Đối diện với nạn đói

BẢO THƯ 20/03/2022 12:38

Ngày 15/3, phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Phó Tổng Thư ký Martin Griffiths phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc nhấn mạnh, Yemen đang hứng chịu “một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất”, khi 19 triệu người ở đất nước này thiếu lương thực. Ông Griffiths kêu gọi thế giới không nên quá mải tập trung vào tình hình chiến sự ở Ukraine mà quên nạn đói đang đe dọa.

Người phụ nữ Yemen gửi gắm hy vọng vào vụ mùa tới.

Ông Griffiths miêu tả đất nước Yemen đã rơi vào “tình trạng khẩn cấp mãn tính”. Phát biểu của ông Griffiths được đưa ra tại một hội nghị cấp cao tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cùng Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde. Hội nghị này được tổ chức nhằm kêu gọi nguồn tài trợ 4,3 tỷ USD để giúp đỡ cho Yemen trong năm nay.

Yemen rơi vào cảnh xáo trộn do cuộc nội chiến nổ ra từ năm 2014. Lực lượng Houthi đã giành quyền kiểm soát thủ đô và phần lớn lãnh thổ phía Bắc, buộc chính phủ phải chạy về phía nam và sang Saudi Arabia.

Một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã đưa quân sang Yemen can thiệp vào tháng 3/2015, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chiến dịch rơi vào bế tắc trong nhiều năm, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Yemen.

Theo cơ quan nhân đạo của LHQ, chỉ trong năm 2021, hơn 2.500 dân thường Yemen đã thương vong trong xung đột, gần 300.000 người phải di tản. Còn kể từ năm 2015 đến nay 4,3 triệu người đã mất nhà cửa. Chính vì thế, kinh tế đất nước đình đốn, dẫn đến nạn đói ở nhiều vùng giao tranh hoặc vùng núi. Trong khi đó, giá trị của đồng riyal Yemen so với đồng USD đã giảm 20% kể từ tháng 1/2022.

Tuy nhiên, trường hợp của Yemen cũng “không ngoại lệ” khi mà Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo có thể thế giới sẽ rơi vào “cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực thực toàn cầu”.

Ông Guterres cho rằng ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì các nước đang phát triển đã phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19, với mức lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ chồng chất.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng lương thực quy mô toàn cầu đang dần hiện ra, trong bối cảnh giá phân bón tăng quá nhanh khiến nhiều hộ nông dân không còn đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng cho đất. Giá khí đốt tăng cao kỷ lục đã buộc công ty sản xuất phân bón Yara International (Na Uy) phải cắt giảm sản lượng amoniac và urê ở châu Âu xuống còn 45% công suất. Việc giảm bớt hai thành phẩm thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp này dự báo sẽ tác động mạnh đến nguồn cung lương thực toàn cầu.

Ông Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành của Yara International, nhận định rằng thế giới đang hướng tới một cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người.

“Không phải là liệu có sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà quan trọng là cuộc khủng hoảng đó sẽ lớn như thế nào”- ông Holsether cảnh báo.

Đáng chú ý, Nga là nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới và Ukraine là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 5. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu, nhưng lại vướng vào cuộc xung đột vũ trang kể từ ngày 24/2/2022.

Hiện không chỉ giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức vượt ngưỡng mà giá lúa mì toàn cầu cũng đã đạt mức cao nhất, kể từ năm 2009. Trong khi đó, phân bón là mặt hàng rất cần thiết cho nông dân để đạt được mục tiêu sản xuất, tuy nhiên, giá phân bón chưa bao giờ đắt hơn hiện nay.

Các Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mới đây cho biết họ sẽ “quyết tâm làm những gì cần thiết để ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng lương thực”. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng vì đó là vấn đề mang tính toàn cầu.

Nói như Phó Tổng Thư ký Martin Griffiths - phụ trách các vấn đề nhân đạo của LHQ, thì hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá được đầy đủ mọi mặt của vấn đề, nhưng điều rõ ràng là thế giới đang đối mặt với khủng hoảng lương thực, có thể gây xáo trộn như cuộc khủng hoảng vào năm 2007-2008.

“Nỗ lực tránh những sai lầm trước đây sẽ là yếu tố then chốt để thế giới có thể giữ vững an ninh lương thực trong giai đoạn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hiện nay” - ông Griffths nói.

BẢO THƯ