Đừng để di tích 'biến mất' sau tu bổ
Để ngăn chặn tình trạng xâm hại di tích với danh nghĩa tu bổ, thay vì loay hoay xử lý vụ việc, chúng ta nên đi vào giải quyết triệt để bản chất của vấn đề. Đó là ý kiến của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết về việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
PV: Thời gian qua, nhiều di tích trên cả nước bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Có những di tích bị xâm hại dưới danh nghĩa tu bổ đã làm mất đi giá trị gốc văn hóa. Ông nhận định như nào về vấn đề này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trong nhiều năm qua, dư luận đã lên tiếng rất nhiều về việc tu bổ, tôn tạo các di tích. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong đó có di tích, chưa bao giờ là một vấn đề dễ dàng. Dù đã qua nhiều năm và xảy ra nhiều trường hợp, nhưng những bài học kinh nghiệm dường như vẫn chưa được rút ra. Chúng ta vẫn loay hoay xử lý vụ việc, thay vì đi vào giải quyết triệt để bản chất của vấn đề.
Ở đây, theo tôi, có lẽ chúng ta phải đi tìm cách tiếp cận khác để có được những giải pháp phù hợp với các di tích ở Việt Nam. Tôi đã nghe nhiều nhà khoa học phàn nàn về việc tu bổ các di tích nghìn năm tuổi để chúng ta phải chứng kiến di tích trở thành 1 năm tuổi. Những lưu vết, giá trị thời gian tạo nên giá trị cho di tích biến mất sau tu bổ. Khi di tích bị tu bổ một cách thái quá, nó cũng giống như chúng ta đang nã đại bác, chứ không phải súng lục, vào quá khứ.
Pháp luật đã có những quy định cụ thể nhưng vấn nạn xâm hại di tích vẫn xảy ra. Phải chăng pháp luật bảo vệ di sản chưa đủ sức răn đe?
-Chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi 2009 và đang tiếp tục sửa đổi luật. Bên cạnh đó còn có khá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi liên quan đến di tích. Các văn bản luật của chúng ta, so với thế giới, đã là sự tiến bộ rất lớn. Điều chúng ta băn khoăn ở đây là dù có sự điều chỉnh của luật, quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng những vi phạm không hề biến mất, thậm chí, có nơi, có lúc còn nghiêm trọng hơn. Không hẳn là chúng ta chưa từng xử lý nặng trường hợp nào hay phải quy trách nhiệm hình sự mới tạo ra sức răn đe, tránh nhờn luật bởi vì các quan hệ xã hội phải được xử lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật, theo đó, vi phạm lĩnh vực nào thì xử lý lĩnh vực đó. Nếu sai phạm về hành chính thì chúng ta xử lý pháp luật về hành chính, còn quá trình rà soát, điều tra mà thấy có những sai phạm về hình sự thì chúng ta xử lý về hình sự. Như vậy, chúng ta sẽ thấy có những vấn đề ở đây là, nhiều trường hợp sai phạm xảy ra do thiếu hiểu biết, một số sai phạm xảy ra chưa có điều chỉnh của luật pháp (đó cũng là lý do chúng ta đang tiến hành sửa Luật Di sản văn hóa), và cũng có thể có một số nguyên nhân khác. Vấn đề của chúng ta ở đây là cần xử phạt nghiêm minh, mang tính làm gương, để từ đó trở thành bài học cho việc tu bổ các di tích khác.
Phải chăng do trách nhiệm của chính quyền địa phương còn hời hợt hay chính sự phân cấp quản lý di sản cho các địa phương thì lại chưa đủ chuyên môn, các cán bộ nhiều khi chưa hiểu tầm quan trọng của di sản nên đã dẫn đến lúng túng khi xử lý sai phạm?
-Dù nhận thức của chúng ta đã tốt hơn nhưng có lẽ vẫn chưa đầy đủ và chúng ta cần cách tiếp cận mới để xử lý tốt hơn vấn đề này. Xử phạt nặng, dù có mang tính làm gương, vẫn không phải là giải pháp duy nhất đúng, thậm chí chỉ là giải pháp cuối cùng mà chúng ta nghĩ đến đối với hoạt động quản lý nhà nước về di sản. Sở dĩ quản lý di tích của chúng ta có nhiều khó khăn là vì nhiều nguyên nhân như loại hình di tích đa dạng, hình thức sở hữu phong phú, bản thân các di tích ở Việt Nam trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm dễ bị hư hại, chúng ta lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tu bổ, tôn tạo di tích trong khi điều kiện nguồn lực rất khó khăn, và đặc biệt nhất vẫn là nhận thức của chúng ta về bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn có khá nhiều vấn đề bất cập.
Vậy theo ông cần làm gì để ngăn chặn triệt để vấn đề này?
-Thứ nhất, rõ ràng, di tích giờ đây liên quan đến rất nhiều người như chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa, khách tham quan, nhà khoa học, những người kinh doanh, trong đó cộng đồng cư dân địa phương là quan trọng nhất. Mỗi bên liên quan lại có những quyền lợi, trách nhiệm, nhận thức riêng của mình đối với di tích. UNESCO luôn khuyến cáo các quốc gia về vai trò hạt nhân của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, nhưng cũng nhấn mạnh rằng đó là khi cộng đồng địa phương có hiểu biết đầy đủ về di sản của mình. Dựa trên hiểu biết đầy đủ của mình, cộng đồng là người có tiếng nói quan trọng nhất trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đây cũng là một nguyên tắc trong quản lý văn hóa nói chung: Tôn trọng văn hóa!
Thứ hai, tôi đồng ý rằng, trong xu thế phân cấp phân quyền gắn với trách nhiệm, việc xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm của cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, người dân cần phải được thể hiện rõ ràng. Hiện nay, không phải không có chuyện trách nhiệm quản lý di tích thì thuộc trung ương, cấp tỉnh nhưng điều hành thực tế lại ở địa phương cấp huyện, xã dẫn đến khi sự việc xảy ra rồi, cấp quản lý cao hơn mới phát hiện ra. Chính vì thế, phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong từng di tích sẽ giúp tránh những chồng chéo, bất cập như trên, giúp việc quản lý di tích theo sát thực tiễn cuộc sống.
Thứ ba, chúng ta cần hiểu rằng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của toàn xã hội. Cần có cách bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách thông minh để vừa gìn giữ được quá khứ, vừa nâng bước hiện tại và tạo hành trang cho tương lai phát triển. Đây có lẽ là một chi tiết quan trọng trong nhận thức của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà quản lý trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung, di tích nói riêng.
Trân trọng cảm ơn ông!