Lan man chuyện ‘xứ’
Khi đặt bút viết những dòng này tôi chợt nhớ câu ca “Đường vô Xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Và tôi chợt nghĩ, sao không phải là “Đường vô trong Nghệ” hay “Đường vô đất Nghệ” mà lại là “Đường vô xứ Nghệ” nhỉ?
Đành rằng có thể hiểu “xứ” là chỉ “nơi chốn” là về một vùng đất nào đó nhưng cách dân gian ta sử dụng từ “xứ” ngẫm ra có nhiều cái hay, có nhiều thú vị và cũng có nhiều biến cách. Vậy “xứ” là gì và như thế nào?
Xứ - cách phân chia đơn vị hành chính theo vùng miền
Mùa xuân năm 1010, Lý Công Uẩn - vị vua khai mở Triều Lý, quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Cũng từ đó với trung tâm là Thăng Long và các địa phương xung quanh Thăng Long được phân định theo đó sẽ có: Xứ Đông (Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Yên); Xứ Đoài (Sơn Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc); Xứ Sơn Nam (Hà Đông, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) và Xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang).
Rồi đến năm 1490, vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 21) đổi tên từ Nghệ An thừa tuyên thành Xứ Nghệ An (gọi tắt là Xứ Nghệ) đồng thời với các đơn vị hành chính khác lúc bấy giờ như: Xứ Kinh Bắc, Xứ Sơn Nam, Xứ Đông, Xứ Đoài, Xứ Thanh Hóa, Xứ Lạng Sơn... Và đâu như vào năm 1834, trong cuộc cải cách hành chính và để mô tả lãnh địa, Vua Minh Mệnh đã ấn định địa danh “Xứ Bắc Kỳ”.
Kế đó, cùng với việc đã hoàn thành việc thôn tính toàn bộ Đông Dương, thành lập Liên bang Đông Dương và theo chính sách “chia để trị”, người Pháp đã chia Đông Dương thành 5 xứ, đó là: Xứ Bắc Kỳ, Xứ Trung Kỳ, Xứ Nam Kỳ, Xứ Ai Lao (Lào) và Xứ Cao Miên (Campuchia).
Xứ - cách chỉ hướng
Trong dân gian Việt Nam, từ “xứ” được sử dụng để chỉ hướng, theo cách như sau: Lấy Thăng Long (Hà Nội) làm trung tâm. Các vùng đất theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc bao quanh Thăng Long (Hà Nội) sẽ được gọi là: Xứ Bắc, Xứ Đông, Xứ Nam và Xứ Đoài.
Nhưng tại sao dân gian lại gọi là Xứ Đoài? Nhẽ ra, nếu gọi theo cách chỉ hướng thì phải gọi là Xứ Tây mới đúng song chữ “Tây” được dân gian “kiêng” nên gọi chệch là “Đoài”. Sự “kiêng” đó có lẽ xuất phát từ hai lẽ:
Thứ nhất là hướng tây là hướng mặt trời lặn hay còn gọi là “tà dương”. Vào thời điểm đó bóng đêm bao phủ, tăm tối mịt mùng, mất đi sức sống và vạn vật trong đó có con người cũng hay nẩy sinh tà khí, dễ nẩy tà ý hay dẫn tới tà tâm nên không trong sáng.
Gọi là “Xứ Tây” thì khác nào ám chỉ nơi chốn ấy không hay ho gì, đôi khi còn làm lòng người sinh nghi ngợi, tìm cách trốn tránh, phát sing phân biệt đối xử, trong khi đó ở hướng phía Tây này cũng là một vùng đất của non sông nước Việt, ngàn đời nay người dân Việt đã sinh tồn và phát triển ở vùng đất từng được ví là “vùng đất Việt cổ” với nhiều huyền tích chống giặc, chống thiên tai lẫy lừng.
Thứ hai là chữ “Tây” vào thời điểm trước cách mạng còn là cách gọi, cách chỉ giặc Pháp xâm lược, ví dụ như: Giặc Tây, lũ Tây, bọn Tây, bè Tây Dương… nói chung hễ nói đến “Tây” là nói đến người xấu, việc xấu, là cách chỉ vừa khinh miệt vừa phân biệt rõ ràng trắng đen, ta địch nên vì lẽ đó chữ “Tây” bị dân gian “loại” khỏi đời sống xã hội Việt.
“Xứ Đoài” gọi lâu thành quen, thành cách chỉ “hướng” khá độc đáo. Xứ Đoài vốn được hiểu là cách gọi, cách chỉ vùng đất Sơn Tây dưới chân Ba Vì nhưng thực ra có thể hiểu một cách xa hơn là cả vùng đất về phía tây Hà Nội (xưa gọi là miền Hướng Hóa) ở bên Tả ngạn sông Hồng. Nơi “Xứ Đoài mây trắng” này từng đi vào thi ca với nỗi niềm ăm ắp nhớ thương. Đấp đầy hoài niệm và cũng dạt dào tình cảm.
Văn hóa Xứ Đoài đã hình thành và tồn tại như một thực thể văn hóa riêng có của người dân nơi đây và cho dù hiện nay vùng đất Sơn Tây (Xứ Đoài) đã nhập vào với Hà Nội nhưng “Văn hóa Xứ Đoài” vẫn tồn tại độc lập bên cạnh “Văn hóa Thăng Long - Văn hóa kinh kỳ” cùng tạo nên một “Văn hóa Hà Nội” hiện nay vừa phong phú, đa dạng vừa giữ được nét riêng có.
