Nhạt nhòa gameshow truyền hình
Từng là những “món ăn” hấp dẫn khán giả, nhưng thời gian gần đây các gameshow truyền hình thực tế đang dần đánh mất đi “gia vị”. Thậm chí nhiều chương trình còn “chết yểu” ngay sau lần đầu ra mắt.
Áp lực từ những thành công
Với việc mua bản quyền của nước ngoài, trong những năm qua các gameshow truyền hình thực tế đang có những cuộc “đổ bộ” cả về số lượng lẫn loại hình trên các kênh sóng truyền hình.
Thời gian đầu là sự “lên ngôi” của các cuộc thi về âm nhạc như Vietnam Idol, Nhân tố bí ẩn, Tuyệt đỉnh tranh tài… đã “chắp cánh” cho nhiều năng khiếu trẻ. Tiếp đó, các đài truyền hình cũng đã “trình làng” các cuộc thi tìm kiếm các tài năng, gameshow trải nghiệm, trí tuệ, hài, ẩm thực...
Thống kê sơ bộ trên các kênh của VTV, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, truyền hình Vĩnh Long… mỗi năm đã có vài chục gameshow truyền hình thực tế lớn được lên sóng.
Như ở lĩnh vực thời trang có Vietnam’s Next Top Model, The Face Vietnam…; khiêu vũ, nhảy múa là Bước nhảy hoàn vũ, Thử thách cùng bước nhảy… gameshow trải nghiệm như Bố ơi! Mình đi đâu thế, Running man, Sao nhập ngũ; các gameshow về kiến thức như Siêu trí tuệ Việt Nam, Nhanh như chớp…
Tuy nhiên, cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Sự thoái trào của các gameshow đang diễn ra ở hầu hết các kênh sóng bởi ở cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Theo nhiều khán giả truyền hình, vì các kênh sóng “đua nhau” làm gameshow đã khiến người xem “bội thực”.
Bởi dù số lượng tăng nhưng nội dung các chương trình hầu hết đều na ná nhau. Cùng một nội dung, chủ đề các chương trình giờ đây chỉ khác nhau về tên gọi và đơn vị sản xuất.
Gần 4 năm kể từ sau khi tuyên bố dừng sản xuất và phát sóng, chương trình “Sing my song - Bài hát hay nhất” sẽ quay trở lại với phiên bản mới có tên gọi “Big song big deal”. Đại diện đơn vị sản xuất cho biết, sau các vòng casting, sẽ có 20 gương mặt được chọn lựa để bước vào phiên bản “Big song big deal”. Cũng theo ê-kip sản xuất, người chơi khi tham gia chương trình sẽ có cơ hội thể hiện khả năng sáng tác của bản thân với nhiều góc độ, đa dạng từ đề tài cho đến nội dung; cộng với đó là sự hỗ trợ của những cố vấn chuyên môn uy tín, có tiếng trong giới nghệ thuật.
Nhiều chương trình dù đã tạo được “tiếng vang” trong những mùa đầu rồi cũng dần phải thu gọn thời gian phát sóng và cuối cùng phải dừng sản xuất.
Trong đó có chương trình Bước nhảy hoàn vũ từng tạo nên “cơn sốt” khiêu vũ, dance sport trong cộng đồng cũng đã phải dừng sản xuất sau 7 mùa.
Hay như Rap Việt dù cũng là hiện tượng nhưng cũng chỉ hấp dẫn ở lần đầu ra mắt và nhanh chóng trở nên “nhạt nhoà” ở mùa giải kế tiếp khi bị chê nhiều hơn khen.
Tự đánh mất mình
Thực tế cho thấy, ngoài lý do phải cạnh tranh thì nhiều chương trình đã tự đánh mất chính mình khi quá xa đà vào các tiểu tiết gây cười, tạo kịch tính hay lạm dụng các gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng. Hiện nay, nhiều nghệ sĩ tham gia các gameshow còn nhiều hơn các hoạt động biểu diễn đúng chuyên môn.
Không những vậy, các nghệ sĩ khi tham gia các chương trình ngoài việc tham gia các trò chơi còn phải kiêm thêm việc “dìm hàng” các đồng nghiệp... với mục đích gây tiếng cười. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều nghệ sĩ đã phải tuyên bố “đoạn tuyệt” với gameshow truyền hình.
Không chỉ “mất điểm” khi tạo ra những tiếng cười “nhạt”, các gameshow cũng dần đánh mất thương hiệu khi quá sa đà vào các tình tiết được gọi là kịch tính. Tại các chương trình người mẫu như The Face Vietnam, Vietnam’s Next Top Model… khán giả phải “căng mình” để chứng kiến những cuộc cãi tranh cãi.
Thay vì tìm kiếm những gương mặt xuất sắc nhất, thì người xem chỉ thấy nổi bật hơn cả là việc chặt chém, thậm chí lao vào nhau để ăn thua.
Mới đây nhất chương trình truyền hình thực tế “Quý ông hoàn hảo” sau vài tập phát sóng đã nhận được những phản ứng gay gắt từ khán giả. Thay vì các thi sính phải thể hiện sự thanh lịch, phong cách nam tính, mạnh mẽ… lại là những hình ảnh hoàn toàn ngược lại, phản cảm.
Chưa dừng lại ở đó, các chương trình ẩm thực hầu như đang sa đà vào việc quảng cáo cho các nhà hàng, nội dung đơn giản chỉ là người chơi “buôn chuyện” với nhau, ăn món ăn, bình luận và đoán giá tiền.
Các chương trình về kiến thức thì đáp án sai hoặc câu hỏi không đúng. Đáng buồn hơn là các chương trình hẹn hò với vô số những chiêu trò như thí sinh nói dối về bản thân, diễn lố, phát ngôn sốc… Thậm chí nhiều chương trình còn để người chơi thực hiện những hình ảnh phản cảm để tăng hiệu ứng, sức hút với khán giả.
Có thể nói, gameshow truyền hình đang rơi vào “ma trận” khủng hoảng. Các chương trình thường chú trọng đến yếu tố “giật gân”, nhiều kênh sóng truyền hình lại mở lối cho những gameshow “xàm, nhảm, vô bổ”.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đã đến lúc các đơn vị sản xuất cần thật sự nghiêm túc trong xây dựng nội dung cho các chương trình giải trí. Mục tiêu đặt ra là phải vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần của người xem, vừa có tác dụng định hướng xây dựng đạo đức, lối sống cho khán giả.
Các nhà sản xuất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu. Từ sáng tạo nội dung đến tổ chức biên tập, phát sóng, tất cả phải được làm rất chỉn chu để hạn chế tối đa việc phổ biến những sản phẩm kém chất lượng.
Phải nhận thức rõ, chính nghệ thuật sẽ tạo nên môi trường văn hóa cho sự phát triển nhân cách của con người. Cụ thể hơn ở đây, đối tượng chịu tác động chính là khán giả xem truyền hình.