Đừng để sập bẫy vì bất cẩn
Ngày 17/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu có 36 container hạt điều bị mất kiểm soát. Trong công điện 1583 gửi các Bộ Công thương, NN PTNT, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, từ đó có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp (DN), phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế.
Được biết, trong tổng số container hàng xuất khẩu, hiện có tới 36 container hàng với giá trị 162 tỷ đồng đang bị thất lạc chứng từ. Trong đó, có 8 container hàng đã cập cảng Genova của Italy, các container hàng còn lại sẽ đến cảng của Italy vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 tới.
Như vậy đối với 36 container hàng nói trên, phía DN Việt không còn quyền kiểm soát. Theo pháp lý quốc tế, các hãng tàu sẽ giao hàng cho người nhận khi họ cung cấp đầy đủ chứng từ (bản chứng từ gốc mà các DN Việt đang thất lạc) và nộp phí nhận hàng.
Hiện sự việc đang được phía các cơ quan hữu quan Việt Nam phối hợp giải quyết. Riêng với Bộ Công an, nếu phát hiện có yếu tố phạm pháp là các tổ chức, cá nhân trong nước thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam; nếu là các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì làm việc với Interpol để xử lý theo quy định quốc tế. Thủ tục pháp lý đang được tiến hành khẩn trương.
Vụ việc tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng bị nghi có dấu hiệu lừa đảo. Bộ Công thương đã khuyến cáo các DN cần trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường.
Trong trường hợp này, Công ty Kim Hạnh Việt (có 2 địa chỉ đều tại Quận 2, TP Hồ Chí Minh) là đơn vị môi giới.
Càng ngày Việt Nam càng hội nhập sâu rộng, đặc biệt ở lĩnh vực thương mại. Hàng Việt Nam đã chinh phục nhiều thị trường, kể cả những thị trường “khó tính” nhất. Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng gặp phải không ít khó khăn, đó là những “cuộc chiến pháp lý” phải vượt qua đối với những rào cản thương mại.
Cơ hội giao thương nhưng cũng tiềm ẩn tình trạng lừa đảo, nếu không tỉnh táo thì thiệt hại sẽ rất nặng nề. Trong bối cảnh bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid - 19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.
DN trong nước từng bị “sập bẫy” là do không tìm hiểu kỹ thông tin đối tác, đối tác nhận hàng không giao tiền, tài khoản giả mạo, làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng; cài người lấy chứng từ xuất khẩu; mở L/C tại ngân hàng không uy tín của nước thứ ba; đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở thư tín dụng L/C với lý do năng lực tài chính có hạn, chi phí giao dịch cao...
Trong những vụ bị lừa, thiệt hại đương nhiên thuộc về DN nhưng có thể thấy vai trò môi giới, tư vấn rất quan trọng. DN đặt niềm tin vào đơn vị môi giới, kể cả tư vấn pháp lý, do quá tin cậy nên vội vã chuyển hàng, chuyển tiền mà không tính tới rủi ro. Nhiều trường hợp DN còn bất cẩn, vội vàng đến mức không kiểm tra chéo, cũng như không trao đổi trực tiếp với đối tác.
Tâm lý chủ quan, hám lợi, lại không thông tỏ pháp luật thương mại quốc tế sẽ dẫn đến tai họa. Tuy nhiên, trong những vụ sập bẫy lừa đảo cũng cần thấy trách nhiệm của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài: Không chỉ thường xuyên thông tin về các dấu hiệu, thủ đoạn lừa đảo của các DN nước ngoài, mà còn phải là cầu nối chắc chắn cho DN trong nước khi làm ăn với đối tác nước ngoài.
Có thể thấy rằng, trong bất cứ vụ mua bán quốc tế nào thì DN - Thương vụ sứ quán - đơn vị môi giới đều phải chắc chắn, chuyên nghiệp thì mới có thể bảo đảm thành công, tránh được “bẫy lừa” tinh vi có thể đã được giăng ra.