Hà Nội: Quyết định đề xuất chọn vị trí ga ngầm C9 dịch khỏi vùng bảo vệ di tích
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các ưu nhược điểm cụ thể của 3 phương án xây dựng ga ngầm C9 tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội đã quyết định đề xuất phương án 1 dịch chuyển vị trí.
Ga ngầm C9 dịch khỏi vùng bảo vệ di tích
Ngày 23/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét thống nhất vị trí mặt bằng ga ngầm C9 - hồ Hoàn Kiếm, dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Đối với phương án 3 (phương án bỏ ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai) với lý do không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến kỹ thuật chạy tàu, ảnh hưởng đến năng lực vận tải hành khách công cộng, mục tiêu dự án và các tuyến đường sắt đô thị liên quan; Trường hợp ga C9 được xây dựng sau khi tuyến đã đi vào khai thác vận hành là hết sức khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, về đảm bảo an toàn hành khách, thời gian thi công kéo dài... dẫn đến tăng cao chi phí xây dựng. Do vậy, thống nhất không đề xuất theo phương án 3.
Bên cạnh đó, đối với 2 phương án còn lại là phương án 1 (Điều chỉnh thiết kế, vị chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn) và phương án 2 (Giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm C9 đã được Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và các sở ngành thành phố thống nhất đề xuất) đều có ưu điểm là phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị H1-1B (khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận).
Tuy nhiên, theo phương án 2, phần cơ bản thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Đồng thời chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Còn phương án 1 đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Từ đánh giá trên, trên cơ sở ý kiến của các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, GTVT, Xây dựng và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại cuộc họp, UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn thành hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và đẩy nhanh nhất tiến độ dự án đầu tư.
Chuyên gia nói gì về phương án được lựa chọn
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan như Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Giao thông, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về quy hoạch ga ngầm C9 - hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Tại văn bản này, UBND TP Hà Nội cho hay, sau khi nghiên cứu khoa học, kỹ lưỡng và thận trọng, TP Hà Nội xác định 3 phương án tổng quy hoạch ga ngầm C9 có tính khả thi.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Xây dựng) cho hay, nếu lựa chọn phương án 1, việc dịch chuyển ga C9 sẽ phải điều chỉnh hướng tuyến, quy hoạch, trong đó có nội dung đòi hỏi thẩm quyền quyết định của Thủ tướng. Điều này sẽ khiến dự án đang chậm trễ lại càng chậm hơn.
Theo vị Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: “Đánh giá phương án 2 là tối ưu vì nhà ga được thiết kế chìm dưới mặt đất, sử dụng công nghệ máy đào tiên tiến nên khi thi công và vận hành ít gây xáo trộn cảnh quan. Để tránh lo ngại lối lên xuống nằm trong vùng bảo vệ di tích, đơn vị thiết kế có thể dịch chuyển sang vị trí khác, hoặc bỏ không xây mà không ảnh hưởng đến công năng, hiệu quả tuyến”.
Đồng quan điểm, Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cũng cho biết, vị trí ga C9 theo phương án 2 phát huy tốt nhất tính tiện lợi của tuyến đường, hướng tới lượng hành khách tiềm năng là dân cư vùng nội đô lịch sử và khách du lịch. Hành khách sẽ dễ dàng đến ga C9 hơn thay vì đi ga C8 và C10 (cách nhau 2,7 km). Ga C9 là điểm nhấn toàn tuyến khi được quy hoạch nằm cạnh Hồ Gươm, một trong những di tích nổi tiếng nhất, biểu tượng nhất của Hà Nội.
Các chuyên gia giao thông đô thị đều cho rằng, quy hoạch tổng mặt bằng nhà ga C9 được xây dựng theo phương án 1 sẽ cực kỳ bất lợi trong vận hành và khai thác sau này.