Hà Nội đã qua đỉnh dịch
Từ ngày 11/3 tới nay, số ca mắc mới của Hà Nội đã có chiều hướng giảm mạnh, số người nhập viện điều trị Covid-19 tại các bệnh viện cũng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, điều này không đồng nghĩa với việc chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Tâm lý chủ quan sẽ dẫn đến những ẩn họa khôn lường...(
Nhiều ngày qua, số ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội liên tiếp giảm mạnh. Các chuyên gia y tế nhận định, Hà Nội đã vượt qua “đỉnh dịch”.
Bệnh nhân Covid-19 nhập viện giảm mạnh
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Y tế, từ ngày 11/3 tới nay, số ca mắc mới của Hà Nội đã có chiều hướng giảm mạnh. Nếu như ngày 11/3, Hà Nội ghi nhận 31.899 ca mắc mới thì những ngày sau đó, ca mắc mới liên tục giảm tới ngày 21/3, toàn thành phố ghi nhận 17.916 ca mắc mới.
Một trong những hệ quả của việc dịch bệnh giảm mạnh là số lượng người nhập viện điều trị Covid-19 tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng có những dấu hiệu giảm rõ rệt. Thông tin từ Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, ở thời điểm hiện tại, số lượng bệnh nhân tại đây chỉ còn một nửa so với 10 ngày trước đó.
Đồng thời, bởi số lượng bệnh nhân giảm nên một nửa nhân viên y tế tại bệnh viện này cũng đã được điều chuyển để tham gia công tác chuyên môn, điều trị các bệnh nhân thuộc chuyên khoa khác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tình trạng tương tự này cũng diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện cho hay: “Hiện nay số lượng người bệnh điều trị Covid-19 tại đơn vị chỉ còn khoảng 1/3 so với thời điểm đỉnh dịch. Lượng bệnh nhân nhập viện những ngày qua có chiều hướng giảm sâu. Điều này khiến các nhân viên y tế của chúng tôi không còn rơi vào tình trạng quá tải như trước đó”.
Thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho thấy, hiện nay bệnh viện đang điều trị cho 100 F0, giảm 2/3 so với thời kỳ đỉnh dịch.
Không chỉ bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 giảm mạnh, tại nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, số lượng ca mắc mới cũng đang có xu hướng giảm sâu.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm cho hay, nếu như trước đây trên địa bàn quận ghi nhận có ngày cao điểm lên tới 2.000-3.000 ca mắc thì hiện nay còn khoảng 500-700 ca, giảm khoảng 70% với thời kỳ đỉnh điểm. Đồng thời số bệnh nhân nặng cũng có xu hướng giảm. Số bệnh nhân nặng chuyển lên tầng 2, 3 chiếm 0,8-1%, còn 99% bệnh nhân thể nhẹ điều trị tại nhà.
Vui mừng chia sẻ cùng PV Báo Đại Đoàn Kết về việc 2 ngày nay không có thông báo ca mắc mới, bà Nguyễn Thị Hảo - Tổ trưởng Tổ dân phố D18, cụm 10, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là nhận thông báo của người dân mắc Covid-19, sau đó bổ sung các thông tin rồi chuyển cho y tế phường. Ở giai đoạn trước, đỉnh điểm có ngày tôi nhận được 14 đến 15 ca F0 thông báo thế nhưng khoảng 1 tuần nay thường là chỉ 1 ca mắc mới/ngày, riêng 2 ngày nay thì chưa có ca mắc nào”.
Số ca nặng và tử vong đã được kiểm soát
Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, hiện Hà Nội có gần 347.000 ca Covid-19 điều trị, trong đó chỉ 262 ca điều trị tại khu cách ly, trên 3.300 ca tại bệnh viện (chiếm gần 1% tổng số ca đang điều trị, theo dõi), số còn lại theo dõi tại nhà (hơn 99%).
Theo ông Dũng, thời gian qua, khi dịch tăng cao, thành phố đã tập trung vào 3 hướng chính: Tiêm vaccine, tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3 và đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
Hơn 4.600 Tổ hỗ trợ theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà và hơn 5.000 Tổ Covid cộng đồng thường xuyên tiếp nhận thông tin, tư vấn, quản lý và cấp phát thuốc cho người bệnh; báo cho nhân viên y tế những trường hợp có triệu chứng nặng; tiếp nhận thông tin về nhu cầu cấp giấy hưởng bảo hiểm xã hội để phối hợp với trạm y tế cấp giấy tại nhà cho người dân.
