Dân bảo vệ rừng như báu vật
Không chỉ có giá trị về mặt vật chất, những rừng cây cổ thụ với những loại cây gỗ nằm trong nhóm A được người dân hết sức trân quý. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, để bảo vệ “báu vật” của làng, người dân đã thay nhau canh giữ, lập tổ tuần tra ngày đêm để rừng cây không bị phá hoại.
Từ rừng đinh hương trăm héc ta
Vượt hàng trăm kilômét đường trường, với những con dốc cua tay áo trên quốc lộ 7, quốc lộ 16 chúng tôi tìm về bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An) để tận mắt chứng kiến “báu vật của rừng” mà bà con dân bản nơi đây đã bảo vệ suốt hàng chục năm qua. Đó là những cây đinh hương cổ thụ với kích thước “khủng” được bảo vệ rất nghiêm ngặt, tránh sự nhòm ngó của lâm tặc. Để làm được điều đó, người dân đã tự lập đội tuần tra canh gác ngày đêm.
Dẫn chúng tôi vào vùng đất có “báu vật” của bản làng, anh Lương Văn Nam (42 tuổi) trú tại bản Na Hang, người đã tham gia tổ bảo vệ rừng đinh hương hơn 25 năm nay cho biết: “Rừng đinh hương hiện có khoảng gần 100 gốc cây loại to, còn cây nhỏ hơn thì đếm không xuể. Gỗ đinh hương đắt, nên bị nhiều đối tượng nhòm ngó lắm, nhưng dân bản chúng tôi quyết tâm bảo vệ”.
Theo anh Nam, khu rừng của bản Na Hang với diện tích trên 100ha. Từ năm 1994, dân bản Na Hang đã lập quy ước riêng để bảo vệ những cây đinh hương quý trước các cuộc săn lùng của lâm tặc. Do có thâm niên bảo vệ rừng cây, anh Nam nhớ lại: “Khoảng hơn 25 năm trước, khi đó hầu hết các loại gỗ quý của địa phương bị đốn hạ trơ gốc. Tuy nhiên, do được canh gác cẩn thận, với sự đồng lòng cao của bà con dân bản, nên rừng đinh hương bản Na Hang vẫn an toàn trước mỗi đợt “tìm và diệt” của “lâm tặc”.
Đi sâu vào cánh rừng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hàng trăm cây đinh hương lớn nhỏ khác nhau. Thậm chí, có nhiều cây có tuổi đời từ 70-80 năm, cao từ 7-10m, có nhiều cây phải 3 người ôm. Trao đổi với chúng tôi, ông Kha Văn Ba - Bí thư chi bộ bản Na Hang cho biết: Rừng đinh hương của bản làng Na Hang là niềm kiêu hãnh của dân bản. Nó không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn là biểu hiện của sự đồng lòng, quyết tâm bảo vệ “báu vật” của người dân nơi đây. “Không những không ai dám xâm phạm cây quý, mà ngay cả việc phát rẫy cũng không được, bởi đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc cháy rừng, thậm chí lợi dụng đốn hạ cây đinh hương”- ông Kha nhấn mạnh.
Đến “báu vật” núi Tháp Lĩnh
Nằm trọn trong ngọn núi Tháp Lĩnh thuộc xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có một rừng lim xanh nguyên sinh trăm tuổi, diện tích hơn 20 ha, rừng lim được ví như “lá phổi”, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Khu rừng lim xanh trở thành chốn “cấm sơn”, được bảo vệ tuyệt đối. Thậm chí, theo hương ước của làng, nếu ai chặt một cây ở núi Tháp Lĩnh sẽ bị phạt và phải trồng lại 10 cây. Do đó, việc chặt phá cây trong khu rừng gần như không có trong hàng chục năm qua.
Theo ông Mai Huy Chân (61 tuổi) cán bộ lâm nghiệp xã Hậu Thành, người có thâm niên hơn 20 năm bảo vệ khu rừng lim cho biết: Rừng lim ở Tháp Lĩnh có hơn 100 năm qua, hàng chục năm nay do được bảo vệ chu đáo, nghiêm ngặt nên rừng lim vẫn nguyên thủy như xưa. Không tính cây nhỏ, trong rừng lim nay hiện có khoảng 100 cây lớn, cao 15-30m, đường kính từ 100- 300cm. Để bảo vệ rừng lim khỏi nạn khai thác, từ thời xa xưa, cư dân làng Đức Hậu (tên cũ của xã Hậu Thành ngày nay) đã đặt ra hương ước để bảo vệ khu rừng này. Cụ thể, người dân nào vào rừng chặt một cây thì sẽ bị phạt, bêu danh giữa làng và buộc phải trồng lại 10 cây. Từ đó người dân xã Hậu Thành xem khu rừng là “báu vật” của làng, các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau chăm sóc, bảo vệ. “Theo hương ước có từ xa xưa, nếu ai chặt cây vừa bị phạt, vừa phải trồng mới gấp mười, nên không ai dám đụng đến một cây trên núi Tháp Lĩnh”- ông Chân cho biết.
Ngoài hàng trăm cây lim cổ thụ, tại khu rừng này còn có có khoảng hơn 100 chủng loại với nhiều cây gỗ quý khác như gụ, trắc, sến... Động vật trong rừng khá ít, chủ yếu là chim, sóc, ếch, nhái… do khu rừng ở gần khu dân cư. Để chứng thực, sau khi có “giấy thông hành” vào rừng, chúng tôi men theo lối mòn của người dân dẫn đường, tiếp cận khu vực nhiều “cụ” lim trú ngụ. Với những tán lá rậm rạp, phía dưới là tầng cây bụi, dây leo tạo nên thảm thực vật phủ kín mặt đất. Phía trên là những tán cây rợp kín, ánh nắng mặt trời rất hiếm khi xuyên qua được. Rừng lim với số lượng cây cổ thụ rất nhiều, còn cây nhỏ đếm không hết. Nhiều cây có đường kính rất lớn, thậm chí có cây gần 100 tuổi với đường kính hơn 3,1m.
Để bảo vệ và bảo tồn nguồn gen tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của rừng, bảo vệ các di sản văn hóa, hàng nghìn cây lim xanh cổ thụ, và hàng trăm loại cây quý hiếm trong núi Tháp Lĩnh với tổng diện tích 13,7ha, được quy vào rừng đặc dụng (loại rừng để bảo tồn thiên nhiên). Không những vậy, nhiều năm qua chính quyền xã Hậu Thành đã ươm bầu thành công hơn 1.000 cây lim để trồng mới cho núi Tháp Lĩnh.