[Ảnh]: Chiêm ngưỡng hàng trăm con 'gà khổng lồ' sống giữa đồng không mông quạnh

Đình Minh 23/03/2022 16:30

Trang trại của ông Đào Đức Thuỷ nằm ở giữa cánh đồng vắng, hiện đang nuôi gần 300 con đà điểu các loại, cho thu nhập trên 200 triệu đồng một năm. Đây được biết đến là cơ sở nuôi đà điểu lớn nhất Thanh Hoá.

Trang trại của ông Đào Đức Thủy (thuộc tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa) hiện là nơi nuôi nhiều đà điểu nhất tỉnh Thanh Hoá với quy mô 3 ha. Hiện tại, nơi này đang nuôi khoảng trên 100 con đà điểu bố mẹ, 100 con đà điểu thương phẩm.
Đà điểu này thuộc dòng đà điểu châu Phi, được công nhận là loài chim khổng lồ to nhất thế giới. Theo ước tính, những con đà điểu thương phẩm tại trang trại của ông Đào Đức Thuỷ có trọng lượng trung bình trên 100 kg mỗi con.
Cơ duyên khiến ông Thuỷ đến với nghề nuôi đà điểu bắt nguồn từ năm 2015, do một lần xem trên truyền hình thấy nhiều hộ ở các tỉnh phía Bắc nuôi rất nhiều đà điểu, vì vậy ông đã bàn với vợ nuôi thử. Sau 3 lần ra Trung tâm nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội), ông đem về hơn 150 con, mỗi con giống có giá hơn 1,5 triệu đồng. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, số con giống cũng hao hụt đi khá nhiều...
Đà điểu là loại chim hoang dã mới được thuần chủng, phát triển tốt trong môi trường tự nhiên nên khu vực sống của chim được ông thiết kế rộng rãi, phía dưới để mặt đất tự nhiên, giúp con vật chạy nhảy được thoải mái. “Đà điểu sợ tiếng ồn, do đó, trang trại phải tách biệt với khu dân cư. Chuồng trại phải rộng, được rải cát vì đà điểu có nguồn gốc từ sa mạc, thường xuyên tắm cát giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da...”, ông Thủy cho biết.
Thời gian khai thác đà điểu mái và trống khá dài, con mái từ 40 - 50 năm, con trống từ 12 - 15 năm. Thông thường các trại nuôi đà điểu chọn 2 mái thì cần 1 con trống để sinh sản. Mùa sinh sản của đà điểu bắt đầu từ tháng 12 kéo dài đến tháng 8 âm lịch năm sau. Một con đà điều đẻ từ 40 - 45 quả trứng/năm, mỗi quả đạt trọng lượng từ 1,4 - 1,5 kg.
Đôi chân của dòng đà điểu châu Phi này rất cao, ước tính lên tới gần 2 m đối với những con trưởng thành.
Khi thấy có người lạ, đà điểu thường tiến lại gần và dùng chiếc mỏ nhọn hoắt để mổ.
Theo ông Thủy, đà điểu là loài động vật dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là cỏ, bèo tây, chuối, rong rêu và có thể ăn tất cả các loại cây, lá có màu xanh khác. Đối với các loại rau, cỏ thu hái về, ông xay nhỏ trộn với cám gạo, cám ngô, bỏ vào máng cho đà điểu ăn dần. Ngoài ra, chim đà điểu còn ăn cát sỏi, các loại vitamin, B1, B2, B6, premix khoáng, thức ăn từ động vật như trùn quế, dế, giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Mỗi ngày, chỉ cần cho đà điểu ăn một lần vào buổi sáng. Loài "chim khổng lồ" này thường rất thích ăn cỏ voi xay nhuyễn và trộn với cám.
Ngoài đà điểu, trang trại của ông còn nuôi bò, lợn, dê... Mỗi năm, gia đình ông Thủy có lãi hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi kết hợp. Hiện, trang trại đang tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương khoảng 5 triệu đồng/người/ tháng.
Năm 2019, gia đình ông Thủy đã cho ấp nở thành công đà điểu giống, mỗi con hiện có giá từ 2 - 2,2 triệu đồng. Theo tính toán, nuôi đà điều thương phẩm sau 10 - 12 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 90 - 120 kg/1 con, giá bán 8-10 triệu đồng.
Đà điểu là loại có đôi chân cực kỳ cao, vì vậy, căn bệnh khớp luôn thường xuyên xảy ra với loài động vật này. Khi bị bệnh khớp, đà điểu di chuyển khó khăn, thâm chí phải nằm im tại chỗ để chờ mang thức ăn đến. Để phòng ngừa loại bệnh này, gia đình ông Thuỷ đã thường xuyên tiêm vaccine, tuy nhiên, vẫn có một số con bị mắc bệnh.

Đình Minh