Bèo hoa dâu lên vũ trụ - Hay chuyện bao giờ lại có bèo hoa dâu?
LTS: Trong chuyến bay vào vũ trụ ngày 23/7/1980, phi công nổi tiếng Phạm Tuân trở thành người Việt Nam, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Ít ai biết rằng, trong chuyến bay đó Phạm Tuân đã mang theo bèo hoa dâu. Khi trở về, nhiều người đồn ông mang bèo lên vũ trụ vì quê ở Thái Bình, vốn là vùng nhiều bèo.
Thực tế, theo Trung tướng Phạm Tuân, chuyện mang bèo đi là do đội ngũ các nhà khoa học quyết định, chứ không phải chuyện thích mang gì thì mang. Bèo hoa dâu dễ sinh sôi nảy nở, hút khí cacbonic, sản sinh ra oxy. Trên vũ trụ lại có rất nhiều tia nhiễm xạ, liệu nó có tác động lên con người, lên sinh vật tạo nên sự đột biến gen hay không và mang bèo hoa dâu lên là để phục vụ mục đích nghiên cứu này. Bèo hoa dâu vốn quen thuộc với người nông dân, tuy vậy, đến nay đang dần biến mất khỏi các cánh đồng. GS Nguyễn Lân Dũng gửi tới Tinh hoa Việt bài viết mang theo những câu chuyện để chúng ta cùng suy ngẫm.
Vào thời điểm khí hậu như hiện nay ở miền Bắc nước ta cách đây vài chục năm, bèo hoa dâu tràn ngập các cánh đồng và người nông dân thấy đây là loại phân xanh không thể thiếu được trên các cánh đồng trồng lúa. Nông dân thường nói: “Đông xuân không có bèo dâu, khác nào như thể ăn trầu không vôi”. Các cụ bà ăn trầu là luông phải có chén kim loại đựng vôi và một que để lấy vôi têm cho trầu.
Vậy mà nay vắng bóng bèo hoa dâu trên đồng ruộng. Thật là đáng tiếc. Sở dĩ có tình trạng này là vì bèo hoa dâu không thích nghi với khí hậu mùa hè nên các hợp tác xã luôn duy trì một đội chuyên lưu giữ giống bèo hoa dâu trong mùa hè để cung cấp giống bèo cho vụ đông xuân. Sự biến đổi của hợp tác xã làm mất luôn các đội chuyên trách giữ bèo giống này và vì thế bèo hoa dâu dần vắng bóng trên đồng ruộng.
Vì sao bèo hoa dâu là cây phân xanh quý giá? Trước phải nói đó là thực vật gì vậy? Các nhà sinh học cho biết bèo hoa dâu là loại thực vật thuộc nhóm Dương xỉ thủy sinh. Chúng thuộc chi Azolla, họ Azollaceae, bộ Salviniales, lớp Pteridopsida, ngành Pteridophyta. Hiện được biết có 7 loài bèo hoa dâu phổ biến trên thế giới. Đó là các loài Azolla caroliniana Willd., Azolla filiculoides Lam., Azolla japonica Franch. & Sav., Azolla mexicana Presl, Azolla microphylla Kaulf., Azolla nilotica Decne. ex Mett, và Azolla pinnata R.Br. Loài phổ biến ở Việt Nam là loài và Azolla pinnata R.Br.
Khác với tất cả các loài bèo khác, bèo hoa dâu có khả năng cố định đạm trong khí trời và biến chúng thành muối ammon cung cấp cho sự phát triển của bèo. Nhờ đặc điểm này mà bèo hoa dâu biến thành một loại phân xanh cung cấp nitơ (phân đạm) cho cây trồng. Bản thân bèo hoa dâu không có năng lực này, mà là do chúng cộng sinh với một loài vi khuẩn lam có tên khoa học là Anabaena azollae. Soi dưới kính hiển vi chúng có dạng một tràng hạt nhỏ xíu. Như vậy bèo hoa dâu tự túc được nguồn thức ăn carbon nhờ quang hợp lại vừa tự túc được nguồn thức ăn nitơ nhờ khả năng cố định đạm.
