Vẫn bảng lảng mây trên An Phụ Sơn Từ
Thong thả bước chân leo qua 389 bậc đá, xung quanh là cảnh núi rừng, thoang thoảng mùi hoa thơm cỏ ngọt và tiếng chim chíp chiu kẽ lá… Đến đây du khách quay nhìn lại phía đông. Trước mắt hiện ra một phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, non nước hữu tình, làng xóm ruộng đồng trù phú đông vui. Và bây giờ, du khách đã được thảnh thơi, được đứng trước ngôi đền thiêng, bảng lảng mây bay trên An Phụ Sơn Từ…
Lai lịch một ngôi đền
Kinh Môn là vùng đất địa linh nhân kiệt, non thanh thủy tú. Nơi đây không chỉ có 18 di tích lịch sử cấp Quốc gia; có Quần thể di tích quốc gia đặc biệt và một bảo vật quốc gia, là Hệ thống bia ma nhai - động Kính Chủ...
Nhưng đặc sắc và thiêng liêng là Đền Cao - An Phụ.
Nằm trọn trong địa giới hành chính của thị xã Kinh Môn, trên dãy núi An Phụ dài khoảng 7.000 mét, chạy từ tây sang đông có nhiều đỉnh núi nhỏ và khe, đèo. Từ xưa đã hình thành tên gọi và đi vào câu ca:
An Phụ có cái bàn cờ
Trông xuống hạ giới mờ mờ xa xa
Bây giờ kể núi quanh ta
Núi Mông, núi Sấu, núi Ngà, núi Trâu...
Núi Than, núi Đước một mầu
Trông về núi Đá, củi đâu rậm rừng…
Và trên đỉnh An Phụ cao 246 mét, từ xa nhìn, giống như chiếc nón chóp khổng lồ, ở ngọn nhỏ phía nam có ngôi đền An Sinh Vương Trần Liễu, tục gọi Đền Cao, mà văn bia ghi là “An Phụ Sơn Từ”.
Trần Liễu sinh năm 1211, là anh ruột của Trần Cảnh - vị vua đầu tiên triều Trần. Ông quê quán ở hương Tinh Cương, phủ Long Hưng nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (có tài liệu ghi quê ở hương Tức Mạc, phủ Thiên Trường, nay là xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).
Ông là thân vương, võ tướng triều Trần, là thân phụ của Trần Quốc Tuấn, một nhân vật nổi tiếng trong chính sử nước ta. Cuộc đời Trần Liễu là khối mâu thuẫn lớn, đầy bi tráng… Năm 16 tuổi, cũng vì mâu thuẫn rất nghiêm trọng trong nội tộc, dẫn tới ông đã bất mãn, phản đối quyết liệt và bị thất sủng.
Năm 1237 triều đình cắt đất An Phụ, An Sinh, An Dưỡng, An Hưng, An Bang cho Hoài Văn Hầu Trần Liễu làm thái ấp, và phong ông làm An Sinh Vương ở đất ấy (nay thuộc đất Đông Triều, và một phần đất Kinh Môn).
Rời khỏi kinh thành, An Sinh Vương đã tận sức trong 14 năm ở miền đất khắc nghiệt này, để an dân, gây dựng cõi bờ bền vững. Nhưng công lao to lớn nhất đối với giang sơn, là ông cùng phu nhân Thiện Đạo Quốc Mẫu đã sinh thành và nuôi dưỡng, tạo nên thiên tài Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đó là người con trung hiếu, văn võ song toàn, vang lừng sử sách trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên. Tháng 10 năm 1998, tỉnh Hải Dương đã khánh thành công trình bức tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trên một ngọn núi thuộc dãy An Phụ, có độ thấp hơn đền Cao An Sinh Vương chừng 50m. Câu chuyện này xin trở lại vào dịp khác.
Mồng 1 tháng Tư năm 1251 (Tân Hợi) An Sinh Vương mất, hưởng dương 41 tuổi. Triều đình thương tiếc, cho dân chúng lập đền thờ quanh năm tế lễ tri ân. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc “tiền nhất hậu đinh”. Ở đây có hệ thống hoành phi, câu đối nói về công tích của An Sinh Vương; bên trong hậu cung có thờ tượng Ngài và 2 cháu nội Đệ nhất Vương cô và Đệ nhị Vương cô, cũng là 2 con gái của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Đền An Phụ thờ An Sinh Vương Trần Liễu, bao đời nay nổi tiếng thiêng liêng, càng thâm nghiêm hơn bởi tại quần thể này, có chùa Tường Vân (Tường Vân tự) cổ kính được xây dựng dưới triều đại nhà Trần. Trước chùa có 2 cây đại trên 700 năm tuổi, bạc màu với gió sương. Chiếc giếng Ngọc chẳng bao giờ vơi nước, trong vắt như bức gương phản chiếu soi vào nhân thế… Cách chùa chừng một trăm mét về phía đông, có khoảng đất khá bằng phẳng, xung quanh kè đá, goị là bàn cờ tiên. Bàn cờ nhìn xuống chân núi, mở ra toàn cảnh làng mạc, đồng ruộng, xen kẽ dòng sông uốn lượn, như dải lụa nối nhau, thật là ngoạn mục.