Xứ - chỉ về một địa danh, địa phương trong đất nước
Như vậy cách gọi “xứ” để chỉ đơn vị hành chính đã xuất hiện từ khá lâu và theo thời gian thành danh xưng “Xứ”. Những nơi còn thì danh xưng này tuy không là cách gọi hành chính nữa nhưng nó tồn tại để chỉ về một địa phương dựa trên những đặc điểm về văn hóa, về xã hội, về thiên nhiên và về những nét riêng nổi bật của địa phương đó. Ta đã từng nghe nói đến và hay nói đến như: xứ vàng đen, xứ dừa, xứ nhãn lồng, xứ vải thiều, xứ trầm hương, hay: xứ hoa đào, xứ mù sương, xứ nẫu…
Trở lại với câu ca “Đường vô Xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, hay: “Ai lên Xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em” đã cho thấy từ lâu việc gọi tên “xứ” về một địa phương nào đó trong đất nước thì người dân Việt đôi khi không gọi các địa phương đó là “tỉnh” là “miền” như lẽ thông thường.
Với cách gọi các địa phương theo “xứ” cho thấy người Việt đã biết cách chuyển từ cách gọi cách chỉ phân biệt không lành mạnh về phân chia vùng miền của chính quyền phong kiến hay thực dân đã gọi sang cách gọi mới vừa giữ được cách gọi của chính quyền đặt ra, vừa bày tỏ được sự cảm thông, sự sẻ chia và sự hiểu biết.
Cách gọi này cho ta hiểu về một địa danh nào đó. Và cách gọi “xứ” bây giờ mang lời lẽ khá thanh thoát, thể hiện sự tôn trọng và rất có văn hóa. Người dân Việt đã biết cách “biến” cách gọi khinh miệt của chế độ cũ thành cách gọi trân quý đối với những vùng những địa phương khác.
Nói về cách chỉ về địa danh, địa phương như: Xứ Thanh chỉ tỉnh Thanh Hóa; Xứ Quảng chỉ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; Xứ Dừa chỉ tỉnh Bến Tre… Cứ theo cách gọi như thế mà chúng ta dễ dàng liên tưởng đến cốt cách cùng tâm hồn của con người nơi đó, mường tượng ra những sản vật của nơi đó. Nói “Xứ Huế” gợi lên trong ta hình ảnh về một chốn Thần Kinh mộng mơ và luyến nhớ với những người con gái Huế đầu đội nón lá, mặc áo dài tím cùng giọng nói nhẹ nhàng quyến luyến.
Nói tới “Xứ Dừa” là chúng ta tưởng như mình đang được uống nước từ trong trái dừa ngọt lịm tới tận dạ. Nói về “Xứ Quảng” là chúng ta nghĩ đến những con người nơi đây dạn dày nắng gió, mạnh mẽ trong tranh đấu. Và nói đến “Xứ Nghệ” (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) là chúng ta thấy như mình đang được nghe những lời rao giảng uyên thâm mà thấm đẫm, có lẽ cũng vì mảnh đất Xứ Nghệ sản sinh ra nhiều thế hệ học tài học rộng mà người đời còn gọi đây là “Xứ Ông đồ”.
Cũng là cách gọi “xứ” nhưng địa danh được gọi lên lại không bao hàm chỉ địa danh về một tỉnh nhưng chiểu theo cách gọi đó cho ta thấy nét riêng của địa phương đó.
Chẳng hạn như gọi “Xứ nhãn lồng” là chúng ta nhớ ngay đến thứ quả ngọt thơm mà ngày xưa chỉ được trồng và để “tiến vua”. Những quả nhãn lồng có xuất xứ từ vùng đất Phố Hiến (Hưng Yên) được thu hái và xếp gọn gàng trong những chiếc lồng rồi dân phu phen gồng gánh những lồng đựng quả nhãn đó lên Kinh kỳ, bởi thế mới có tên gọi là “nhãn lồng”. Và còn nhiều nhiều nữa.
Xứ và những điều thú vị khác
“Xứ” trong lối nói của người dân còn để nói về những điều có trong tâm trạng như: xa xứ; lấy chồng xứ khác; xứ người ta.
Theo cách nói này thì chữ “xứ” ở đây đã được chuyển thành lối nói ám chỉ nhưng đã bày tỏ được nỗi lòng của con người. Nó cất lên niềm thương đau đáu, nỗi nhớ khôn khuây của những con người do hoàn cảnh mà không được sống trên mảnh đất quê hương. Nó gợi lên niềm khắc khoải, nỗi mong ngóng mà từ đó cho thấy những con người ở trong hoàn cảnh đó luôn chờ đợi và hy vọng về chốn quê nhà thương yêu, ở đó có ngôi nhà tuổi thơ, có đêm trăng trong trẻo, có sự ấp ủ chở che.
Và theo cách gọi này cho thấy: Trái đất bao la nhưng không bao giờ thay thế quê hương yêu dấu, nhạc sĩ Trần Tiến đã thốt lên “Mẹ ơi thế giới mênh mông/ Mênh mông không bằng nhà mình” đó sao? Không một nơi nào khác thay thế được nơi chốn mà ta sinh thành.
Và từ nơi chốn đó ta đã ra đi với lời hẹn thề sẽ một ngày quay trở về trong niềm tự hào và một ý chí phấn đấu xây dựng nơi chốn quê nhà thêm thảo thơm thêm tươi đẹp. Ôi thân thương và đỗi tự hào về “xứ sở Việt Nam” mình.