Chủ tịch Quốc hội: Thanh Hóa đang trở thành một cực tăng trưởng mới!
Trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa, chiều 19/3, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Cùng tham dự buổi làm việc có Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Thông tin nhanh về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, cùng với cả nước, Thanh Hóa gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực và đời sống của nhân dân.
Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ được ổn định và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Theo đó, dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%, đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 39.519 tỷ đồng, vượt 49% dự toán, tăng 25% so với năm 2020.
Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ, trong đó thu ngân sách nhà nước, giá trị xuất khẩu, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất từ trước đến nay…
Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế được tổ chức linh hoạt, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân ổn định; quốc phòng - an ninh được bảo đảm.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra các mục tiêu chủ yếu năm 2022 là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 2.800 USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 145.000 tỷ đồng trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 28.143 tỷ đồng trở lên; thành lập mới 3.000 doanh nghiệp trở lên; tỷ lệ đô thị hóa đạt 37% trở lên.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện…
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa theo định hướng Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, các đại biểu trong đoàn công tác đã phân tích làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển đi lên của tỉnh Thanh Hóa. Để Thanh Hóa có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các ý kiến phát biểu đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng các đề án, chiến lược phát triển dựa trên những tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời quan tâm đến công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch khu công nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh vận động, kêu gọi đầu tư vào tỉnh, nhất là thu hút các dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics và du lịch.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống cho Nhân dân…
Các thành viên trong đoàn công tác cũng đã cho ý kiến vào những đề xuất kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa về việc hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa; chủ trương đầu tư tuyến đường giao thông; đầu tư Dự án nạo vét luồng tàu từ bến cảng số 6 đến đê Bắc dài 1,8 km; quan tâm hỗ trợ để huyện Mường Lát từng bước xóa đói, giảm nghèo, có bước phát triển mới…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng những kết quả to lớn mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian vừa qua… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã khẳng định Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung bộ.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa để thể chế hóa Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị. Điều này một mặt thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mặt khác cũng khẳng định vai trò, vị trí của Thanh Hóa trong phát triển của vùng và rộng hơn là của đất nước. Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao.
Năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt mức 8,85% thuộc nhóm cao của cả nước.
Bên cạnh đó, qua báo cáo của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhìn nhận rất thẳng thắn về một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Có 5 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đề ra và đây là những chỉ tiêu quan trọng (tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động vốn đầu tư phát triển và giảm tỷ lệ hộ nghèo); chất lượng tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, các sản phẩm còn chưa cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực miền núi; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có mặt còn hạn chế; năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng còn yếu; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn xảy ra; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí kết quả chưa cao. Việc nghiên cứu, tham gia góp ý kiến của một số cơ quan, đơn vị và đại biểu Quốc hội vào một số dự án luật còn chưa sâu; chưa tổ chức được các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề…
Để Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, vhính quyền và nhân dân trong tỉnh phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong nghị quyết, đặc biệt là cụ thể hóa và phát huy hiệu quả Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị…
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội cũng tin tưởng rằng: Với sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân, tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng với thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đưa Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới của đất nước như lời căn dặn của Bác.