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp đúng, trúng, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, Hà Nội giữ vững tình hình từ cơ sở. Tuần qua, số ca mắc có chiều hướng giảm mạnh, đặc biệt tỷ lệ ca tăng nặng, người tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.
Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 vẫn còn cao nhưng đã có xu hướng giảm, tỷ lệ F0 nhập viện thấp, số ca tử vong giảm. Điều đó cho thấy Hà Nội đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Mặc dù vậy, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở nhận thức rõ tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là không được chủ quan, phải tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và thành phố với quyết tâm cao nhất, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền.
Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện 3 giải pháp trọng tâm là tiêm vaccine ngừa Covid-19 (đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao), tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3; đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị từ sớm, chú ý ứng dụng các nền tảng công nghệ.
Ngành Y tế và các địa phương phải chú ý quản lý, điều trị người bệnh là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền; theo sát kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế về việc tiêm vaccine cho trẻ, kể cả từ 3 tuổi trở lên, chuẩn bị các phương án cần thiết, bảo đảm an toàn để khi được phân bổ vaccine có thể triển khai được ngay.
Các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch ở địa bàn dân cư, nhất là yêu cầu đeo khẩu trang, khử khuẩn; hướng dẫn chăm sóc, khám chữa bệnh nhân Covid-19 tại nhà; xử lý rác thải y tế không để phát tán mầm bệnh; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ hỗ trợ theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà và các Tổ Covid cộng đồng bảo đảm thực chất, đem lại niềm tin cho nhân dân.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Đã đến lúc xem Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa
Các dữ liệu về tiêm chủng, về khả năng phòng vệ với Covid-19 của các cơ sở y tế và thái độ của người dân…, đều cho thấy đã đến lúc cần có cách tiếp cận khác với Covid-19.
Chính phủ mới đây yêu cầu nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tôi cho rằng cần sớm đẩy nhanh quá trình này, ngay trong tháng 3 này, vì chúng ta đã hoàn toàn có đủ khả năng tiếp nhận, điều trị Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa.
Khi coi Covid-19 là một chuyên khoa, không có nghĩa là hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này, mà chúng ta theo dõi thật sát và phản ứng linh hoạt.
Nếu có gì khác với trước khi bùng dịch, đó là các cơ quan quản lý vẫn cần khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên hơn. Những ai mắc Covid-19 vẫn nên ở nhà, có dấu hiệu chuyển nặng thì vào bệnh viện điều trị.
Các trường hợp bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn nên hạn chế tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm cho nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai… Việc cách ly người bệnh dứt khoát không cực đoan như trước đây. Bất cứ ai xét nghiệm nhanh âm tính sẽ đi làm trở lại bình thường.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội: Lạc quan nhưng không được chủ quan
Số ca Covid-19 hàng ngày của Hà Nội và cả nước đang có dấu hiệu chững lại rõ rệt. Điều này cho thấy, Việt Nam đã qua đỉnh dịch. Kết quả này do thời gian qua Việt Nam đẩy mạnh công tác tiêm chủng, nâng cao độ bao phủ vaccine.
Do đó, dù F0 tăng cao nhưng không có dấu hiệu quá tải hệ thống y tế cũng như bệnh nhân nặng, tử vong giảm.
Dự báo trong thời gian tới dịch Covid-19 ở nước ta giảm nhiều. Trước việc biến chủng Omicron gây bệnh nhẹ, cộng thêm độ bao phủ vaccine cao, chúng ta nên cân nhắc việc mở thêm các hoạt động để phát triển kinh tế - xã hội. Kể cả dịch vụ quán bar, karaoke hay thẩm mỹ, spa... đều có thể mở được trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt chúng ta nên cho các cháu đến trường học trực tiếp, dừng việc học trực tuyến lại để trẻ được phát triển toàn diện nhất.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Tâm lý chủ quan sẽ dẫn đến những ẩn họa khôn lường, cho cộng đồng và cho chính bản thân mỗi người. Ví dụ như sẽ dẫn đến số lượng ca mắc lan nhanh trên diện rộng, virus sẽ có cơ hội nhân lên, nguy cơ xảy ra biến thể mới nguy hiểm hơn hiện nay rất nhiều lần.
Lạc quan, thoải mái tinh thần để phòng, chống dịch khác xa với chủ quan, buông xuôi. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân vẫn cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đặc biệt là hiện nay, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Đức Trân (ghi)