Hiểm họa từ những bến đò ngang trên Sông Cầu
Mỗi ngày đều đón hàng trăm lượt khách, phương tiện qua lại giữa 2 tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang, thế nhưng nhiều bến đò ngang trên Sông Cầu (thuộc địa phận Bắc Ninh) không hề được trang bị áo phao, phao tròn, bình cứu hỏa… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông đường thủy.
Theo ghi nhận của phóng viên Đại Đoàn Kết, dọc theo bờ sông cầu (địa phận Bắc Ninh) từ xã Hòa Long (TP Bắc Ninh) đến xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong) chỉ chưa đầy 10km đã có tới 6 - 7 bến đò ngang, mỗi bến đều có 1 - 2 chiếc phà một lưỡi, sẵn sàng đón hàng trăm lượt khách qua lại trong ngày.
Tại một số bến đò như: Bến đò Quả Cảm, bến đò Đại Lâm, bến đò Đồng Bún, bến đò Gầm, bến đò Phù Yên… tuyệt nhiên không hề có một hành khách nào xuống phà được mặc áo phao, thậm chí có một số phà còn không hề trang bị áo phao, phao tròn, bình cứu hỏa…
Anh Nguyễn Văn Dũng (phường Vệ An, TP Bắc Ninh) khách đang chờ chuyến phà cho biết, ngày nào anh cũng đi phà tại bến đò Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện yên Phong) qua xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) để làm việc, mỗi lượt đi có giá 5.000 đồng/lượt. Mọi khi phà chở đông lắm, cỡ khoảng hơn 10 người cả xe máy, gần đây do dịch bệnh nên ít người hơn.
“Tôi đi phà ở bến đò Đại Lâm mấy năm nay rồi, không thấy ai mặc áo phao bao giờ, chủ phà cũng không nhắc nhở. Biết là có nguy hiểm nhưng thành thói quen rồi, với lại từ đầu bên này sang bên kia có chừng dăm ba phút nên ai cũng ngại mặc” - anh Dũng nói.
Tiếp tục men theo bờ Sông Cầu, phóng viên có mặt tại bến đò Đồng Bún (thôn Phấn Động, xã Tam Đa, huyện Yên Phong), vẫn là cảnh tượng nhiều hành khách không mặc áo phao, trong đó có trẻ em. Đặc biệt, chuyến phà còn chở nhiều xe máy và một chiếc xe tải có trọng lượng 5 tấn, và dĩ nhiên, chiếc phà không hề được trang bị bất kỳ thiết bị cứu sinh nào.
Anh Lê Mạnh Hải - làm nghề lái xe tải (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: “Tôi thường xuyên chở hàng từ Bắc Giang sang Bắc Ninh qua bến Đồng Bún này. Đi qua đây nhiều rồi cũng chưa thấy ai nhắc mặc áo phao bao giờ”.
Theo một nhân viên tên Tiến, phụ trách thu tiền đò tại bến đò Phù Yên (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong), hàng ngày phà có thể chở hàng trăm lượt khách qua lại, thu về khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Tiền thầu bến ở đây là 50.000.000 đồng/năm, đóng 3 năm 1 lần, có hợp đồng đàng hoàng.
“Phà nhìn cũ vậy thôi chứ chở một lúc được 2 xe ô tô 7 chỗ chưa kể khách, áo phao, bình cứu hỏa cũng có nhưng để lên 1-2 cái tượng trưng thôi, có ai nhắc đâu mà lo, với lại khách người ta cũng ngại mặc” - nhân viên tên Tiến chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Ngô Quang Thu - Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong cho biết: “Hàng tháng chính quyền xã vẫn cử lực lượng công an đi kiểm tra tại các bến đò trên địa bàn, việc người dân phản ánh các phà một lưỡi không có các trang thiết bị cứu sinh, khách qua phà không mặc áo phao thì chính quyền chưa nắm được, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí chúng tôi sẽ cử lực lượng xuống xác minh, kiểm tra ngay”.