Chính vì lý do đặc biệt này mà các nhà khoa học trên thế giới mới quyết định để anh hùng Phạm Tuân mang theo bèo hoa dâu lên vũ trụ. Trong cuốn sách “The Azolla's Story - A message from The Future" (Câu chuyện của Azolla - Thông điệp từ tương lai) của hai tác giả Jonathan và Alexandra Bujak (TS Phạm Gia Minh đang dịch), các tác giả đã viết:
“Khi Popov và Ryumin thực hiện bài tập, Pham kiểm tra một thùng chứa, quan sát kỹ để có cái nhìn rõ hơn về các cây bèo hoa dâu - azolla đang được giữ bên trong. Anh ấy sẽ dành vài ngày tới để quan sát ảnh hưởng của chuyến bay vào vũ trụ và gần như không trọng lượng đối với sự phát triển của azolla, đo cẩn thận trọng lượng của cây và lấy mẫu. Anh biết rằng azolla đã được sử dụng ở Việt Nam hàng trăm năm để tăng sản lượng lúa gạo và hiện nay Chính phủ đã quyết định nghiên cứu việc sử dụng nó trong khám phá không gian. Nó có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng họ cần thêm dữ liệu để tinh chỉnh ý tưởng. Trọng lực thấp hoặc không trọng lượng sẽ có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của nó; nó sẽ phản ứng như thế nào với môi trường kín trong tàu vũ trụ; nó sẽ chuyển đổi carbon dioxide mà các phi hành gia thở ra thành oxy mà họ cần để hô hấp một cách hiệu quả như thế nào?
Khi tiến hành các thí nghiệm của mình trong những ngày tiếp theo, quay quanh Trái đất hết giờ này đến giờ khác, Pham nghĩ về tương lai - tương lai của con gái anh và những đứa trẻ mà cô ấy có thể có một ngày nào đó. Loài người sẽ khám phá và chiếm lĩnh không gian trong những năm tới hay sẽ thu hẹp lại trước thách thức? Liệu những người đàn ông và phụ nữ sẽ noi theo tấm gương dũng cảm của tổ tiên họ, hay họ sẽ lùi bước trước việc khám phá những điều chưa biết?
Viktor Gorbatko và Phạm Tuân quay trở lại Trái đất vào ngày 30 tháng 7 và sứ mệnh Salyut-6 kết thúc vào ngày 11 tháng 10 năm 1980 khi Soyuz-37 hạ cánh cùng Popov và Ryumin trên tàu, đã trải qua hơn sáu tháng trong không gian”.
Như vậy là bèo hoa dâu không chỉ là một nguồn phân xanh lý tưởng mà biết đâu sẽ có ngày bèo hoa dâu là sinh vật lý tưởng cung cấp thực phẩm, loại bỏ chất thải và cung cấp trở lại ôxy cho các nhà du hành vũ trụ trong các chuyến bay dài ngày để khám phá các hành tinh khác?
Ngoài tác dụng làm phân bón, bèo hoa dâu còn là nguồn thức ăn quý cho cá, cho gà, cho lợn. Năng suất bèo hoa dâu trung bình đạt 30-40 tấn/ha/tháng. Sau 4 tháng nuôi thả (từ tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau) có thể thu được sản lượng 120-180 tấn/ha/vụ.
Một kg bèo hoa dâu tươi có giá trị dinh dưỡng tương ứng 0,05-0,07 đơn vị thức ăn. Như vậy mỗi ha nuôi thả bèo hoa dâu trong một vụ có thể thu được 6.000-9.000 đơn vị thức ăn. Rõ ràng là việc sử dụng bèo hoa dâu tươi để nuôi lợn và vịt có ý nghĩa kinh tế không nhỏ - đặc biệt đối với lợn nái sinh sản.
