Thị trấn Atánquez và câu chuyện bản sắc bước ra từ những cuốn sách
Thư viện Kankuaka tại Colombia luôn sống với sứ mệnh kết nối thế hệ trẻ bản địa với quá khứ, bảo tồn lịch sử và củng cố bản sắc văn hóa của vùng đất.
Khi bình minh ló rạng phía sau những ngọn núi vùng Sierra Nevada de Santa Marta, miền bắc Colombia, một nhóm nhỏ những đứa trẻ bắt đầu thong dong bước xuống dốc, mang theo máy ảnh và các tấm phác thảo.
Mỗi tháng, chúng đều cùng nhau đến một địa điểm cổ kính, rải rác với hàng trăm bức tranh khắc đá – những viên đá nhẵn có khắc hoa văn – để tạo ra những tác phẩm riêng về nghệ thuật truyền thống của tổ tiên.
Dự án văn hóa này được điều hành bởi thư viện công cộng ở Atánquez, một thị trấn ven núi yên tĩnh với 10.000 cư dân trong khu bảo tồn bản địa Kankuamo.
Thư viện Kankuaka của Atánquez không chỉ là một không gian để lưu trữ sách, đó còn là trung tâm của những sáng kiến, nơi người bản địa bảo tồn lịch sử và củng cố bản sắc của vùng đất. Một gian nhà nhỏ cùng những ngôi nhà tròn bằng gạch bùn phía sau tòa nhà chính là nơi tổ chức các cuộc tụ họp cộng đồng.
Nhiều hoạt động được tổ chức dành cho thế hệ trẻ, bao gồm các buổi khắc đá ngoài trời, hội thảo nhiếp ảnh và gặp gỡ với những người lớn tuổi trong bộ lạc.
Cậu bé Mariham Martinez Daza, 7 tuổi, một thành viên trong chương trình vui vẻ nói: “Những bức chạm khắc trên đá đều chứa đựng kỷ niệm của tổ tiên chúng cháu. Mọi thứ đều thật đẹp”.
Đối với cô bé Sahian Maestre, 13 tuổi, những bức tranh khắc đá đã dẫn lối tới một phần khác trong mỗi con người. Chúng kể về quá khứ và giải thích cách người bản địa nhìn thấy mọi thứ xung quanh thế giới. Đó cũng là một cách khác để nhìn nhận cuộc sống, và tổ tiên của chúng cháu tin rằng mỗi con người đều được kết nối với nhau theo một cách nào đó”.
Nhưng chuyến đi yêu thích của cô bé chính là được gặp gỡ những người lớn tuổi tại Kankuamo, để tìm hiểu về âm nhạc truyền thống, công thức nấu ăn và cách mọi người đã thay đổi trong những năm qua.
Anh Souldes Maestre, thủ thư và là một trong những người sáng lập nên thư viện cho biết: “Đối với chúng tôi, một số ký ức đã không thể được truyền đi nếu nó không được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Truyền thuyết đồng nghĩa với việc phải được kể, không đơn thuần chỉ đọc trong sách. Chúng tôi muốn bọn trẻ bắt đầu hứng thú khi biết đặt những câu hỏi về cuộc sống”.
Vào tháng 2/2013, thị trấn Atánquez đã nhận được một thùng sách do Mạng lưới Thư viện Công cộng Quốc gia gửi đến, và khi đó đống sách vẫn chưa mở. Khi một nhóm thanh niên phát hiện ra rằng, một quan chức chính phủ sẽ đến và vứt bỏ chúng vì không có ai sử dụng, họ đã quyết định hành động.
Họ bóc gói ni lông và gấp rút xếp sách trong một tòa nhà cộng đồng bỏ hoang. Các quan chức đương nhiên đã nghi ngờ về “thư viện đáng ngờ” này. Nhưng, Maestre kể lại họ đã nói với anh rằng: “Nếu như các bạn đã có thể sắp xếp thư viện này cùng với nhau trong một đêm, bạn sẽ không thể tưởng tượng được chúng ta có thể làm được những gì trong một năm”.
