lửa' bảo vệ di tích

Phạm Sỹ 19/03/2022 06:45

Thời gian gần đây, nhiều di tích trên cả nước bị xâm hại một cách thô bạo khiến những người quan tâm đến di sản không khỏi bức xúc. Mặc dù pháp luật đã quy định rõ nhưng việc thực thi lại đang có dấu hiệu hời hợt dẫn đến vấn nạn xâm hại di tích diễn ra ở nhiều địa phương.

Cụm di tích Tháp Bánh Ít.

Xâm hại thô bạo

Vụ việc huy động máy móc, phương tiện cơ giới thi công, san gạt ở khu vực Tháp Bánh Ít đang diễn ra trong những ngày qua tại di tích Tháp Bánh Ít tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) khiến cho dư luận bức xúc.

Cụ thể trong quá trình thi công dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Tháp Bánh Ít, đơn vị thi công đã sử dụng máy đào để đào hố bê tông phía Đông Tháp Chính và san gạt nền để lát gạch. Nền gạch đá cổ dưới chân tháp đã bị bóc lên để thay thế, tường rào bằng gạch đã bị phá bỏ. Một số hạng mục bằng bê tông đang hình thành…

Tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 12, trên đỉnh một ngọn đồi cao nằm giữa hai nhánh sông Kôn. Đây là quần thể 4 tháp, gồm tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia, tháp chính, từ xa trông giống chiếc bánh ít nên dân gian gọi là Tháp Bánh Ít. Cụm tháp này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia hồi năm 1982. Nhưng những giá trị kiến trúc nghệ thuật của di tích này đã bị xâm hại một cách thô bạo khiến nhiều người ngỡ ngàng, nuối tiếc và không khỏi bức xúc.

Không chỉ có di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bánh Ít bị xâm hại mà ngay chính tại Hà Nội, di tích Quốc gia Đình chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng xảy ra tình trạng xâm hại di tích từ cuối năm 2020 nhưng cho đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thậm chí thay vì xử lý vi phạm, huyện Gia Lâm lại đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị thành phố thu hồi khu vực 2 chùa Vàng. Mặc dù từ 1995 đến nay, không có một quyết định nào của cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu vực 2 di tích.

Hay trước đó là tình trạng tháo dỡ, xây mới gác chuông tại chùa Bối Khê, huyện Thường Tín; di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, huyện Ba Vì đã xảy ra tình trạng tự ý lắp cổng sắt mới với hoa văn và màu sắc hiện đại. Ngay sau đó, cơ quan quản lý văn hóa vào cuộc và yêu cầu trả lại nguyên trạng cho di tích… Còn nhiều di tích đã từng bị phản ánh. Mỗi lần có thông tin, nhiều người quan tâm đến di sản không khỏi bức xúc bởi những giá trị văn hóa đã bị ảnh hưởng mặc dù sau đó có sự vào cuộc xử lý của cơ quan các cấp.

Một phần khuôn viên chùa Vàng bị xâm hại, lấn chiếm.

Xử lý nghiêm minh

Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể là những văn bản pháp luật như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung 2009, Bộ luật Hình sự năm 2015…

Bộ VHTTDL cũng đã từng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Cụ thể, tại công văn số 2009/BVHTTDL-DSVH nêu rõ: Trong những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích), góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất nước, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nơi có di tích. Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa chủ động trong việc kiểm kê, xếp hạng di tích; tình trạng mất cắp hiện vật, cháy ở di tích vẫn tiếp tục xảy ra hàng năm; hiện tượng tu bổ di tích không phép, lắp đặt mới các biển hiệu giới thiệu di tích, quảng bá du lịch chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích.

Để tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn… Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng dù có sự điều chỉnh của luật, quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng những vi phạm không hề biến mất, thậm chí, có nơi, có lúc còn nghiêm trọng hơn.

“Nhiều trường hợp sai phạm xảy ra do thiếu hiểu biết, một số sai phạm xảy ra chưa có điều chỉnh của luật pháp (đó cũng là lý do chúng ta đang tiến hành sửa Luật Di sản văn hóa), và cũng có thể có một số nguyên nhân khác. Vấn đề của chúng ta ở đây là cần xử phạt nghiêm minh, mang tính làm gương, để từ đó trở thành bài học cho việc tu bổ các di tích khác” - ông Sơn nói.

Đã đến lúc cơ quan các cấp cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi xâm hại đến di tích. Tránh xảy ra tình trạng chế tài xử lý đã có nhưng không áp dụng hoặc áp dụng không quyết liệt dẫn đến tình trạng nhờn luật và rồi vẫn tái diễn. Di sản văn hóa là tài sản quý của quốc gia, nếu các yếu tố gốc cấu thành di tích bị xâm hại thì đồng nghĩa giá trị cốt lõi cũng đứng trước nguy cơ biến mất. Chính vì thế, bảo vệ di sản trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Phạm Sỹ