Bình tĩnh khi trẻ mắc Covid-19

Đ.Trân 19/03/2022 07:00

Số trẻ em mắc Covid-19 đang gia tăng nhanh trên cả nước, mặc dù phần lớn trẻ mắc ở mức độ nhẹ nhưng đối với các bậc phụ huynh, tâm lý lo lắng, thậm chí là hoảng loạn khi phát hiện con nhiễm bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc chăm sóc, điều trị cho trẻ tại nhà.

Các bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc Covid-19 tại bệnh viện. Nguồn: SKĐS

Theo thống kê từ Bộ Y tế, cùng với số ca mắc Covid-19 trên cả nước gia tăng mạnh, số trẻ em mắc Covid-19 cũng tăng lên hàng ngày, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 12 tuổi. Nếu như trước ngày 1/2/2022 con số này là 14,1%, thì sau ngày 1/2/2022 đã tăng lên 24,3%.

Phần lớn trẻ cách ly, điều trị tại nhà, được sự chăm sóc tốt nhất từ gia đình, có đầy đủ điều kiện nghỉ ngơi, sinh hoạt. Quá trình điều trị, tâm lý trẻ thoải mái giúp mau khỏi bệnh. Điều trị tại nhà cũng góp phần giảm tải hệ thống y tế, hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh lo lắng khi chăm sóc con mắc Covid-19, cá biệt có trường hợp hoảng loạn, dẫn tới việc cho trẻ dùng các loại thuốc, các loại phương pháp sai lầm không theo hướng dẫn của bác sĩ khiến nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ về sau.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) ngày 18/3 thông tin, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhi 2 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch: sốt cao 40 độ C, co giật nhiều cơn kéo dài, tím tái, bỏng vùng bụng độ I, dương tính SARS-CoV-2. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm não, màng não, sốc nhiễm khuẩn trên nền mắc Covid-19.

Qua khai thác tiền sử, người nhà cho biết, bé mắc Covid-19 ngày thứ 4, sốt cao, bú kém, uống thuốc hạ sốt không giảm nên gia đình đắp tỏi vùng bụng và đắp lá vùng thóp hạ sốt. Sau khi đắp, tình trạng bé không đỡ mà ngày càng nặng, sốt li bì, vùng bụng phồng rộp.

Được biết, các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy và dùng vận mạch, an thần, kháng sinh. Sau khi được cấp cứu tích cực bé đã may mắn vượt qua giai đoạn nguy kịch.

Một trường hợp cụ thể khác, bé trai 7 tuổi (trú ở huyện Bình Chánh, TPHCM), khi mắc Covid-19 được 6 ngày nhưng vẫn chưa âm tính trở lại, mẹ của bé đã nghe thấy hàng xóm uống thuốc Molnupiravir, 3 ngày sau hết bệnh nên chị đã xin một viên về cho uống. Một ngày sau mẹ bé mới phát hiện thuốc chống chỉ định với trẻ em dưới 18 tuổi.

“Tôi thấy người hàng xóm mắc Covid-19 uống 2 viên thuốc Molnupiravir 400mg sau 3 ngày là khỏi bệnh nên xin về cho con uống. Sau đó khi biết trẻ em không được uống thuốc Molnupiravir tôi rất lo. Hiện cháu không bị mệt hay phản ứng với thuốc nhưng tôi không biết có ảnh hưởng gì khác không” - mẹ cháu bé cho hay.

Theo PGS. TS, BS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khi phát hiện trẻ nghi mắc hoặc đã mắc Covid-19, cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con, nếu trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ thì việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết, nguy cơ lây nhiễm virus, bệnh khác từ bệnh viện.

Phần lớn trẻ mắc virus SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần.

Bệnh nhân mắc Covid-19 thuộc nhóm nặng, nguy kịch chỉ chiếm 4%, thường trở nặng vào ngày thứ 5-8. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng và các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc “Covid-19 kéo dài” ở trẻ em, cần theo dõi sát.

Các chuyên gia của Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương và Hội Thầy thuốc thuốc trẻ Việt Nam hướng dẫn, khi trẻ điều trị Covid-19 tại nhà, cha mẹ cần chuẩn bị: khẩu trang, nước sát khuẩn, máy đo SpO2, nhiệt kế, thuốc hạ sốt có hoạt chất là paracetamol, siro ho thảo dược hoặc viên kẹo ngậm ho, Oresol dạng gói bột pha, vitamin C, vitamin D, nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi. Đặc biệt khuyến cáo, không tự ý mua sẵn thuốc kháng sinh, kháng virus, chống viêm, chống đông, thuốc xách tay, thuốc không rõ tên, mác.

Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh: Trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật; Sốt cao liên tục trên 39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt, chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h; Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi (Trẻ dưới 2 tháng khi thở từ 60 lần/phút; Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng khi thở từ 50 lần/phút; - Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi khi thở từ 40 lần/phút); Trẻ thở bât thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...; SpO2 dưới 96%; Nôn mọi thứ; Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được; Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng... ; Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.

Đ.Trân