Bột bèo hoa dâu sản xuất theo phương pháp sấy nhanh đạt tiêu chuẩn bột thức ăn xanh xuất khẩu của nhiều nước. Hàm lượng caroten chứa trong bột bèo dâu khô 150-230 mg/kg chất khô, protein 18-20%. Sử dụng bột bèo dâu với tỷ lệ 5-7% cùng với bã nấm men bia có thể thay thế 50% tiêu chuẩn premic vitamin của Hungary dùng trong khẩu phần ăn của gà thịt và 50% tiêu chuẩn premic vitamin (Layer Supplement, Anh) để nuôi gà Goldline 54 mà không làm ảnh hưởng đến tăng trọng, chi phí thức ăn, tỷ lệ thịt xẻ và tỉ lệ đẻ trứng ở gia cầm.
Caroten chứa trong bột bèo hoa dâu không những được tích luỹ chủ yếu ở gan mà còn làm thay đổi màu của lòng đỏ trứng gà. Bổ sung bột bèo hoa dâu còn làm tăng tỷ lệ đẻ trứng ở đàn gà Leghorn (từ 27-40 tuần tuổi) là 17% và ở đàn gà Plymouth (từ 24 đến 31 tuần tuổi) là 26% so với gà đối chứng. Trứng gà của nhóm được bổ sung bột bèo hoa dâu có tỷ lệ chết phôi thấp hơn và đồng thời còn tăng tỷ lệ nở tới 10,9%. Bổ sung bột bèo hoa dâu khô còn thúc đẩy sớm hoàn thiện cấu trúc gan và nhung mao ruột ở gà con. Chi phí thức ăn để sản xuất trứng cũng giảm 16,8%.
Tất cả các loài cá khi sử dụng 20% bèo hoa dâu cho tăng trưởng cao hơn đáng kể so với đối chứng. Nuôi thử nghiệm ở Trung Quốc nhận thấy bèo hoa dâu ảnh hưởng tốt đến tăng trọng của cá trắm cỏ, cá rô phi Nile, cá chép một điều rất đặc biệt là: Có lẽ bèo hoa dâu là thực vật duy nhất có chứa vitamin B12 (nhờ cộng sinh với vi khuẩn lam Anabaena azollae). Lượng protein trong bèo hoa dâu khô là 25 – 35%. Bèo hoa dâu chứa nhiều các acid amin, kể cả các acid amin không thay thế, các khất khoáng đa lượng, vi lượng, các các carotenoid (bao gồm chất chống oxy hóa beta-caroten), chlorophyll a và chlorophyll b.
Điều ít người biết, bèo hoa dâu còn là nguồn dược liệu quý giá. Bèo hoa dâu chữa mẩn ngứa: 50g rửa sạch sao vàng, sắc với nước uống hàng ngày. Dùng trong 2-3 ngày, chữa hen xuyễn: 100g cắt bỏ rễ, bỏ lá vàng, rửa nhiều lần bằng nước cho thật sạch, cuối cùng có thể ngâm một lần bằng nước muối. Vẩy cho ráo nước giã nhỏ trong cối, vắt lấy nước, thêm nước lọc vào và siro chanh cho vừa đủ ngọt và đủ 100ml. Ngày có thể uống 2 lần, mỗi lần một liều như trên. Thường sau khi uống 10 ngày thì cơn hen xuyễn đã bớt, uống liên tục trong vòng 2 tháng có khi tới 3 tháng. Chữa mụn rộp loang vòng: rắc lên vết mụn rộp tro đã đốt của bèo hoa dâu giữ nguyên để khoảng 30 phút sau đó rửa sạch với nước.
Nói đến bèo hoa dâu không thể không nhắc đến nhà khoa học lão thành Nguyễn Công Tiễu (1892 – 1976). Ngay từ khi còn trẻ cụ đã công bố nhiều tài liệu do cụ nghiên cứu về bèo hoa dâu. Cụ xác định “thực ra thì việc dùng bèo dâu làm phân bón ruộng ở Bắc kỳ mới được các nhà làm ruộng biết đến từ năm 1923". Đáng chú ý là công trình nghiên cứu từ rất sớm về bèo hoa dâu: Tieu, N. C. (1930). L’Azolle cultivee comme engrais vert. Bull. Econ. de l’Indochine, 33, 335-350.