Trước đây ở dãy An Phụ có rất nhiều cây gỗ quý, dưới chân thung lũng là những cây rừng và những đồi sim xen lẫn lối mòn bên sườn núi. Cảnh sắc hữu tình trên dãy núi huyền bí, khiến cho nơi này luôn hấp dẫn với du khách bốn phương…
Thiên nhiên mưa nắng, chiến tranh tao loạn, chính sự đổi thay… ngôi chùa đã bị tàn phá rất nặng nề qua nhiều thế kỷ, trong những năm gần đây ngôi chùa đã được phục dựng lại, thỏa mãn tâm linh của con người. Năm 2008, huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn) trùng tu và xây dựng lại ngôi chùa Tường Vân cùng với nhiều hạng mục.
Lễ hội đền An Sinh
Từ sau khi có đền, dân quanh vùng tổ chức lễ hội tri ân công đức An Sinh Vương. Hội bắt đầu từ 29 tháng ba âm lịch, kéo dài sang chính hội vào ngày mất của Ngài (1/4 âm lịch hàng năm). Phần lễ uy nghiêm, trọng thể và phần hội lại tưng bừng đặc sắc miền sơn cước: Cờ tướng, đập niêu đất, nhảy bao bố, đánh bóng chuyền. Có cả đấu vật, chọi gà, hát chèo, diễn xướng hầu thánh…
Năm 1992, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đền Cao - An Phụ được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia. Chỉ 6 năm sau, tức 2016, Quần thể Khu di tích An Phụ - động Kính Chủ - chùa Nhẫm Dương được đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Vào mùa lễ hội, thị xã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể tháo đã đón hàng vạn lượt khách tham quan gắn với các tua tuyến du trải nghiệm trên địa bàn thị xã và các huyện trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhân ngày tưởng niệm ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu và Thánh tổ Thủy Nguyệt gắn với lễ hội Đền Cao - An Phụ và Nhẫm Dương. Những ngày ấy, cả vùng đất xung quanh đền, náo nức tưng bừng, đón hàng vạn lượt khách tham quan, về đền chiêm bái, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của An Sinh Vương. Du khách, từ các huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Đông Triều về; từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình sang… Đường chính chật đông, du khách tìm các đường mòn từ các phía xung quanh dãy núi để lên đền…
***
Ở vùng đồng bằng châu thổ, lễ hội Đền An Phụ được coi là rất thiêng liêng. Xưa kia, các quan chức hàng phủ hàng huyện không thể sao nhãng. Thời phong kiến, chủ tế là quan phủ sở tại. Thời nay, chủ tế là một vị lãnh đạo chủ chốt của huyện (thị xã).
Người viết bài này đã được tham dự một buổi lễ tại Đền Cao Yên Phụ. Trong một không gian núi sông hài hòa, hữu tình sơn thủy, thiên nhiên hùng vĩ, trầm thơm bảng lảng khói hương, lễ hội được bắt đầu bằng cảnh trang nghiêm, chiêng trống uy nghi xúc động lòng người. Văn tế An Sinh Vương Trần Liễu được tấu lên, âm thanh vang động núi rừng:
Nhớ linh xưa:
Thuỷ tổ ngư dân, quen thả lưới quăng chài
Dòng dõi Đông A, vốn ham văn chuộng võ
Áo vải nhuộm sương, nên tía hồng phẩm phục triều đình
Tay trắng vung gươm, thành khí phách ân uy trăm họ
Phụng Càn Vương, nhà Lý thụ phong
Tước Hoài Vương, triều Trần chiếu bổ
Danh gia thiên hạ từng nghe
Cự tộc dân gian đều rõ
Lòng NHẪN thiên cơ, hoá giải hận thù
Chữ NHÂN nhiệm màu, cân bằng thế sự.
Hôm nay:
Tháng Tư, trời rộng mênh mông
Mồng một, nắng hồng rực rỡ
Chúng dân, quan chức làng quê
Lữ thứ, tăng ni xứ sở
Thắp trầm hương cung kính đức Hoài Vương
Dâng mỹ tửu chiêm bái người thiên cổ
Nguyện cầu:
Đức An Sinh Vương lượng bể thấu soi
Thiên Đạo Quốc Mẫu chứng minh phù hộ
Hoa quả thu đông, thơm ngọt khắp An Sinh
Ngô lúa xuân hè, vàng óng miền Yên Phụ
Hương trầm thăm thẳm Tường Vân, lãng đãng Huề Trì
Sóng nước dào dạt Kinh Thầy, âm vang Kính Chủ…