Ngay sau đó, chính quyền đã quyết định cho nhóm thanh niên thời hạn một năm, cùng rất nhiều bàn ghế và sách mới chuyển đến. Vào năm 2015, thị trấn Atánquez đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng thư viện quốc gia của Colombia, và sau đó đã giành được giải thưởng này vào năm 2017.
Patrick Morales, điều phối viên về các vấn đề dân tộc tại Trung tâm Quốc gia về Ký ức Lịch sử ở Colombia cho biết, câu chuyện của Thư viện Kankuamo là biểu tượng của những người bản địa Mỹ Latinh, những người đã cố gắng hòa nhập cộng đồng vào những năm 1950 và 1960, sau đó trở về cội nguồn.
Nhưng điều làm nên nét đặc biệt ở thư viện Kankuaka chính là sự tập trung vào các câu chuyện nghe nhìn và trao đổi trực tiếp giữa các thế hệ.
Ông Morales tin rằng: “Thư viện Kankuamo rất tận tâm với thế hệ trẻ, bởi vì đối với họ, thể hệ trẻ chính là những người thừa kế của cuộc chiến gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.
Trong suốt thời gian đại dịch, thư viện không những cung cấp cho những đứa trẻ máy ghi âm để ghi lại các cuộc trò chuyện với gia đình, phát hạt giống, mà còn hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho các gia đình có nhu cầu. Vaccine tiêm chủng thậm chí còn được cung cấp tại thư viện.
Có khoảng 35.000 cư dân bản địa sinh sống trong Kankuamo, 28.000 trong số họ sống trong khu bảo tồn, và họ là một trong bốn nhóm dân bản địa của Sierra Nevada de Santa Marta.
Giống như nhiều cộng đồng bản địa khác, văn hóa của họ đang bị đe dọa bởi sự hiện đại hóa và những cuộc xung đột. Bạo lực từ các nhóm du kích và bán quân sự trong những năm 1980 và 1990 đã giết chết, đẩy nhiều đứa trẻ vào cảnh mồ côi và di tản hàng trăm người, khiến các gia đình ly tán, đồng thời nhắm vào các nhà lãnh đạo và chính quyền tôn giáo.
Trong nhiều năm, trở thành người dân vùng Kankuamo bị coi là điều đáng xấu hổ và nhiều người đang cố gắng tách mình khỏi nền văn hóa của họ, nhưng đầu những năm 1990 đã chứng kiến một sự thay đổi.
Ông Ener Crispin Cáceres, một trưởng lão của cộng đồng Kankuamo nói: “Từng chút một, người dân của chúng tôi đang yêu quý và trân trọng lại những gì bản sắc văn hóa truyền thống với tư cách là người bản địa”.
Ông John Robert Torres Maestre, trước đây là một lái xe taxi, hoặc trưởng thị trấn Atánquez, đã giúp đưa thư viện đi vào hoạt động. Ông nói rằng khoảng 40 năm trước, một thế hệ đi học đại học đã không bao giờ quay trở lại, đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng tình yêu học tập bên cạnh tình yêu di sản là rất quan trọng để thu hút những người trưởng thành quay trở lại quê hương.
Bản sắc văn hóa ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng khi khu vực phải đối mặt với các mối đe dọa từ các dự án khai thác than, coltan và dầu mỏ được đề xuất gần đó. Chúng có thể phá hủy đất đai và đầu độc các dòng sông. Đối với Maestre, luôn có một sợi dây kết nối chặt chẽ giữa trách nhiệm của thư viện và khả năng tự bảo vệ của cộng đồng.
Maestre nhấn mạnh: “Đối với chúng tôi, khái niệm ký ức không giống như một viện bảo tàng, một thứ gì đó có thể nhìn thấy được, mà là đại diện cho sự sống còn của nhiều thế hệ cư dân Kankuamos”.