Lao đao vì thức ăn chăn nuôi tăng giá
Tại Hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi ngày 18/3 diễn ra tại Hà Nội, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 - 65% giá thành chăn nuôi lợn. Người chăn nuôi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
“Ngấm đòn”
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng từ 18-22%. Mặc dù giá lợn giống đã hạ khá hợp lý từ 2,6 triệu đồng xuống 1,2 triệu đồng/con nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận của người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ. Đặc biệt, việc tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của thị trường quốc tế do tăng giá năng lượng, căng thẳng giữa Nga – Ukraine… đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Theo Cục Chăn nuôi, so với cùng kỳ giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng; trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc như ngô hạt tăng trên 29,3%, khô dầu đậu tương tăng trên 33%, bã ngô (DDGS) tăng trên 23%). Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022 bởi giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 vẫn ở mức cao.
Giá thức ăn chăn nuôi ngày càng gia tăng đã đẩy người chăn nuôi vào thế khó. Thường xuyên duy trì quy mô 200 con nái và 600 lợn thịt, thế nhưng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giờ đây, ông Đỗ Xuân Nhung (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội) phải chi thêm 6 triệu đồng mỗi ngày cho chi phí thức ăn chăn nuôi. “Giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá lợn hơi từ sau Tết đến nay chỉ loanh quanh từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Với giá này người chăn nuôi sẽ bị lỗ chứ đừng nghĩ đến lợi nhuận” – ông Nhung cho biết.
Theo khảo sát, hiện cám dành cho lợn nái tiếp tục tăng khoảng 25.000 - 30.000 đồng/bao (loại 25 kg) lên 270.000 - 290.000 đồng/bao, còn cám dành cho lợn thịt ở mức 330.000 - 360.000 đồng/bao. Riêng một số loại thức ăn đậm đặc có giá lên đến 600.000 - 700.000 đồng/bao.
Giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm khoảng 40%, số còn lại từ nguồn nhập khẩu (bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản). Trong tổng nhu cầu các nguyên liệu thức ăn tinh, nhóm nguyên liệu cung cấp năng lượng như: ngô, lúa mì, cám, tấm, sắn… chiếm tỷ trọng trên 65%, tương đương 21 triệu tấn; nhóm nguyên liệu cung cấp đạm như: khô dầu các loại, bã ngô (DDGS), đạm động vật… chiếm trên 27% tương đương 8,5 triệu tấn. Tuy nhiên, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nguyên liệu ngũ cốc dùng trong chăn nuôi. Diện tích sản xuất ngô, đậu tương thấp; sắn chủ yếu để sản xuất tinh bột sắn cho xuất khẩu.
Để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài, theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cần phải phát triển các vùng trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn công nghiệp (ngô, sắn...). Tiếp đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần thức ăn công nghiệp từ nguyên liệu trong nước để hạ giá thành sản phẩm thức ăn công nghiệp. Mặt khác, từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm. Tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, các địa phương khi cho phép xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cần tính đến việc phù hợp với vùng chăn nuôi, chế biến thực phẩm… để giảm áp lực về chi phí logistics. Đây cũng là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
Bên cạnh việc tận dụng nguyên liệu địa phương, cần chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thời gian tới, Tập đoàn De Heus sẽ phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên để thành lập các hợp tác xã sản xuất sắn, ngô để giảm áp lực phải nhập khẩu. Bên cạnh đó rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp cố gắng không tăng giá thức ăn chăn nuôi để xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi tạo nên sức mạnh cho ngành, nhất là với những doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên liệu từ sớm thì chưa vội tăng giá trong thời điểm này để hỗ trợ phần nào người chăn nuôi cũng như hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.
Từ đầu năm đến cuối tháng 2/2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng có xu hướng giảm xuống còn từ 53.000 - 56.000 đồng/kg, sang đầu tháng 3/2022 giá giảm còn 50.000-53.000 đồng/kg.