Những lưu ý khi chọn ngành, chọn nghề
Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc tư vấn tuyển sinh của các trường phổ thông, đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đa số diễn ra trực tuyến nên phần nào hạn chế việc tiếp cận thông tin của các thí sinh.
Tăng cường tư vấn tuyển sinh
Mỗi mùa tuyển sinh, những học sinh lớp 12 lại đứng trước câu hỏi chọn ngành, chọn nghề nào là phù hợp. Giữa một rừng thông tin ngập tràn hiện nay, thí sinh dễ dàng tìm kiếm những gì mình quan tâm, mong muốn tìm hiểu song mặt trái của điều đó là nếu không cẩn trọng lựa chọn những thông tin chính xác, đến từ những nguồn tin cậy thì người học có thể bị “rối loạn”, hoang mang bởi có quá nhiều thông tin khác nhau.
Em Trần Mai Anh (học sinh lớp 12D Trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) cho biết, hiện nay mới chỉ học trực tiếp 1 buổi/ngày nên hầu như việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp mới diễn ra trong phạm vi lớp học, do cô giáo chủ nhiệm thực hiện trong các giờ sinh hoạt lớp. “Em và nhiều bạn trong lớp quan tâm tới khối ngành kinh tế nên đã chủ động cùng nhau tìm kiếm và chia sẻ cho nhau thông tin từ website của các trường, gọi điện đến phòng tư vấn tuyển sinh của nhà trường hoặc đặt câu hỏi trên các fanpage của nhà trường để được giải đáp. Một số bạn có anh chị đang học ngành này cũng giúp chúng em thông tin rõ hơn. Giá như có thêm các buổi tư vấn trực tiếp từ nhà trường với các chuyên gia tuyển sinh để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn nữa của chúng em sẽ cảm thấy yên tâm” – Mai Anh bày tỏ.
Về phía các nhà trường, do dịch bệnh nên việc tư vấn tuyển sinh đa số diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Lãnh đạo Trường THPT Mỹ Lộc (Nam Định) cho biết vừa qua, trường đã phối hợp với Tổ tư vấn hướng nghiệp và Đoàn thanh niên của nhà trường triển khai tư vấn hướng nghiệp nghề cho các em học sinh đặc biệt là học sinh lớp 12 qua hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom và phát trực tiếp trên trang Facebook của nhà trường. Buổi chia sẻ tư vấn hướng nghiệp nghề thu hút được hàng nghìn học sinh và phụ huynh, giáo viên tham gia. Tại buổi tư vấn, các thầy cô đã trả lời các thắc mắc học sinh nêu ra gồm những băn khoăn về xu hướng của một số nghề nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp liệu có còn phát triển nữa không? Việc lựa chọn khối thi trong các ngành mà học sinh mong muốn? Ngoài đề thi năng lực các trường ĐH còn có các yêu cầu gì khác? Nên học ĐH trong nước hay đi du học để có kiến thức về phục vụ nước nhà?... Ngoài phần giải đáp trực tiếp, rất nhiều học sinh chuyển câu hỏi về địa chỉ hòm thư của nhà trường để tổ tư vấn sẽ trả lời các em bằng văn bản hoặc qua email cá nhân.
“Đây là một trong những cách làm chủ động từ phía nhà trường để giúp học sinh có thêm thông tin chính thống, chính xác giữa một rừng thông tin tràn lan hiện nay” – lãnh đạo trường THPT Mỹ Lộc cho biết.
Chọn nghề “hot”, lo không bền
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra khi chọn sai nghề và làm công việc mình không yêu thích thì rất khó để đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý. Tuy nhiên, làm sao để chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng và điều kiện hoàn cảnh gia đình thì cần sự tư vấn, định hướng của những người có kinh nghiệm đi trước.
Trên thực tế, hàng năm có nhiều sinh viên khi học hết năm thứ nhất ĐH mới nhận ra mình đã chọn không đúng chuyên ngành nên băn khoăn với việc học tiếp hay thi lại. Đã có nhiều sinh viên quyết định dừng học và thi lại, đỗ vào trường CĐ, trung cấp và học nghề phù hợp với mong muốn của bản thân. Các em đã tìm thấy niềm vui, sự đam mê của mình đối với việc học tập – điều mà khi học ĐH đã không cảm thấy.
Lý giải điều này, TS Phạm Mạnh Hà - một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn hướng nghiệp của ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, có nhiều sai lầm trong việc chọn nghề học hiện nay, trong đó có sai lầm của nhiều bạn học sinh như cho rằng nghề đào tạo ở bậc ĐH thì dễ xin việc hơn nghề đào tạo ở bậc trung cấp… Ngày nay, thế giới việc làm đã mở rộng với nhiều ngành nghề khác nhau, ở mỗi ngành nghề lại đỏi hỏi trình độ chuyên môn đào tạo riêng. Có nghề đòi hỏi trình độ ở bậc ĐH, sau ĐH nhưng cũng có nghề chỉ cần ở trình độ trung cấp. Thực tế trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp qua đào tạo nghề ngày càng nhiều, do đó những bạn học trung cấp lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp ĐH.
TS Phạm Mạnh Hà (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời khuyên: Chọn ngành nghề cần phải tính đến nhiều yếu tố khác trong cái nhìn dài hạn chứ không chỉ có sở thích hay tính “nóng” của ngành học. Muốn vậy cần phải tranh thủ ý kiến của nhiều nguồn và cân nhắc cẩn trọng, chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của chính mình. Không vì nghe theo một ai đó mà xác nhận nguyện vọng để rồi sau đó lại hối tiếc hay đổ lỗi...
Bên cạnh đó, ông Hà lưu ý để lựa chọn đúng, người học cần quan tâm đến thông tin về nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai, từ đó có căn cứ để lựa chọn ngành nghề phù hợp.